Văn hóa đọc được khích lệ trong cộng đồng

06:13, 15/02/2025

(VLO) Những năm gần đây, việc khơi dậy niềm đam mê và lan tỏa tình yêu đọc sách ngày càng được chú trọng. Các hoạt động khuyến đọc đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo môi trường để người dân có thêm cơ hội để tiếp cận với thông tin và tri thức.

Các bạn đoàn viên thanh niên tham gia Hội Sách Xuân Ất Tỵ 2025.
Các bạn đoàn viên thanh niên tham gia Hội Sách Xuân Ất Tỵ 2025.

Nở rộ phong trào khuyến đọc

Bộ Văn hóa-TT-DL luôn quan tâm triển khai các chương trình đưa ánh sáng tri thức đến với cộng đồng, chú trọng đến khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn và các đối tượng bạn đọc, đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…

Nhiều chương trình, dự án như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Sách ơi mở ra, các CLB Sách và Hành động… được thực hiện, mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho trẻ em.

Qua 5 năm, ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” với hơn 100 chuyến xe lăn bánh tại Vĩnh Long đã mang thêm cơ hội đến các em học sinh, bà con vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với sách, mở mang kho tàng tri thức.

Qua 4 lần tổ chức cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” đã thu hút đông đảo học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh tham gia, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong các trường học và cộng đồng.

Cuộc thi nhằm tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực tiếp cận thông tin và tri thức của người dân Việt Nam, đặc biệt là phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng, quyết tâm phát triển đất nước của thế hệ trẻ.

Theo ông Nguyễn Kim Khánh- Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, năm qua, vòng sơ khảo cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” chỉ sau 2 tháng phát động đã có 102 trường tiểu học, THCS và THPT tham gia, trong đó có 1.599 bài thi viết và 30 bài thi video.

Sách là người bạn đồng hành vô cùng thân thiết của nhiều bạn trẻ.
Sách là người bạn đồng hành vô cùng thân thiết của nhiều bạn trẻ.

Có nhiều bài dự thi có chất lượng tốt, có tính sáng tạo, thẩm mỹ cao và được đầu tư kỹ lưỡng. Những chia sẻ và sáng tác đầy xúc động, các định hướng kế hoạch rất tư duy và phù hợp, cho thấy sách và văn hóa đọc vẫn là người bạn đồng hành vô cùng thân thiết đối với các bạn học sinh trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt năm qua còn có 1 bài dự thi bằng chữ Braille (chữ nổi) của 1 học sinh khiếm thị.

Ông Lê Thế Vinh- Phó Giám đốc Sở Thông tin-TT, chia sẻ: “Có thể thấy sách giữ vững được vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển tư duy của con người.

Những cuốn sách mở ra cánh cửa tri thức, đưa chúng ta đến với những nền văn hóa khác nhau, những câu chuyện sâu sắc về cuộc sống, tình yêu và những giá trị nhân văn tốt đẹp”.

Dịp Tết vừa qua, phát động cuộc thi trực tuyến cảm nhận về sách với chủ đề “Sách- Người bạn đồng hành của cuộc sống”, ông Lê Thế Vinh mong muốn đây chính là nơi để các bạn trẻ thể hiện cảm nhận của mình về những cuốn sách yêu thích.

Mỗi bài cảm nhận không chỉ là một cơ hội để bày tỏ suy nghĩ cá nhân mà còn là một cách để lan tỏa tình yêu sách đến những người xung quanh. Đồng thời, đây cũng là dịp để các em phát huy khả năng viết lách, nâng cao kỹ năng tư duy và bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng, mạch lạc.

Tiếp tục lan tỏa tình yêu đọc sách

Bạn Lê Nguyễn Trâm Anh- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, chia sẻ: “Em rất ấn tượng với câu nói: “Một dân tộc không đọc sách là một dân tộc đáng sợ, một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng”.

Văn hóa đọc sách trong sinh viên hiện nay đã và đang khiến chúng ta có nhiều trăn trở. Các bạn thờ ơ với sách, không trân quý những giá trị văn hóa, lịch sử, tri thức trong sách.

Thậm chí nếu có đọc thì cũng chỉ đọc qua loa, hời hợt, không rút ra được giá trị cốt lõi, tinh túy trong cuốn sách vừa đọc... Ngày nay, việc sinh viên đọc sách đã quý, nhưng xây dựng được nghệ thuật đọc lại càng quý hơn”.

Theo Trâm Anh, chúng ta nên đặt ra mục tiêu đọc sách của từng ngày, từng tháng, cứ duy trì đến khi già đi thì bạn đã hoàn thành một cuốn bách khoa toàn thư của cá nhân mình.

Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc.
Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc.

Ở trường, sinh viên được học tập, nghiên cứu và đọc sách ngay tại thư viện. Trung tâm Truyền thông thông tin thư viện của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật trong những năm gần đây cũng đã tổ chức cuộc thi viết sách, nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn sinh viên. Đây cũng là một giải pháp để duy trì và phát huy truyền thống hiếu học và tôn trọng văn hóa đọc trong sinh viên.

Cô Phạm Thị Cẩm Tú- Giáo viên Trường THCS Cao Thắng, cùng các em học sinh của trường đã háo hức tham gia Hội Sách Xuân Ất Tỵ 2025.

“Đây là hoạt động khơi gợi lòng yêu sách, ham mê đọc sách của các bạn trẻ. Tôi rất thích hoạt động viết cảm nghĩ về sách. Qua việc đọc quyển sách, các em thấy nó hay ở đâu, lan tỏa được gì và trong quá trình viết ra, các em đã rèn luyện được tư duy, cách hiểu và trình bày suy nghĩ, cảm nhận của chính mình, chia sẻ với mọi người”- cô Cẩm Tú chia sẻ.

Trong thời gian tới, cần sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để phát triển văn hóa đọc.

Trong đó, sử dụng hiệu quả những thành tựu của khoa học công nghệ để phát triển văn hóa đọc lành mạnh, hình thành thói quen đọc, tạo nền tảng quan trọng cho việc học tập suốt đời của người dân, hình thành xã hội học tập.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh