Mở nhiều cơ hội việc làm cho lao động

07:10, 19/10/2012

Hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), Vĩnh Long đã mở ra cơ hội học nghề cho trên 19.500 LĐ, trong đó số người tìm được việc làm đạt gần 80%.


Niềm vui trúng mùa lúa của Tổ học nghề kỹ thuật nông nghiệp xã Hiếu Phụng (Vũng Liêm).

Hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), Vĩnh Long đã mở ra cơ hội học nghề cho trên 19.500 LĐ, trong đó số người tìm được việc làm đạt gần 80%. Theo đánh giá của BCĐ thực hiện Đề án 1956 của tỉnh, việc triển khai thực hiện đề án là cơ hội tốt cho LĐNT được học nghề, tìm việc làm, cũng như nâng cao thu nhập.

Mở ra nhiều cơ hội cho LĐNT

Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đã mở ra nhiều cơ hội đổi đời cho người dân nông thôn. Người học nghề không phải tốn tiền, không phải “lặn lội” đến trường nghề mà học ngay tại chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình, học tại địa phương. Và, người học nghề được chọn trường, chọn nghề cần học miễn sao phù hợp với điều kiện của mình để sau khi học xong có việc làm, tăng thêm thu nhập.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long- ông Huỳnh Thanh Tuấn: “Gần 80% LĐNT sau khi được đào tạo nghề tìm được việc làm và xuất khẩu LĐ phù hợp với nghề được đào tạo; việc đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và xuất khẩu LĐ đã nâng cao được thu nhập và đã đánh giá được hiệu quả bước đầu của đề án”. Ông cho biết thêm, ngoài các ngành nghề phổ thông tại các trung tâm dạy nghề (TTDN), trường nghề, có rất nhiều ngành nghề mới được mở để đào tạo cho LĐNT: kỹ thuật nông nghiệp, may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sinh vật cảnh, nữ công gia chánh… thu hút khá đông LĐ tham gia vì phù hợp với nhu cầu thực tế.

Một cán bộ ở TTDN cấp huyện cho biết, đào tạo theo nhu cầu và giải quyết việc làm sau khi được đào tạo nghề của người dân quyết định phần lớn sự thành công của đề án. Bởi lẽ, trước đây một số người dân đã mất lòng tin trong việc đào tạo nghề tại các trung tâm vì sau khi học xong rất ít người tìm được việc làm.

Trong thời gian qua, những lớp dạy nghề lưu động về tận xã, ấp và liên kết với các cơ sở sản xuất để sau khi học nghề, người LĐ có việc làm ngay như nghề tiểu thủ công nghiệp thu hút khá đông LĐNT tham gia trong thời điểm nông nhàn. Nghề đan thảm lục bình thu hút phần lớn là phụ nữ, tranh thủ thời gian nhàn rỗi ngoài công việc đồng áng và nội trợ để kiếm thêm thu nhập.

Xã Ngãi Tứ (Tam Bình) đang nhân rộng quy mô làng nghề đan thảm lục bình, sản phẩm làm ra được tiêu thụ ở tỉnh Bình Dương và Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ) với trên dưới 40.000 sản phẩm/tháng. Tay thoăn thoắt đan từng sợi lục bình khô để làm thảm dĩa, chị Bé Tâm (ấp An Phong- xã Ngãi Tứ) cho biết: “Đan thảm để có công ăn chuyện mần lúc rảnh rỗi. Đươn riết ghiền luôn. Ngày kiếm bậy hai ba chục ngàn cho con đi học cũng đỡ lắm à”.

Còn bà Nguyễn Thị Tư (xã Hậu Lộc- Tam Bình) cũng phấn khởi: “Công ty đem hàng xuống tận nhà, mình không cần phải đi đâu xa. Khỏe thì mần, mệt thì nghỉ, kiếm ngày hai ba chục ngàn. Tụi nhỏ thấy ham cũng xúm vô làm, có tiền ăn sáng, nó khỏi xin”.

Ngoài tiểu thủ công nghiệp, nghề may công nghiệp được LĐNT ưa chuộng. Hầu hết các TTDN dạy nghề thường gắn với cơ sở may ngay tại địa phương, nên sau khi được cấp giấy chứng nhận, hầu như tất cả học viên đều tìm được việc làm ngay tại quê mình.


Sau khi học nghề, LĐNT tìm được việc làm ngay tại địa phương . Trong ảnh: Công nhân may thú nhồi bông tại Công ty TNHH JM. Mekong (Tam Bình).

Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong năm 2011, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Vĩnh Long đã nhắm vào việc dạy nghề trồng lúa cho nông dân. Theo đó, tỉnh đã mở được 14 lớp, thu hút gần 500 nông dân tham gia.

Theo Sở LĐ- TB và XH, hơn 2 năm triển khai đề án dạy nghề cho LĐNT, nhiều đơn vị đã sáng tạo ra nhiều mô hình mới, cách làm hay để áp dụng tại địa phương. Mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng lúa, của Khoa Nông nghiệp Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long sau khi triển khai tại địa phương đã tạo “dấu ấn” với người dân địa phương.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy- Trưởng Khoa Nông nghiệp kiêm Giám đốc Trung tâm Chuyển giao khoa học kỹ thuật của trường cho biết: “Chúng tôi triển khai mô hình dạy nghề trồng lúa theo cách “1 phải, 5 giảm” và “3 giảm, 3 tăng” do ngành khuyến nông kết hợp với trường và Viện Lúa ĐBSCL tổ chức. Qua thời gian học, các đồng ruộng được vệ sinh, làm đất kỹ hơn trước khi xuống giống vụ mùa mới. Nông dân đồng loạt tuân thủ xuống giống tập trung theo lịch khuyến cáo của địa phương. Lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu được điều chỉnh ở mức hợp lý, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo cho ruộng lúa phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh.

Anh Thơ (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) kể: “Tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do trường chuyển giao, thầy chỉ dùng 10kg giống/công (trước phải là 20kg giống/công) và phải là giống nguyên chủng, tốn gấp đôi, gấp ba so với giống thường… Tui rất lo vì có mấy công ruộng để lo ăn cho cả nhà. Trước tui thấy sâu là xịt, thầy dạy phải xem xét mật độ và thời điểm phù hợp mới xịt. Hay như chuyện sạ giống, tui cứ quen sạ bằng tay, nay học sạ hàng, tuy ít tốn giống nhưng lúa lên thưa thớt. Bà xã thấy mần lạ, bụng lo, cứ cằn nhằn hoài, tui ăn ngủ cũng không yên…”

Còn bây giờ, dẫn chúng tôi xem ruộng lúa chín vàng, anh hớn hở: “Trước giờ vụ này chỉ tầm 4- 4,5 tấn/ha, còn giờ nhìn bông lúa sáng chắc, tròn mẫm chắc cũng cỡ 6 tấn rưỡi tấn/ha, giống như làm vụ Đông Xuân”.

Tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm tới việc liên kết, phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất- dịch vụ, các nghề phi nông nghiệp (may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thẩm mỹ,…). Từ đầu năm 2012 đến nay, tỉnh mở thêm các lớp sửa chữa xe máy, hàn, điện dân dụng, điện lạnh để sau khi học nghề, LĐNT có thể được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dịch vụ trong và ngoài tỉnh hoặc tạo nguồn cho xuất khẩu LĐ. Các nghề tiểu thủ công nghiệp đảm bảo việc làm tại nhà cho trên 95% LĐNT qua đào tạo. Các nghề như sinh vật cảnh, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi,… nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng nghề cho nông dân, góp phần giúp họ thay đổi tập quán canh tác, cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi,… Do đó, việc tổ chức vận động chiêu sinh học nghề ngày có nhiều thuận lợi, có nhiều LĐNT tham gia học nghề theo chính sách từ đề án.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo nghề cho LĐNT cũng gặp khó khăn. Phó Giám đốc Sở LĐ- TB và XH tỉnh- Huỳnh Thanh Tuấn cho biết, một bộ phận LĐNT chưa có tay nghề không chịu học nghề mà thích đi làm ở các khu công nghiệp để có thu nhập ngay (dù lương thấp); một số ngành nghề đào tạo chủ yếu để giải quyết việc làm trước mắt chứ chưa thực sự mang lại hiệu quả cao và chưa gắn liền được với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Trình độ LĐNT còn thấp nên chỉ phù hợp với các ngành nghề đơn giản;…

Có thể nói, kết quả của việc đào tạo nghề cho LĐNT đã phần nào được khẳng định và phát huy hiệu quả. Điều quan trọng là làm thế nào để nâng cao nhận thức, tay nghề cho nông dân, giúp bà con có đủ khả năng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Sự vào cuộc của các ban, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp… là quan trọng. Một chuyện cũng quan trọng không kém theo phản ánh của người dân, trong việc mở lớp dạy nghề cần hướng tới sự đa dạng, còn hướng dẫn kỹ thuật nên theo cách “cầm tay chỉ việc” để giúp họ có thể vận dụng tốt những kiến thức được học sau này.

Bài, ảnh: THANH QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh