Tam Bình thêm vui mùa Sel Dolta

08:10, 17/10/2012

Xã Loan Mỹ (Tam Bình) những ngày này rộn ràng trong không khí đón lễ Sel Dolta của đồng bào Khmer. Đây cũng là lúc cao điểm thu hoạch vụ lúa Hè Thu của bà con.


Bà con Khmer tập trung tại chùa vui lễ Sel Dolta. Ảnh: Lê Sáu (Tam Bình)

Xã Loan Mỹ (Tam Bình) những ngày này rộn ràng trong không khí đón lễ Sel Dolta của đồng bào Khmer. Đây cũng là lúc cao điểm thu hoạch vụ lúa Hè Thu của bà con.

Những câu chuyện làm ăn, những mô hình mới gắn liền với những cái tên đã quá nổi tiếng đối với bà con nơi đây, như: Kim Có, Thạch Cua, Thạch Dol, Thạch Chương,… Từ ruộng lúa, chuồng heo, liếp rau, ao cá, mà con cái học hành đàng hoàng và ấp Cần Súc thêm vui mùa lễ Sen Dolta năm nay.

Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ Lê Trí Dũng, cho biết: “Đồng bào Khmer đa số còn khó khăn, do đó cứ đến mỗi mùa lễ hội là địa phương kêu gọi các Mạnh thường quân, các đoàn thể hỗ trợ thăm viếng những gia đình chính sách tiêu biểu, gia đình nghèo. Mùa lễ Sel Dolta năm nay, Sở Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Báo Công an TP Hồ Chí Minh đã vận động cho bà con được 100 phần quà, trị giá 25 triệu đồng. Về phía xã Loan Mỹ, Đảng ủy và UBND xã đã tổ chức 2 đoàn tham gia cùng đoàn huyện thăm viếng 2 chùa Kỳ Son và chùa Đại Thọ”. Khi hỏi về chuyện làm ăn, đời sống của bà con, ông Lê Trí Dũng cho rằng, vụ lúa Hè Thu phần nào bị ảnh hưởng những đợt mưa vừa qua, tuy nhiên mùa lễ đúng vào dịp thu hoạch lúa, nên bà con cũng có thu nhập.

Để tìm hiểu sâu hơn niềm vui đón lễ, niềm vui mùa vụ, chúng tôi theo chân anh Thạch Sol- Phó Trưởng ấp Cần Súc- cùng đi thăm một số hộ dân đang ăn nên làm ra từ những ruộng lúa và các mô hình làm ăn mới. “Ở Cần Súc có nhiều người khá giàu từ ruộng lúa. Ruộng nhiều nhất ở đây phải kể đến ông Si Phanh, nhưng nói về làm ăn giỏi thì chắc rằng không ai qua được Thạch Chưng. Vì ông Si Phanh thì thừa hưởng đất đai ông bà để lại, còn Thạch Chưng đi lên từ khó khăn. Vợ chồng làm ăn “chì mâu” lắm, giờ đây có 33 công ruộng trong tay, còn chuồng heo lúc nào cũng trên chục con”.


Anh Thạch Sol- Phó Trưởng ấp Cần Súc (phải) thăm mô hình nuôi lươn của anh Thạch Cua.

Để vào nhà anh Thạch Chưng, phải gởi xe ngoài đầu lộ rồi lội bộ men theo con rạch Cần Súc khoảng chừng 1 cây số, đường rất khó đi. Nhờ đường đi “dài” mà nghe được nhiều chuyện về gia đình anh Thạch Sol. Trên đường đi, anh luôn miệng khoe thằng con trai mà chúng tôi thấy niềm tự hào của anh là xứng đáng. “Gia đình khó khăn, chỉ có mấy công ruộng, được cái các con đều ngoan. Đứa con gái lớn đã đi làm, thằng con trai kế vừa thi đậu vào Trường Đại học Công an ở ngoài Hà Nội. Từ nhỏ nó cứ mê ngành công an, nên xin vào làm ở Sở Công an tỉnh Vĩnh Long, vừa được 3 năm đã vinh dự được xét chọn cho dự thi vào đại học vừa rồi. Vĩnh Long mình được 3 người, nó vừa đi Hà Nội đầu tháng 9, mà sướng lắm được Nhà nước lo hết trơn không phải tốn kém gì nhiều. Cả nhà mừng lắm”- vừa đi anh Thạch Sol vừa kể chuyện nhà, không giấu được niềm vui sướng về thằng con học giỏi của mình.

Sân nhà anh Thạch Chưng rộng… hơn nửa công đất nhưng giờ không còn chỗ trống, toàn lúa là lúa. Anh đã đi ra ruộng đốt rơm, ngoài sân có mấy người đang phụ phơi lúa, xúc lúa vào bao, nhà còn vợ anh Thạch Chưng là chị Thạch Thị Num cùng cháu ngoại. Thấy khách, chị hồ hởi cười nói từ xa: “Ổng đi ruộng rồi, làm mau mau để chuẩn bị lên chùa đón lễ Sel Dolta”. Chỉ đống lúa, chị Thạch Thị Num bảo: “Lúa thấy nhiều vậy, mà chưa có được giá. Chỉ có 110.000 đồng một giạ nên chưa chịu bán”.

Cũng đi lên từ vài ba công ruộng ban đầu, giờ đã trở nên khá giả không thua gì Thạch Chưng là gia đình anh Kim Có. Sau đúng 30 năm nhìn lại, anh Kim Có đã có gần 20 công ruộng, “mùa Hè Thu này chỉ thu hoạch trên 300 giạ lúa, còn Đông Xuân thì ăn chắc 600- 700 giạ lúa đổ lên”. Anh còn khoe đã có sáng kiến bỏ hẳn một khoảng đất trống 2- 3m, làm con mương nhỏ chứa nước mội từ rạch Cần Súc chảy vào, giữ nền ruộng được khô, nên “mấy mùa rồi đã thu hoạch được bằng máy gặt đập liên hợp, khỏe thiệt”.

Nhờ ruộng lúa mà 2 đứa con học trung cấp y tế, 1 đứa học Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức. Anh nói khi mấy đứa nhỏ ra trường hết, anh sẽ giao lại cho thằng lớn tiếp tục làm lúa, còn mình thì cũng bớt dần công việc để còn… nghỉ hưu. Chỉ riêng khoản trồng rau cần ống xen theo các mương vườn sau nhà, mỗi ngày vợ anh cũng bán được 40- 50kg, giá vừa cân hôm rồi là 5.000 đ/kg. “Mấy hôm nay lo đón lễ nên người ta không đặt mua rau nữa, mà nhà mình cũng nghỉ để lo đón lễ Sel Dolta nữa”- anh Kim Có cho biết.


Anh Kim Có đang phơi lúa trước sân nhà.

Ở xã Loan Mỹ, người giỏi làm ruộng vừa giỏi kết hợp với các mô hình chính là anh Thạch Cua. Từ mấy công ruộng, anh vừa kết hợp trồng rau màu, thả cá, lại còn nuôi heo. Giờ đây, anh được ngành nông nghiệp chọn triển khai mô hình nuôi lươn trên cạn, đây là cách nuôi lươn thương phẩm mà chúng tôi đã từng thấy rất phổ biến ở An Giang và cũng rất thích hợp với phát triển kinh tế hộ gia đình, vì không cần diện tích đất rộng.

Đang lui cui cào lúa, anh ngưng tay vui vẻ trò chuyện về mô hình làm ăn mới của mình. Chỉ cần 40m2 đất lót tấm nhựa và quây vừng lên, cho một ít đất và nước vào là có thể thả 2,4kg lươn giống (tương đương 2.400 con), trị giá 9,6 triệu đồng. Mỗi mô hình được hỗ trợ 16 triệu đồng. Sau 6- 8 tháng là thu hoạch được lươn thương phẩm khoảng 3 con/kg. Anh Thạch Cua cho biết ở An Giang nuôi đạt nhất là 13 kg/m2, mình nuôi được 9 kg/m2 là thành công rồi.

Xã Loan Mỹ vẫn còn nhiều bà con đồng bào Khmer gặp khó khăn; nhưng có không ít người làm ăn rất giỏi và đã trở nên giàu có, con cái thành đạt. Bên cạnh đó, một lớp bà con đang vươn lên từ đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều mô hình làm kinh tế hộ gia đình đang được nhân rộng, nên đời sống bà con ngày càng khởi sắc. Cho nên mỗi mùa lễ hội, Loan Mỹ càng rộn ràng hơn. Như anh Thạch Sol nói: “Sel Dolta năm nay sẽ vui nhiều hơn”.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh