(VLO) Miền Tây có người nào mà không biết đến con chuột đồng, không biết ăn thịt chuột đâu, ăn mắc ghiền còn khác. Và có lạ gì cảnh bắt chuột trên đồng bao giờ, với tiếng reo hò khi ví bắt được con chuột mập ú, với bộ lông vàng bóng mướt.
Khi nghe dân miền Tây rủ về ăn thịt chuột có không ít người ở thành bĩu môi, lắc đầu khi nghe đến món thịt chuột vì họ từng chứng chiến những con chuột lang thang tìm mồi ở cống rãnh, bãi rác… chúng hôi thối và lở lói.
![]() |
Những đứa trẻ miền Tây rất thích theo chân người lớn đi bắt chuột. |
Có dịp bạn hãy về miền Tây bắt chuột một chuyến, ăn thử một miếng thịt chuột thơm ngọt xứ quê tôi. Vì những con chuột đồng ăn lúa để sống nên con nào con nấy béo lắm. Những con chuột đồng cắn lúa non, đến lúa chín thì nhấm nháp “hạt ngọc” nên thịt không thơm ngọt sao được chứ.
Nhớ cái hồi chúng tôi còn nhỏ, trên cánh đồng lúa chín vàng mênh mông, chúng tôi theo chân người lớn đi bắt chuột, “công việc phụ trách” của chúng tôi là chia nhau cầm xâu chuột.
Mà thời ấy cắt lúa bằng lưỡi liềm, cắt rụng cả tay mới xong công đất nên nhà có 7-10 công phải vần công với nhau cắt cho lẹ, những đêm trời có trăng là tranh thủ cắt đến khuya.
Nên thời gian bắt chuột cũng kéo dài theo mùa gặt. Khi những mảnh ruộng thu hẹp dần, lũ chuột buộc phải tìm cách ẩn náu trong hang. Chuột rất tinh ranh, nên người bắt chuột phải sử dụng nhiều cách để bắt, nào là đào hang, hun khói, đổ nước,…
Mỗi lần đi bắt chuột, con lu lu của nhà tôi không thể vắng, vì con chó đó ai cũng phải công nhận cái tài đánh hơi chuột đáo để và chụp chuột rất hay. Đó là cách bắt chuột trên cánh đồng.
Còn ở các khu vườn dừa, người bắt chuột lại chẳng dễ dàng bắt được chúng vì chúng chuyền từ cây này sang cây khác, nên muốn bắt chúng phải leo lên những ngọn dừa.
Trước tiên tìm những cây dừa nào có ổ chuột rồi mới leo lên vì ban ngày chúng thường hay nằm trong ổ, khuya mới là giờ đi kiếm ăn của chúng. Người bắt chuột chịu khó leo lên đạp vào ổ chuột để bắt nếu con nào lẹ chân thoát ra được chuyền sang cây khác thì một người khác trong đội phải leo lên cây dừa nơi chuột chuyền qua để bắt.
Có những con rất khôn nằm chịu ở giữa tàu dừa, bắt buộc người ta phải rung tàu cho nó rơi xuống đất, xuống ao để ví bắt nên bắt chuột lúc nào cũng phải có cả một “biệt đội”.
![]() |
Chú chuột được tóm gọn trên cánh đồng sau mùa gặt. |
Chuột có nhiều loại, nhưng người ta thích ăn thịt chuột cơm hơn. Con chuột nhỏ hơn nhiều so với chuột cống nhum. Với bộ lông mướt màu vàng nhạt, dưới bụng có lông màu trắng.
Những món ăn đặc sản gắn bó một thời khó khăn của quê tôi từ thịt chuột đó là chuột nướng, chuột khìa, chuột xào rau răm, chuột muối sả chiên… Bọn trẻ chúng tôi ngày ấy thích nhất là được ăn cơm với thịt chuột cơm muối sả chiên. Món chuột cơm muối sả chiên vừa thơm của sả vừa ngọt của thịt chuột.
Chuột với số lượng nhiều như thế là bởi xứ quê tôi với những cánh đồng lúa mênh mông, những vườn trái cây trĩu quả là nơi sống lý tưởng của chuột. Ai mà chẳng sợ chuột, sợ sự phá phách nên người ta còn gọi là anh tí.
Anh cắn những cây lúa rồi xả ngay trên cánh đồng hà. Còn ở những vườn cây trái anh cắn ăn một lỗ tròn vo, trái vẫn còn tòng teng trên cây à nghen. Khi người ta hái xuống thấy trái khuyết một lỗ, xung quanh toàn là dấu răng của anh.
Tối xuống thì nghe anh cắn dừa trên cây, những trái dừa rụng xuống với lỗ tròn vo, cái miểng dừa đập ra chắc hèn gì nhưng răng của anh chẳng hề hớn gì với độ cứng đó. Bởi anh phá phách đến độ đó nên người nông dân phải tìm cách bắt anh.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin