Giá tăng- thị dân nghèo chật vật

01:10, 24/10/2012

Không như người dân sống ở nông thôn, thỉnh thoảng có thể ra đồng bắt cua, cá, ốc hay ra vườn kiếm mớ rau tập tàng… cho bữa ăn gia đình. Ở phố, hầu như mỗi thứ đều phải mua. Vì thế, khi giá tiêu dùng càng tăng, người đô thị càng thắt lưng buộc bụng, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hay thu nhập thấp.


Giá tăng tác động mạnh đến thị dân nghèo (ảnh minh họa).

Không như người dân sống ở nông thôn, thỉnh thoảng có thể ra đồng bắt cua, cá, ốc hay ra vườn kiếm mớ rau tập tàng… cho bữa ăn gia đình. Ở phố, hầu như mỗi thứ đều phải mua. Vì thế, khi giá tiêu dùng càng tăng, người đô thị càng thắt lưng buộc bụng, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hay thu nhập thấp.

Vừa đổi xong bình gas Gia đình 12kg giá hơn 450.000 đ/bình, cô Nguyễn Thị Sang (đường Nguyễn Huệ, Phường 2- TP Vĩnh Long) chau mày: “Mới cách đây 3- 4 tháng thôi mà giá gas đã lên cả trăm ngàn đồng một bình rồi, thiệt ngán quá. Giảm giá thì ít mà tăng thì… thấy sợ!” Không chỉ vậy, cô còn “phát hoảng” khi thời gian gần đây đi chợ, thấy giá rau luôn ở mức cao ngất. “Cả nhà 3 người, thu nhập chưa tới 3 triệu đồng/tháng mà gần đây, các thứ như điện, nước, gas, xăng dầu, rau củ,… đều tăng. Đem bao nhiêu tiền đi chợ thì coi như hết sạch. Bởi vậy, bữa ăn gia đình phải tằn tiện lại, gói ghém chừng 40.000- 50.000 đ/ngày. Muốn mua hàng thiết yếu cũng phải canh đợt khuyến mãi của siêu thị, các thứ không thiết yếu khác muốn mua thì đành gác lại. Vậy mà thu nhập tháng nào cũng hết tháng nấy”- cô than vãn. Vì thế, để tiết kiệm, cô thường ăn sáng bằng món cơm chiên, mua cùng một món dự trữ cho nhiều ngày và sắm một bếp than để “có món nào nấu lâu thì xài than cho đỡ tốn”. Cô còn tiếc rẻ: “Nhà chật quá, chớ nếu không tui xài bếp củi còn đỡ tốn hơn nhiều”.

Mấy tháng nay, mẹ con chị Trần Phương Mai- ở trọ trong một ngôi nhà nhỏ ở đường Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long) chuyển sang sử dụng bếp củi, còn bếp gas thì “để đó, khi gấp mới xài”. Chị Mai bộc bạch: “Mình không có nghề nghiệp ổn định, tiết kiệm được đồng nào thì đỡ đồng đó. Chớ tiền trọ, tiền gạo, tiền đồ ăn… bao nhiêu là thứ. Loay hoay cứ thiếu hoài, phải vay mượn khắp nơi”.

Giá tăng, tình cảnh những gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo vốn đã chật vật càng chật vật hơn. Cả gia đình 3 người của cô Võ Thị Bé Cẩm, 60 tuổi (Khóm 1, Phường 2) cùng ở chung trong căn nhà chưa đầy 40m2 không có nhà bếp và nấu ăn chỉ bằng 1 bếp gas mini đã rỉ sét. Trên bếp, một nồi cơm chiên nguội lạnh. Gia đình cô Cẩm thuộc diện hộ nghèo.Tuy bị bệnh đau khớp nhưng cô vẫn đi bán vé số mỗi ngày, tiền lời chừng 50.000 đ/ngày. Cô nói: “Ngày thường, các con tui thường chiên cơm ăn sáng. Tui thì ăn sáng bằng… trà đường, đỡ tốn tiền mua nước uống. Bán vé số về thì thường mua rau về nấu canh hoặc mua đồ ăn chay về ăn cho rẻ”. Ngày thường đã kham khổ vậy nhưng từ ngày rau tăng giá thì “có bữa, tui hái rau dền bên nhà hàng xóm luộc chấm nước tương cho đỡ tốn tiền”.

Thuộc hộ cận nghèo ở Khóm 1 (Phường 2), chi tiêu cả nhà chị Đặng Ngọc Dung chủ yếu nhờ vào 1 triệu đồng từ tiền chị đi giúp việc. Chị Dung cho biết, chồng chị đi làm hồ ở Sài Gòn, tháng nắng cũng gửi về nhà được chừng 1 triệu đồng nhưng mưa như mùa này là thất thu. Chị nhẩm tính: tiền điện nước khoảng 100.000 đ/tháng, tiền gạo, tiền chợ, tiền con đi học hàng ngày và học thêm… Quá nhiều thứ phải chi nên thường “hụt tiền” phải ứng lương, rồi lại thiếu nên mong sao giá cả đừng tăng nữa”. Chị thở dài: “Bữa ăn cả nhà đã gói gọn có khi chỉ còn 25.000 đ/ngày. Áo dài cho con đi học cũng xin áo cũ, không dám may, đám tiệc không đi mà vẫn thiếu”.

Tuy cuộc sống nhiều vất vả nhưng những thị dân nghèo không nản chí. Cô Cẩm nói: “Niềm an ủi của cô là có được những người con hiếu thảo, biết chăm lo làm ăn và biết tiết kiệm”. Chị Dung thì nói: “Mình vẫn thấy vui còn có sự quan tâm của địa phương và cộng đồng, đặc biệt là còn một gia đình hạnh phúc, một sức khỏe tốt để lao động. Trước mắt, chỉ mong giá cả đừng tăng nữa để giảm bớt gánh nặng chi tiêu, vợ chồng cùng làm để dành tiền ăn tết”.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh