Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23: Đồng hành cùng “Tổ quốc bay lên”

05:35, 14/02/2025

(VLO) Năm 2025 được đánh dấu là năm khởi đầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Theo đó, ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 năm nay có chủ đề “Tổ quốc bay lên”, gửi gắm thông điệp mọi công dân Việt Nam đoàn kết, chung sức, đồng lòng đưa đất nước phát triển, bay lên; tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển.

Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật và Sở Văn hóa-TT-DL trao cờ lưu niệm cho Trường ĐH Cửu Long.
Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật và Sở Văn hóa-TT-DL trao cờ lưu niệm cho Trường ĐH Cửu Long.

Cùng “Tổ quốc bay lên” trên miền sáng tạo nghệ thuật

Ngày 26/12/2002, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tổ chức ngày Thơ Việt Nam và lấy Rằm tháng Giêng- ngày Bác Hồ đã sáng tác bài thơ Nguyên tiêu để làm ngày Thơ Việt Nam.

Ngày Thơ Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội (Xuân Quý Mùi 2003). Từ đó đến nay, ngày Thơ Việt Nam trở thành ngày hội của các nhà thơ và công chúng yêu thơ trong cả nước.

Như một điều không thể thiếu, các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, kéo lá cờ thơ. Mở đầu đêm thơ, một hồi trống vang lên rồi tiếng trống lắng dần.

Bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt vang vọng. Tiếp sau đó là phần thể hiện bài thơ đã trở thành tiêu đề cho ngày Thơ Việt Nam “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua giọng ngâm sâu lắng của Kim Sa.

Ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, cho biết, văn học nghệ thuật đã đồng hành cùng dân tộc trong một chiều dài lịch sử những ngàn năm và trong 95 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Tổ quốc bay lên” là khát vọng lớn lao của dân tộc ta trong thế kỷ này.

“Tổ quốc bay lên” từ những giá trị và vẻ đẹp tinh túy của thơ, từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, từ tâm hồn và sự cần cù lao động sáng tạo của cả dân tộc.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, ngày 13/1/2025, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Những cải cách về chính sách giáo dục, y tế, văn học, nghệ thuật, quản lý… đang mang lại những thay đổi to lớn về chất lượng sống của con người.

Như một truyền thống, mở đầu đêm thơ luôn là bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt.
Như một truyền thống, mở đầu đêm thơ luôn là bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt.

Và đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đó là những khoảng không gian vô tận, có nhiều miền hoang vu, có nhiều cơ hội, để trí thức, các nhà khoa học, người lao động biến “sỏi đá thành cơm”.

Ông Trần Thanh Sơn nói: Trên ý nghĩa đó, chúng ta nhận thức rằng dư địa sáng tạo của khoa tự nhiên và khoa học xã hội, trong đó có văn học, nghệ thuật. Nhiều miền hoang vu mà Tổng Bí thư nói chính là khoảng trời rộng lớn cho đổi mới sáng tạo nói chung, sáng tạo văn học, nghệ thuật, trong đó có thơ ca nói riêng trên hành trình đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

“Tổ quốc bay lên” trong kiêu hãnh, tự hào cũng đồng nghĩa rằng, thơ ca mang đến cho con người niềm hạnh phúc của một dân tộc hạnh phúc trong hùng cường thịnh vượng để “sánh vai cùng các cường quốc năm châu, trên thế giới ” như Bác Hồ hằng mong ước.

Cổ vũ phong trào sáng tạo nghệ thuật

Đến nay, ngày Thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội, một nét văn hóa độc đáo thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, góp phần quảng bá các giá trị thơ ca của dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu văn chương, hướng con người đến với những chân- thiện- mỹ để tự hoàn thiện tâm hồn, nhân cách, từ đó sống đẹp và sống tốt hơn.

Thơ được đọc, được trình diễn, được truyền tải bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từ đó đưa thơ đến gần hơn với công chúng. Tất cả đã góp phần làm cho công chúng hiểu thơ, thích thơ và yêu cuộc sống hơn, tiếp nối truyền thống thơ ca từ ngàn xưa của dân tộc và khơi nguồn cho thơ không ngừng phát triển.

Tại đêm thơ, 15 tác phẩm thơ, nhạc đã được các tác giả, văn nghệ sĩ trình bày tạo nên dòng cảm xúc ấn tượng. Trong không khí mùa xuân vẫn còn lắng đọng, đêm thơ là cầu nối đôi bờ rung cảm của người làm thơ và công chúng yêu thơ.

Tác phẩm thi ca của các văn nghệ sĩ tỉnh nhà được giới thiệu là lan tỏa như: tình cảm “Thương nhớ Vĩnh Long”: “Thương nhớ người Vĩnh Long mến yêu/ Đi muôn phương cũng về thăm cố hương/ Gieo yêu thương gặt niềm tin tươi sáng/Mắc nợ nụ cười thương nhớ Vĩnh Long” (Thơ Bằng Lăng).

Các tác giả Vĩnh Long có dịp giới thiệu tác phẩm đến đông đảo công chúng yêu thơ.
Các tác giả Vĩnh Long có dịp giới thiệu tác phẩm đến đông đảo công chúng yêu thơ.

Bên cạnh đó, một số tác phẩm nổi bật như: “Hồi ức” (Thiên Lan), “Mai xa rừng em có nhớ gì không” (Thơ Song Hảo), “Với cha” (Lê Đỗ Lan Anh), “Về Vĩnh Long đi anh” (An Thi)…

Nhà thơ An Thi- Phân Hội trưởng Phân hội Văn học chia sẻ: “Tại đêm thơ, tôi mang đến tác phẩm “Về Vĩnh Long đi anh” như một lời mời gọi, lời giới thiệu và niềm tự hào về quê hương mình.

Ngày Thơ Việt Nam là một dịp rất có ý nghĩa với những người sáng tác. Chủ đề “Tổ quốc bay lên” có tính tích cực, qua đó tiếp thêm động lực, ngọn lửa để sáng tạo nên những tác phẩm tốt hơn.

Mang ý nghĩa để thế hệ trẻ tiếp nối thế hệ đi trước, chúng tôi đã thành lập CLB Văn học ở Trường THCS Lê Quý Đôn, năm học này, chúng tôi tổ chức cuộc thi sáng tác thơ, cuộc thi viết cảm nhận về sách. Những “đốm lửa” nho nhỏ đó sẽ thắp lên tình yêu và hào hứng để thế hệ trẻ yêu văn học và bắt đầu sáng tác”.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 diễn ra trong một thời điểm đặc biệt. Đó là dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Đây cũng chính là lý do được Hội Nhà văn Việt Nam chọn chủ đề “Tổ quốc bay lên”, lấy cảm hứng từ câu thơ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân.

Ngày thơ là dịp để ôn lại truyền thống, cũng là lúc để nhìn lại với tư cách người cầm bút, nhà thơ phải luôn có khát vọng khám phá và chinh phục những chân trời nghệ thuật mới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng, thơ ca là một trong những phương tiện cho con người một đôi cánh của trí tưởng tượng, của những giấc mơ để bay lên.

“Tổ quốc bay lên” cũng có nghĩa là mỗi con người phải đập cánh bay lên ở trong giấc mơ của họ, trong khát vọng của họ. Và như thế, ý thức về dân tộc, nguồn cội, ý thức về con người và ý thức của thời đại sẽ trở nên sáng rõ hơn”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh