Khuyến công với đào tạo nghề nông thôn

01:10, 26/10/2012

Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã có nhiều hoạt động mang lại hiệu quả. Trong đó, đào tạo nghề đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.


Mở lớp đào tạo nghề cho LĐ nông thôn góp phần giải quyết thời gian nông nhàn, phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã có nhiều hoạt động mang lại hiệu quả. Trong đó, đào tạo nghề đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Học là có việc

Giải quyết tình trạng thiếu lao động (LĐ) của các doanh nghiệp (DN), cơ sở luôn được xem là vấn đề rất cần thiết, nhất là nhu cầu lao động có tay nghề. Trong hội nghị sơ kết của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, ông Nguyễn Vũ Cường- Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vũng Liêm cho rằng các làng nghề công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (chủ yếu là cơ sở, hợp tác) tuy có phát triển nhưng vẫn còn một số hạn chế.

Trong đó, trình trạng thiếu LĐ đang gây rất nhiều khó khăn. Do vậy, công tác khuyến công cần có nhiều sự hỗ trợ hơn nữa. Nhất là đào tạo nghề cho LĐ nông nhàn, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Nắm bắt được vấn đề này, chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã mở 8 lớp đào tạo nghề, chủ yếu là đào tạo theo địa chỉ cho các hợp tác xã, DN trên địa bàn tỉnh, với hơn 259 LĐ. Trong đó chủ yếu là nữ với con số 223 LĐ. Chủ yếu là đào tạo các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, may công nghiệp. Ông Nguyễn Tri Phương, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhân Trí (xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) từng nói: Lớp đào tạo những LĐ mới do trung tâm này mở sẽ giúp hợp tác xã có thêm nhiều LĐ có tay nghề, phục vụ tốt cho nhu cầu ngày càng cao và sự phát triển bền vững của hợp tác xã.
 
“LĐ được đào tạo chủ yếu là dân tại địa phương. Số LĐ này sẽ có việc làm ngay sau khi hoàn thành khóa học. Cũng chính vì thế mà sau khi được đào tạo cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, giải quyết nguồn LĐ nông nhàn”- ông Phương cho biết.

Theo ông Trần Hoàng Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, ngoài công tác khuyến công thì đào tạo nghề theo địa chỉ, nhất là các xã điểm xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ. “Trước khi mở các lớp đào tạo nghề, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp sẽ liên hệ với DN hoặc cơ sở, hợp tác xã để nắm thông tin về nghề cần đào tạo và yêu cầu phải tạo việc làm cho LĐ ngay sau khi học nghề, thời gian hỗ trợ việc làm ít nhất là 2 năm.

Bên cạnh đó, LĐ được đào tạo sẽ có điều kiện làm việc trong môi trường có tính công nghiệp cao, từ đó tạo tác phong công nghiệp cho từng LĐ. Qua đó góp phần cùng địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới theo các tiêu chí đề ra”.

Nâng cao chất lượng đồng bộ

Công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn không những giải quyết được tình trạng thiếu LĐ cho DN mà còn giúp nâng cao trình độ tay nghề. Theo ông Trần Hoàng Tuấn, hầu hết LĐ được đào tạo sẽ có tay nghề từ cơ bản đến “lành nghề”, đáp ứng tốt nhu cầu của DN. Bên cạnh đó, nếu trình độ tay nghề cao thì người LĐ sẽ có mức thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, đời sống của hội viên hợp tác xã, người LĐ được đào tạo ở các DN ngày càng được nâng cao rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 12- 20 triệu đồng/người/năm. Và con số này có thể sẽ tăng trong thời gian tới, đây cũng chính là cơ sở để khẳng định hướng đi hiệu quả của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp.


Hơn hết, LĐ được đào tạo sẽ là nhân tố quan trọng góp phần phát triển cho DN.

Mặc dù kinh phí hoạt động vẫn còn hạn chế nhưng đào tạo nghề nông thôn (theo Đề án 1956) vẫn được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp quan tâm đặc biệt. Từ đầu năm đến nay, tổng kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho LĐ nông thôn là hơn 217 triệu đồng. Theo ông Trần Hoàng Tuấn, đào tạo nghề để LĐ có việc làm, tăng thu nhập là vừa có lợi cho người dân, DN và Nhà nước. Bởi về lâu dài, LĐ được qua lớp đào tạo sẽ là những nhân tố tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế do có yếu tố trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp.

Tuy số lượng LĐ được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đào tạo còn hạn chế nhưng được xem có những hiệu quả bước đầu, làm tiền đề cho các năm tiếp theo.

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh