Tranh minh họa: Trần Thắng |
HOÀNG KHÁNH DUY
Hoàng hôn rụng xuống chân cầu. Con sông ngoằn ngoèo uốn lượn hút mắt trong màu đỏ lửa. Tôi thích ngắm nhìn bầu trời cuối chiều, dù mẹ nói với tôi rằng cái khung cảnh ấy buồn não nuột, cộng thêm mấy tiếng chim vịt thắt thẻo kêu sương có mà rơi nước mắt như vô tình xem một vở cải lương có cái kết chia ly không bao giờ gặp lại.
Bởi vậy mỗi buổi chiều buông, chỉ có mỗi mình tôi ngồi trước mũi chiếc ghe không rộng cũng không hẳn là quá chật hẹp, một mình ngắm ánh chiều tà. Còn mẹ tôi thì lui cui trong ghe, dọn dẹp, kiểm tra lại mớ hàng hóa, coi kỹ mấy bao gạo sợ chuột đồng lội sông trèo lên ghe gặm nhấm.
Tôi ngồi nhìn khắp, từ điểm nhìn xa xôi để thấy hết vòm trời cháy đỏ, những cánh đồng hiu hắt trong ánh chiều tà, đến điểm nhìn gần gần, tôi thấy lớp vỏ xù của chiếc ghe sau bao ngày lênh đênh ngấm nước. Chúng tôi đã sống trên chiếc ghe này từ lâu rồi, từ ngày tôi còn bé xíu, mẹ dẫn tôi rời quê để bước vào một cuộc rong ruổi.
Năm tháng trôi qua, ký ức cũ đọng lại trong tôi không còn nhiều nữa. Một lẽ vì hồi ấy tôi còn quá nhỏ! Dấu ấn sót lại là một nhà ga nhỏ hiu hiu trong gió bấc non. Đoàn tàu rầm rầm đi đến rồi đỗ lại chốc lát. Mẹ dẫn tôi lên toa gần cuối- toa ghế ngồi. Biết là đi xa nhưng mẹ không đủ tiền để mua vé hạng giường nằm cho hai mẹ con đỡ mỏi. Đối với tôi hành trình đó đầy thú vị nhưng cũng thật vất vả.
Tôi nhớ mình đã ngồi mỏi cả lưng, đối diện với tôi là một ông lão tóc bạc, thỉnh thoảng nhìn tôi cười hiền lành. Không thể chịu nổi nữa, tôi gục trên bờ vai mảnh khảnh của mẹ. Thuở mẹ tôi gầy lắm, không có da có thịt như bây giờ. Đoàn tàu cứ lăn bánh đưa chúng tôi đi, chẳng biết là đi đâu. Mẹ không nói gì. Ngoài ô cửa con tàu là núi, sông, đồng, biển. Và gió bấc rít vút vút.
Lâu rồi tôi không được đi tàu. Hình bóng sân ga cũng xa dần trong cuộc sống của tôi. Ngày ấy mỏi chân, mẹ tôi đã chọn nơi này để sinh sống. Bình yên cũng có! Cơ cực cũng có! Quan trọng hơn cả là không ai nhận ra hai mẹ con tôi là ai. Tôi dần quen với những dòng sông dài, quen với những đêm nằm trong ghe nghe sóng oải oạp vỗ ngoài sông và tiếng triều dâng róc rách.
Đời chúng tôi từ đấy có sông nước là nhà, có cánh đồng là quê hương. Tôi lớn dần lên, mẹ tôi cũng không thể giữ hoài một màu xuân sắc. Ánh chiều đỏ rực khiến tôi thấy lòng mình quá, tự dưng nước mắt ứa ra rồi chảy xuống ròng ròng.
Mẹ biết tôi buồn nên gọi tôi vào trong ghe thắp đèn, nhóm bếp lửa để ngoài mũi ghe rồi vơ dăm ba thứ lá mọc dại bên bờ sông thả vào để khói vẩn lên xua được muỗi đầu sóc. Tôi lau nước mắt rồi bước vào. Trong ghe ấm êm đến lạ! Tôi nhìn mẹ mình đang xõa tóc, chải chuốt rồi vo lọn tóc rối thả xuống nước. Hình ảnh đó khiến tôi xót xa vô cùng.
***
Sống trên ghe nên chúng tôi không thể cố định ở một dòng sông nào, nay nơi này, mai nơi nọ. Có nơi tôi muốn ở lại lâu nhưng mẹ lại nhổ sào, nổ máy, chạy ghe đi. Tôi tiếc nuối. Mẹ an ủi: “Nước nào mà nước không trôi. Mình đâu thể ở hoài một chỗ”. Mẹ nói phải! Như thuở ấy mẹ từng nghĩ rằng sẽ bám lấy cái miền đất xa xôi ấy mà sống, nhưng đời đẩy đưa, hai mẹ con tôi phải lang bạt đến tận nơi này.
Có lúc ghe đi ngang qua cánh rừng muỗi vo ve suốt ngày lẫn đêm. Con kinh nhỏ xẻ đôi cánh rừng chìm khuất trong bóng tối. Mùa mưa bão nước cuồn cuộn chảy, lúc đi ngang qua con sông lớn, tôi cảm giác ghe mình chao đảo lắc lư. Tôi lo lắng, tay bám chặt vào thành ghe. Mẹ trấn an: “Chẳng sao đâu! Mẹ con mình đều biết lội, lo gì!”.
Biết lội nhưng tôi vẫn lo. Sông sâu biết đâu mà lường. Tôi lại mắc chứng ám ảnh sông nước, dù sống trên sông nhưng tôi sợ những lúc phải ngồi một mình trước mũi ghe nhìn thênh thang sông nước, sợ những ngày mưa giông chiếc ghe nhỏ gồng mình chống chọi, như mẹ tôi gồng mình trước những phong ba của cuộc đời. Có lần tôi nói với mẹ, dường như là năn nỉ: “Hay mình lên bờ, mua mảnh đất, dựng cái nhà nhỏ nhỏ rồi sống đi mẹ!
Đi hoài, con nản quá!”. Mẹ im lặng một lúc lâu. Hình như cái giấc mơ, khao khát đó của tôi đã tác động vào tâm hồn nhiều lần vỡ vụn của mẹ. Mắt mẹ hoe đỏ. Mẹ vờ xoay mặt đi nơi khác, vội lau đi những giọt nước ứa đọng ở bờ mi phía dưới, sắp sửa lăn xuống.
“Ừ, đợi khi nào tích cóp đủ số tiền, mình lên bờ mà sống!”.
Lời hứa đó của mẹ tôi đã nghe từ nhiều năm về trước, nhưng đến giờ chúng tôi vẫn còn lênh đênh. Mẹ tôi yêu sông nước như máu thịt. Nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ cũng có sông, nhưng sông không dày đặc, chằng chịt như chốn này. Phương ấy chủ yếu là đồng bằng dưới chân những ngọn đồi, dãy núi nhấp nhô điệp trùng, có đường tàu chạy qua dưới chân núi. Tôi không còn nhớ nhiều về nơi đó, song trong tâm tưởng của tôi, nơi đó thích hơn nhiều. Hay bởi vì vốn quen với sông nước, rừng rú, ruộng đồng nên tôi thích những điều mới mẻ và nghĩ rằng nếu được sống ở nơi ấy chắc sẽ vui vẻ và hạnh phúc gấp bội phần.
***
Hàng ngày chúng tôi lênh đênh trên sông. Trên chiếc ghe bán lèo tèo vài thứ: gạo tấm, mắm, muối, dầu lửa, ít thuốc cảm sốt, vài thứ đậu, ít bánh kẹo cho trẻ con... Vì lênh đênh nên tôi không thể đi học được. Mẹ tôi biết chữ. Nghe kể hồi ấy mẹ học hết trường làng nên biết được bao nhiêu mẹ dạy cho tôi bấy nhiêu.
Tôi thích đọc sách, viết vu vơ những xúc cảm riêng tư rồi giấu nhẹm trong vỏ áo gối. Thấy tôi ngồi viết viết, đọc đọc, mẹ tôi lại buồn so rồi tự trách mình: “Phải chi cuộc sống mình đàng hoàng như người ta, mẹ cũng cho Thư đi học”. Tôi gom gọn bút vở vào một góc rồi ngồi bó gối: “Học hay không cũng không sao, mẹ con mình đỡ vất vả và nguy hiểm trên sông nước là con mừng rồi!”.
Tôi nói vậy, sau này tôi biết việc đỡ vất vả và đặc biệt là an toàn khi sống đời phiêu dạt là khao khát của bao người. Có lần đang nằm trong ghe tôi nghe có tiếng khóc bù lu bù loa của người đàn bà trong chiếc ghe bên cạnh. Tôi lồm cồm ngồi dậy, chạy ra mũi ghe nhìn.
Vì mải bán hàng phía trước nên người đàn bà sơ ý để đứa con bò ra phía sau, với tay vớt quả bóng trôi là đà trên sóng rồi té xuống nước. Mất hút. Mẹ tôi thương lắm nhưng chẳng biết an ủi bằng cách nào. Mất đứa nhỏ là nỗi đau lớn nhất của người đàn bà!
Chúng tôi cũng rời ghe.
Nhiều đêm tôi nằm trong ghe khóc, cố kìm tiếng khóc lại như những lúc ngồi ở mũi ghe trong ánh chiều tà, hoàng hôn đỏ như lửa cháy. Nhưng đêm nay, tôi không kìm được nữa, vô tình để tiếng nức nở vang lên khiến mẹ tôi giật mình. Mẹ vẫn còn đang lẩm bẩm tính tiền hàng những ngày gần đây. Nghe tiếng tôi, mẹ giật mình, một thoáng không nói, rồi mẹ tôi cũng bật khóc: “Thư ơi! Mẹ làm khổ con nhiều rồi...”.
Mẹ không thể quên ngày mẹ bế đứa con lang thang đi tìm người mẹ thương. Chồng mẹ. Người ta nói chồng mẹ bỏ quê theo người đàn bà khác. Đó là người tình cũ của ba, người mà ba yêu từ hồi chưa gặp mẹ. Bà nội tôi ngăn cản ba đến với người đàn bà đó. Ba tôi không cam. Bà nội sắp xếp cho ba tôi cưới mẹ, sinh ra tôi. Những tưởng ba tôi sẽ quên đi người đàn bà ấy.
Nhưng không, thời gian trôi qua khiến tình yêu và nỗi nhớ trong hai người càng thêm sâu đậm. Mẹ tôi buồn lắm: “Hay mẹ để con đi. Con đi là anh ấy hết khổ, mẹ cũng không phải sống trong thấp thỏm vì sợ anh ấy bỏ nhà theo người ta”- Mẹ nói vậy. Tất nhiên bà nội không chịu. Bà nội thương mẹ tôi lắm!
Dù gì đi nữa bà vẫn bao bọc, chở che cho mẹ tôi, vì bà nhận ra mẹ tôi thiệt thòi rất nhiều. Còn mẹ tôi, dù là một hôn nhân sắp đặt nhưng mẹ thương ba là thật. Mẹ chấp nhận hiến dâng bất tận cho ba. Còn ba cứ mãi rong ruổi trong cái miền yêu thương của riêng ba.
Rồi ba đi biền biệt. Không nói, không nhắn nhủ một lời.
Ai cũng biết ba đi cùng người đàn bà ấy. Có người thấy ba và người đàn bà mua vé tàu ngoài ga, đi một chuyến thật xa. Ngày đó tôi còn bé xíu.
Mẹ dẫn tôi đi tìm ba vào mùa gió bấc. “Mẹ yên tâm, tìm được anh ấy thì con về. Sớm hay muộn thì con cũng về. Con sẽ tìm con trai của mẹ về, trả lại cho mẹ, rồi anh ấy muốn sao con cũng chịu, mẹ muốn sao con cũng chịu!”- Mẹ tôi nói như vậy. Bà nội tôi thương mẹ quá, ôm mẹ khóc nức nở.
Chúng tôi lang bạt đến tận bây giờ...
Nơi này bất đắc dĩ trở thành quê hương thứ hai của tôi mà chắc chắn rằng nếu có rời đi tôi sẽ nhớ da diết. Nhớ cái khung cảnh của buổi chiều quê êm đềm. Nhớ dòng sông uốn mình trong ráng chiều đỏ rực. Nhớ những xóm nhà thấp thoáng bên sông. Nhớ chiếc ghe chở đầy hàng hóa mà tôi thuộc lòng từng ngóc ngách, từng chỗ để cây kim, ống chỉ, cây lược... Tất cả đã trở thành tâm hồn, thành ký ức của tôi.
***
“Thư ơi! Mẹ con mình về quê, con nha”- Mẹ nói vậy. Tôi sững sờ.
“Sao vậy mẹ? Còn ba... Mẹ con mình vẫn chưa tìm được ba kia mà?”.
Mẹ tôi dùng dằng hồi lâu rồi nhìn ra dòng sông lấp lánh dưới bóng trăng, chảy lai láng trong đêm sâu bất tận... “Đất rộng sông dài, biết đâu mà tìm! Mẹ làm khổ con, làm khổ bà nội con một quãng thời gian rất dài rồi còn gì? Ba đi đâu cũng được, mẹ không tìm nữa. Chỉ cần ba con hạnh phúc! Bao lâu nay mẹ có ở bên ba đâu mà mẹ vẫn sống tốt đó thôi”... - Mẹ thì thào nói, vừa chải mái tóc dài và mượt mà, óng ả của tôi.
“Đôi khi rượt đuổi, kiếm tìm không phải là cách tốt nhất, phải không Thư?”.
Tôi im lặng. Mà nước mắt cứ chảy tràn như sông. Chiếc ghe nằm lững lờ trên mặt nước, trên một bến lạ, gần cửa sông. Bếp lửa trước mũi ghe vẫn bập bùng soi tỏ quầng sáng lung linh để người đi qua thấy rõ, nhưng không nhận ra khuôn mặt và dáng hình của người trong ghe, không nhận ra mẹ, ra tôi. Đêm nay có lẽ là đêm dài nhất đối với tôi. Bởi chúng tôi không ngủ, cứ thức đập muỗi, ngắm sông, ngắm vầng trăng và ngắm nhìn những hàng cây in hình trong khung cảnh êm đềm... Bởi ngày mai, khi mặt trời thức dậy, chúng tôi sẽ rời đi. Chiếc ghe này sẽ vĩnh viễn giã từ chúng tôi, thuộc về một người chủ lạ.
“Mẹ ơi! Con thấy nhớ dòng sông...”- Tôi nói vậy, dẫu rằng tôi đang ở trên sông.
“Nơi nào qua cũng thấy thương thương nhớ nhớ mà Thư”.
Phải rồi, như cái cảnh chiều quê buồn tẻ, như cái lúc tôi ngồi ngắm hoàng hôn cháy đỏ ấy, buồn đứt ruột, nhưng chắc rằng sẽ nhớ đến tê lòng trong khoảnh khắc xa xôi.
Ngày mai, chúng tôi sẽ trở về quê hương bản quán, về với cội nguồn, với bà nội và những người yêu thương.
Ngày mai, chúng tôi sẽ xa sông. Nhưng sông nước sẽ đọng mãi trong tim. Với chúng tôi, sông nước là máu thịt!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin