(VLO) “Hương ơi, ngày mai An lên đường nhập ngũ rồi đấy!”. Tôi soạn tin nhắn định gửi cho Hương, nhưng lại ngập ngừng thôi. Lòng vừa buồn, vừa hậm hực. Hôm nay cả xóm liên hoan tiễn tôi lên đường nhập ngũ, vậy mà không thấy Hương đâu.
Không biết Hương đang làm gì nữa, tôi tò mò đến phát điên mà ngại không dám hỏi. Ngồi lặng thinh bên khung cửa sổ, lòng tôi ngổn ngang những nghĩ suy. Đêm yên tĩnh, những hạt mưa xuân lất phất bay, gió từng đợt đem theo hương bưởi nồng nàn càng làm tôi thêm thao thức.
![]() |
Minh họa: Trần Thắng |
Cây bưởi trước nhà, thân cây khá to, lớp vỏ sần sùi nham nhở, tán lá xòe rộng hết nửa cái sân, nghe nói cây bưởi đã được mấy chục tuổi. Mùa xuân, cây bưởi nở biết bao nhiêu là hoa. Hè đến quả sai trĩu cành, từng quả căng tròn trông đẹp mắt nhưng ăn thì chua lắm.
Ngày nhỏ, chúng tôi hay lấy quả bưởi non chơi đá bóng. Chỉ riêng bà nội luôn chăm sóc cây bưởi một cách tỉ mỉ. Và bà cũng thích sử dụng hoa, lá, vỏ bưởi cho các món ăn và sinh hoạt thường ngày.
Hồi tôi còn nhỏ, có lần bố làm sân nên định chuyển cây bưởi đi chỗ khác mà bà nội nhất quyết không cho, bà bảo muốn làm gì thì làm cũng phải để nguyên cây bưởi ở chỗ đó. Khi ấy, tôi chưa hiểu tại sao cây bưởi lại quan trọng với bà đến thế.
Tôi từng nghĩ có lẽ cây bưởi gắn bó với bà bấy lâu nên bà sợ chuyển đi chỗ khác cây sẽ chết. Bà chẳng vẫn bảo mấy mươi năm bà nấu nước lá bưởi tắm cho bố rồi lại tắm cho anh em chúng tôi, cũng nửa thế kỷ mái tóc của bà thơm ngát hương bưởi còn gì.
Dưới gốc bưởi bà kê một bộ bàn ghế nhỏ, trừ khi trời mưa còn bình thường bà vẫn ngồi đó làm mọi việc như đọc sách báo, lặt rau,…
Có hôm tôi thấy bà thì thầm chuyện trò với cây, mắt bà rớm lệ, tôi gặng hỏi thì bà bảo: “Bà đang tâm sự với bạn của bà”. Tôi cũng tò mò về người bạn ấy lắm nhưng đâu dám hỏi nhiều. Chỉ biết rằng từ đó tôi chợt nhận ra giữa cây với người cũng có những tình cảm thật thiêng liêng.
Một ngày nọ, khi đang nghỉ trưa thì tiếng nói chuyện rì rầm lọt vào tai khiến tôi tỉnh giấc. Ghé mắt nhìn qua khe cửa sổ tôi bắt gặp Hương đang ngồi bên bà nội.
Chẳng là chúng tôi học cùng lớp, lại người cùng làng. Môn toán Hương học hơi kém, mà sắp thi tốt nghiệp rồi nên cô giáo động viên tôi phụ đạo thêm cho Hương.
Con nhỏ này gặp ai là miệng nó cũng tíu ta tíu tít. Dưới bóng bưởi Hương đang nhổ tóc sâu cho bà, chuyện trò gì đó mà thấy bà tôi vui cứ cười tít cả mắt.
Tôi bước đến vẻ trịch thượng: “Sao mà đến sớm vậy, đã bảo 2 giờ chiều mới học cơ mà?”. Hương nhoẻn cười: “Tôi đến sớm để chơi với bà. Bà bảo sẽ dạy tôi cách ướp hoa bưởi và làm chè bưởi nữa đấy.
Cậu muốn học cùng không?”. Tôi thở dài đầy vẻ bất lực: “Nên nhớ, cậu đến đây để học Toán nhé!”. Bà nội mỉm cười động viên Hương: “Cái thằng tính kỳ quặc, nó không biết đùa đâu, cháu đừng bận tâm nhé. Cứ sang chơi với bà, bà vui lắm!”.
Những buổi trưa Hương đến bà nội thường hay ngân nga mấy câu hát:
“Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa”
Giọng Hương cũng trong trẻo hát theo. Tôi cũng vì thế mà chẳng thể ngủ, đôi mắt dõi theo hai bà cháu rồi tủm tỉm cười một mình. Dưới bóng cây bưởi, khuôn mặt bà hiện lên vẻ hạnh phúc. Giọng nói của Hương như tiếng chim hót cứ ríu ra ríu rít. Con gái gì đâu mà hơi một tí là cười tít cả mắt.
Tôi nhớ những cái cốc đầu vừa bất ngờ, vừa đáng yêu mà tôi dành cho Hương. Nhớ những lúc ngồi học cạnh nhau, bất chợt gió làm những cánh hoa bưởi trắng vương đầy trên mái tóc đen dài của Hương.
Và tôi thấy trái tim mình xốn xang mỗi khi Hương mỉm cười. Hình như mùi hoa bưởi có gì đó lạ lắm, hương nồng nàn thì thầm một nỗi nhớ.
Tốt nghiệp THPT, tôi lên thành phố học ĐH. Hương học trường CĐ văn hóa nghệ thuật ở tỉnh nhà nên chúng tôi hiếm khi gặp nhau.
Có lần tôi định nhắn tin tỏ tình với Hương nhưng không đủ can đảm chỉ nói qua loa vài câu xã giao rồi lại thôi. Và ý định ấy gần như tan biến khi vô tình tôi thấy trên mạng Facebook một bạn trai đăng ảnh ngồi cạnh Hương, hai người cười thật tươi bên tách cà phê.
Tôi buồn bã chẳng nghĩ gì đến chuyện yêu đương chỉ biết vùi đầu vào học. Cho đến một hôm, tôi nhận được tin nhắn của Hương: “Sắp tới nếu đi họp lớp thì qua nhà đón Hương với nhé!”. Tôi như mở cờ trong bụng, có lẽ đây là cơ hội tốt để tôi bày tỏ tình cảm với Hương.
Nhưng sáng ấy, khi đang chuẩn bị đi thì tôi thấy bà nội cũng đang chuẩn bị đi đâu đó mà chân bà lại sưng tấy nên tôi lấy xe chở bà đi. Khi đi bà có mang theo chiếc túi trong đó có mấy cành hoa bưởi. Nghe nói hôm nay ủy ban làm lễ đón hài cốt liệt sĩ, bà bảo muốn đến dự lễ và thắp hương cho liệt sĩ.
Tôi lấy làm tò mò lắm, bèn hỏi: “Bà ơi, ông liệt sĩ này thích hoa bưởi lắm phải không bà?”, bà chỉ ừ một tiếng. Tôi không nhìn bà, nhưng thấy giọng bà nghẹn ngào lắm. Lần đầu tiên tôi được dự lễ đón hài cốt liệt sĩ. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm mà xúc động.
Ai tới dự đôi mắt cũng rớm lệ, bà của tôi cũng thế, bà thắp nhang cho ông mà nước mắt lăn dài trên má. Tôi đưa mắt nhìn tấm ảnh liệt sĩ đã được phục chế. Đó là chân dung một người thanh niên còn rất trẻ, khuôn mặt khôi ngô, đôi mắt sáng ngời.
Liệt sĩ hy sinh năm 20 tuổi ở chiến trường miền Nam và hơn 50 năm sau thân nhân mới tìm được hài cốt của ông để đưa về an táng tại quê nhà.
Lúc về, bà vẫn lặng thinh không nói, khuôn mặt bà thoáng những suy tư. Tôi định hỏi chuyện an ủi bà nhưng bố bảo đừng làm phiền hãy để bà có thời gian nghỉ ngơi.
Đêm đó một đêm xuân xanh, bầu trời trong trẻo. Bố chậm rãi uống một ngụm trà rồi kể tôi nghe: “Bố đến nơi đây đã thấy cây bưởi này và hàng ngày bà nội vẫn chăm sóc cây như một thói quen. Mãi sau này bố mới biết đó là cây bưởi mà người bà yêu trồng tặng cho bà”.
“Vậy người ấy giờ ở đâu ạ?”- Tôi tò mò. Bố kể tiếp: “Năm 20 tuổi ông đi theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ và hy sinh rồi con à. Bà không lấy chồng mà xin bố về nuôi”. “Bà yêu ông nhiều đến vậy sao bố?”.
“Ừ, thời đó các cụ yêu nhau thầm kín mà sâu sắc, biết bà thích hoa bưởi nên ông hay hái cho bà, bà có chút mía ướp hoa bưởi cũng để dành mang sang cho ông.
Trước năm ông đi bộ đội ông có chiết một cành bưởi rồi đem xuống trồng ở vườn nhà bà. Vào trước ngày ông đi, cây bưởi mà ông trồng có nở những cành hoa trắng, thơm lừng.
Hồi ấy, lúc chia tay ông có hứa khi nào trở về ông sẽ trồng cho bà một vườn bưởi xinh xắn. Vậy mà chiến tranh quá tàn khốc, ông đã mãi mãi không trở về”.
Câu chuyện bố kể đã giúp tôi giải đáp được những thắc mắc bấy lâu nay. Nhớ lại câu chuyện làm tâm trí tôi thêm rối bời. Ngày mai tôi cũng lên đường nhập ngũ rồi vậy mà vẫn chưa có cơ hội để thổ lộ một chút tình riêng. Hình như sau lần rủ tôi đi họp lớp không thành Hương đã giận tôi mất rồi.
Tiếng mẹ từ nhà ngoài vọng vào: “An, con liệu ngủ sớm nhé, sáng mai con là tân binh rồi đấy!”. “Vâng, con chuẩn bị ngủ rồi mẹ à!”.
Tôi vờ tắt đèn để mẹ yên tâm. Tốt nghiệp ĐH, tôi xung phong đi nghĩa vụ quân sự trong sự bất ngờ của mọi người. Mẹ hơi sốc, bố yên lặng tôn trọng lựa chọn của tôi.
Còn bà nội vỗ vai tôi động viên: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn, mong cái thằng cháu thư sinh của bà sẽ được tôi luyện để trở nên kiên cường hơn”.
Bà không biết rằng chính câu chuyện về người lính, về tình yêu của bà đã lay động tâm hồn tôi. Tôi muốn khoác trên mình màu xanh áo lính, góp sức nhỏ của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Và từ lâu lắm rồi, Hương từng bảo với tôi rằng nếu tôi tình nguyện nhập ngũ Hương sẽ tặng tôi một món quà bất ngờ. Chắc Hương chỉ đùa thôi, vậy mà tôi không chỉ tin mà còn mong ngóng chờ đợi.
Trước khi đi tôi ngắt một nhành bưởi để trong ba lô với bao quyến luyến. Xe từ từ lăn bánh, thôn xóm nhỏ dần, bóng người thân nhỏ dần. Tôi nhìn mãi, nhìn mãi mà vẫn chẳng thấy Hương đâu.
Đóa hoa bưởi nằm gọn trong góc ba lô dường như chẳng cảm nhận được nỗi buồn của tôi nên vẫn tỏa hương thơm ngát. Đêm đến ai cũng hào hứng với các tiết mục giao lưu văn nghệ chào đón tân binh lên đường nhập ngũ được tổ chức tại sân vận động huyện.
Có giọng hát quen thuộc cất lên, tôi ngạc nhiên đó là Hương. Trái tim tôi bỗng đập từng nhịp rộn ràng. Hương bảo có chiến sĩ nào thuộc bài “Hương thầm” thì lên sân khấu hát cùng cho vui.
Còn chần chừ gì nữa, bài này tôi nghe nhiều đến thuộc lòng rồi, tôi cầm cành hoa bưởi chạy ù lên sân khấu trong tiếng vỗ tay, hò reo của mọi người. Chúng tôi cùng hát vang:
“Hai người chia tay vẫn chẳng nói một lời
Mà hương thầm vương vấn mãi người ơi”
Khi giai điệu của bài hát kết thúc, tôi vẫn chưa hết hồi hộp, lần đầu tiên tôi đứng trên sân khấu và hát. Lần đầu tiên trái tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực nhưng nó rung rinh hạnh phúc.
Chúng tôi cùng cúi chào khán giả. Rồi nắm tay nhau chạy thật nhanh xuống phía dưới. Hương ghé tai tôi thỏ thẻ: “Món quà này An có thích không?”.
Tôi xúc động ôm Hương vào lòng, cài nhành hoa bưởi lên mái tóc nàng khẽ thì thầm: “Cảm ơn Hương nhiều lắm, gắng đợi ngày An về nhé!”. Hương gật đầu bẽn lẽn cười: “An ngốc lắm, Hương vẫn luôn đợi An mà!”.
TRẦN TÚ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin