Đi tìm nguyên mẫu Bà mẹ đồng bằng

21:11, 24/02/2025

Mỗi lần có dịp ngồi cạnh một dòng sông, nhìn con sóng lăn tăn, lục bình trôi theo nước, bất chợt những ca khúc hát về quê hương xứ sở, về người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang lại hiện về thấm đẫm trong tôi.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt.


… Ngược dòng sông Măng con về thăm quê mẹ. Đôi bờ Cửu Long nước phù sa mấp mé. Nghe bìm bịp kêu con nước lớn ròng. Quê mẹ thân yêu bao xao xuyến mặn nồng. Ngày nào nơi đây bót đồn giăng đôi bờ. Giặc càn ngày đêm xóm làng ôi xác xơ. Nhưng giặc nào ngăn nổi cánh tay chèo. Mang gạo nuôi quân mẹ bám lấy xóm nghèo. Mẹ Tam Bình ơi! Năm tháng không phôi pha, giờ giông tố đã qua. Tóc mẹ dù bạc trắng cho rừng dừa xanh thắm. Nương mía ngọt phù sa, đồng lúa thêm mượt mà…
(Về quê mẹ, sáng tác nhạc sĩ Tăng Minh Thành).


Địa danh Tam Bình trong bài hát nhắc chúng ta nhớ về một miền quê sông nước xa xôi vời vợi, trong thời chiến tranh nơi đây phủ trùm khói lửa đạn bom, giăng giăng đồn bót, và nơi ấy có những bà mẹ âm thầm chịu đựng bao vất vả, hy sinh cùng những nỗi đau thương, mất mát. Và một trong những bà mẹ tiêu biểu đó chính là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt, sinh năm 1910, quê quán ấp Long Công, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình. Sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, sau khi lập gia đình với ông Võ Văn Sanh, một chiến sĩ du kích mẹ về quê chồng ở ấp Phú Hòa Yên, xã Song Phú. Mẹ có 7 người con trai và 1 người con gái, trong đó 6 người đi theo cách mạng. 


Nỗi đau đầu tiên của mẹ vào tháng 6/1962, khi hay tin người con là Võ Bá Đương, bộ đội Đặc công cơ động của tỉnh hy sinh ở tuổi 29 trong trận đánh ở đồn Bằng Tăng, xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình; Võ Bá Mười Hai, hy sinh năm 1969; đến năm 1970, tang thương tiếp tục phủ trùm lên gia đình mẹ khi bà liên tiếp nhận tin chồng và các con lần lượt hy sinh. Võ Bá Chiến (người đã cùng anh hùng liệt sĩ Lưu Văn Liệt đánh mìn quán bar Lệ Hoa) đã hy sinh ngày 8/3/1970 ở chiến trường Cà Mau.

Chỉ vài ngày sau đó, mẹ tiếp tục nhận được tin chồng- ông Võ Văn Sanh hy sinh khi địch phát hiện hầm bí mật ở Kinh Tư, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân. Ngày 4/5/1970, Võ Bá Lực hy sinh khi giặc đánh vào căn cứ của Quân y huyện. Ngày 1/7/1970, Võ Bá Đức hy sinh tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Tháng 12/1971 Võ Bá Thế- cán bộ Ban Tuyên huấn của tỉnh, hy sinh trong trận đánh ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình.


Chồng và 6 người con của mẹ đã anh dũng hy sinh trong thời khắc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Mẹ đâu còn nước mắt để khóc, sau ngày toàn thắng nhìn những gia đình sum họp, mẹ chỉ lẳng lặng ngó lên bàn thờ chồng, con nghi ngút khói hương cùng những tấm bằng Tổ quốc ghi công treo trên vách. Ngày 17/12/1994, mẹ Nguyễn Thị Ngọt được Chủ tịch nước ký quyết định phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 1997 mẹ Ngọt qua đời, hưởng thọ 87 tuổi.


Ông Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng), nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, năm 1980 là Trưởng Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Cửu Long, nhớ lại: Sau ngày giải phóng, một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh quan tâm là xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, quy tập lại mồ mả hài cốt liệt sĩ, lập danh sách người có công, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Tỉnh chủ trương xây dựng một tượng đài tại nghĩa trang liệt sĩ với yêu cầu phải thể hiện được tầm vóc của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng sự hy sinh cao cả, đóng góp to lớn cả quân dân ta đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc với biết bao tấm gương anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống. Nhiều người đến nay vẫn còn mang thương tật, di chứng của hậu quả chiến tranh. Nhiều gia đình bao lần tiễn đưa người thân ra đi mà không có ngày trở lại. 


Cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh được phát động với quy mô khắp các tỉnh khu vực ĐBSCL. Vốn là một người tham gia kháng chiến, họa sĩ Nguyễn Xuân Hạnh (Lê Phúc, 1944-2005, quê quán xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm), nhận thấy đây là cơ hội để ông thể hiện tài năng của mình.

Họa sĩ Lê Phúc sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, năm 1961 ông tham gia công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh, sau đó được cử đi học lớp hội họa do Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ tổ chức ở Cà Mau và lớp hội họa (trung cấp) do Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tổ chức tại Tây Ninh, đã được các họa sĩ Thái Hà, Huỳnh Phương Đông ở Phòng Hội họa Giải phóng trực tiếp hướng dẫn về hội họa. Khi về địa phương, ông tích cực tham gia sáng tác: vẽ ký họa, vẽ minh họa báo, vẽ tranh cổ động… tuyên truyền trong vùng giải phóng.

Những bức pano cổ động vẽ bằng sơn trên tôn, những bức phù điêu mà ông sáng kiến làm bằng chất liệu từ cây tre, rơm, đất sét cổ vũ phong trào cách mạng đặt tại kênh Ông Đơn (Cà Mau), Ngã tư nhỏ (xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm)… đã được cán bộ chiến sĩ, đồng bào khen ngợi. 

Tượng đài Bà mẹ đồng bằng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Tượng đài Bà mẹ đồng bằng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.


Sau ngày 30/4/1975, ông về công tác ở Ty Văn hóa Thông tin và Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long (làm Thư ký tòa soạn, trình bày minh họa cho tạp chí Văn hóa Thông tin, tạp chí Văn nghệ Cửu Long, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật). Với tố chất của một họa sĩ lại có thêm năng khiếu về điêu khắc vì vậy sau khi nhận được thông báo phát động cuộc thi, ông đã dành thời gian tìm hiểu tư liệu, đi thực tế gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người, sau đó trở về cơ quan miệt mài sáng tác trong gian phòng nhỏ ở khu tập thể. 


Và phác thảo tượng đài Bà mẹ đồng bằng ra đời. Tượng mang dáng dấp bà mẹ Nguyễn Thị Ngọt, có chồng và 6 con là liệt sĩ. Sau đó phác thảo được thể hiện bằng chất liệu đất sét và tổ chức triển lãm trước sân Bảo tàng tỉnh giới thiệu rộng rãi để công chúng góp ý. Tác phẩm đã nhận được sự đồng thuận của đa số người xem và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cửu Long thống nhất chọn làm mẫu để xây dựng tượng đài đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Năm 1990 tượng Bà mẹ đồng bằng, cao 30m, được xây dựng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long, thuộc phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long gần dốc cầu Mỹ Thuận 1 ngày nay.


Tượng đài Bà mẹ đồng bằng của họa sĩ Lê Phúc tác phẩm thuộc xu hướng hiện thực, mô tả. Đi sâu thể hiện 2 nhân vật tiêu biểu gồm bà mẹ và chiến sĩ trẻ (đứa con trai của mẹ lên đường đi chiến đấu), trên nền tàu dừa nước biểu trưng của miền sông nước miền Tây Nam Bộ và cánh cò thể hiện sự tần tảo của những bà mẹ Việt Nam. Tượng đài đặt ngay vị trí gần cầu Mỹ Thuận là cửa ngõ giao thông của các tỉnh miền Tây và TP Hồ Chí Minh nên có ý nghĩa và tác dụng rất lớn đối với công chúng. 


Trải qua 35 năm, đứng sừng sững giữa đất trời, ngày đêm canh giữ cho đàn con yêu yên nghỉ xung quanh mẹ- Tượng đài Bà mẹ đồng bằng đã trở thành hình ảnh quen thuộc, đi sâu vào lòng người. Thể hiện lòng tri ân của Đảng, Nhà nước và các thế hệ mai sau đối với các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, đã cống hiến máu xương qua 2 cuộc kháng chiến và luôn nhắc chúng ta giá trị cao cả của sự hy sinh vì hòa bình, tự do, độc lập trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh