(VLO) Đặc điểm thiên nhiên tạo nên truyền thống văn hóa sinh hoạt và văn hóa ẩm thực chỉ riêng ở miền Tây mới có. Trong đó có văn hóa tát đìa bắt cá ăn Tết.
Chài cá, giăng lưới gợi nhớ một thời gắn bó sông nước miền Tây. |
Chuyện dỡ chà, tát đìa bắt cá đâu xa lạ gì với người miền Tây sông nước. Hầu hết người miền Tây nào cũng đã từng tham gia hoặc chứng kiến cảnh tát ao, dỡ chà. Ở miền Tây xưa, những ngày giáp Tết người dân tát đìa, chụp đìa, thả lưới, dỡ chà,… để bắt cá ăn Tết.
Khoảng thời gian đó là mùa khô, nước xuống thấp nên là mùa bắt cá đồng, cá sông. Ngoài sông thì dỡ chà, chài, giăng lưới. Thu hoạch cá nhiều nhất bằng cách dỡ chà. Chẳng biết tự bao giờ, người dân vùng sông nước miền Tây cứ truyền nhau cách bắt cá này.
Trước khi dỡ chà vài tháng, người dỡ chà theo con nước đầu mùa, chọn địa điểm thích hợp trên đoạn sông rồi dằn tấm lưới phía dưới, thả những nhánh cây khô như trâm bầu, tre,… xuống để dụ cá tôm vào trú ngụ. Khi bắt, người dỡ chà kéo chà ra bỏ bên ngoài rồi dỡ lưới lên, thu hẹp lưới lại rồi bắt.
Thay vì tát, người vùng ngập mặn ở bán đảo Cà Mau họ dùng lưới để chụp đìa. Theo GS Trần Ngọc Thêm: “Dùng một tấm lưới mắt nhỏ có kích thước rộng hơn đìa thả xuống đìa rồi dùng que nhỏ gập lại ghim rìa lưới cách quãng dọc theo xung quanh bờ đìa, cách mặt nước chừng hai tấc.
Sau chừng một giờ, cá ở dưới mặt lưới thấy ngộp sẽ men theo bờ đìa trồi lên tìm chỗ hở để nhảy trở lại vào lòng đìa. Chờ thêm vài giờ cho cá vào hết, người chụp đìa liền phủ lên mặt nước một lớp lưới thứ hai rồi gom cả hai tấm lưới về một góc mà xúc cá lên”.
Trong đồng thì tát đìa, tát ao, tát đập... Vài nhà rủ nhau tát vì cần công tát, bắt cá và mần cá. Ngày ấy dụng cụ tát thường thùng thiếc, thau, gàu,… chớ không bằng máy như bây giờ. Ngày trước tát đìa, dỡ chà… cá vô số, chủ đìa, chủ chà bán cá cho thương lái chở đi, kiếm tiền xài Tết.
Phần còn lại chia cho những người bà con, hàng xóm, rồi làm khô, làm mắm và để rộng nướng trui chuẩn bị cho ba ngày Tết. Hàng xóm xúm xít đông vui, các bà các chị làm cá suốt đêm bên ánh đèn dầu, đèn măng sông. Giờ cá mắm ít lắm nên nhà ai mấy tự tát ao bắt cá không vần công bắt cá, mần cá như trước nữa.
Tát đìa bắt cá có từ thời khẩn hoang, như câu chuyện “Rắn hổ mây tát cá” của bác Ba Phi từng kể. Chuyện như vầy: “Hồi xửa hồi xưa, khi mới tới đất này khai phá, rắn trong rừng U Minh.
Con nào con nấy lớn lắm. Mới đầu người ta kể, tui còn chưa tin. Nhưng rồi có một bữa tui cùng bả vô rừng, tính kiếm cái đìa nào lớn, nước cạn, tát bắt ít cá về ăn.
Tui với bả tới ven rừng, nghe như có tiếng ai đang tát nước từ xa vọng lại. Chả là trong rừng có một cái đìa bề ngang chừng năm thước, bề dài chừng hơn bốn mươi thước, tui đã nhắm chừng từ bữa hổm. Tiếc thiệt, bây giờ mới tới ven rừng đã có người tát rồi.
- Ai đó mà lẹ vậy!
Tui nói bả vậy. Nhưng rồi cả hai vẫn lẹ làng đi tới. Đứng ở mé bờ đìa bên này, núp sau một thân cây tràm bự chảng, tui thấy một con rắn hổ mây ở mé đìa bên kia. Cái đuôi nó ngoéo một đầu, cái đầu nó ngoéo một bên, thân hình nó dẹp lại đu đưa. Thì ra nó đang tát nước cạn để bắt cá ăn.
Tui bấm tay bả một cái đau điếng, ra hiệu đứng yên để coi con rắn hổ mây nó làm chi. Gần xế bóng mặt trời, cái đìa đã cạn, những con cá rô, cá trê đen thùi quẫy đành đạch trên bùn. Bả thích quá, kêu trời một tiếng. Thấy động, con rắn vội bỏ chạy vô rừng. Tui chỉ việc bảo bả về kêu bà con ấp xóm ra bắt mang về.
Hổng tin, mọi người hỏi bả thử coi!”
Đó là cá, còn tôm thì bác Ba Phi kể sao? “Tôm U Minh” thì: “Một bữa nọ, nhà có khách, túng thức ăn quá tui mới sai con Út nhà tui mò quanh rìa búng đập kiếm ít con cá.
Xâu tép, con tôm nướng thơm mùi, hình ảnh thân thuộc gắn liền với tuổi thơ của không ít người. |
Con nhỏ nghe lời lấy khăn choàng tắm trùm đầu, xăn quần lội xuống, bắt nào cá bổi phệt, cá lóc kềnh, cá trê nọng, cá sặt bản, cá rô mề quăng lên bờ. Thấy cá nhiều quá tui biểu thôi, nhưng con nhỏ còn ham, mò rán thêm chút nữa. Nó bảo mò rán ra búng đập, bắt mớ tôm càng cho tui với khách nhậu lai rai.
Con nhỏ vừa khom xuống ngay miệng ống bộng mặt đập, tui bỗng thấy từ dưới nước vụt dậy lên một cái rầm. Trời đất ơi! Tôm! Con nhỏ nghiêng mặt né tránh.
Nào là tôm càng, tôm thẻ, tôm đất, tôm lóng phóng lên ghim ngập gai vô chiếc khăn trùm đầu của nó, đuôi chỏng ra ngoài búng lách chách. Cái đầu của con Út có chà, có chôm chẳng khác nó đang đội mớ san hô vậy. Mẹ nó bưng rổ ra gỡ hết chỗ tôm đóng trên chiếc khăn đội đầu cân được hai ký tám”.
Nay cuộc sống đổi thay, cá tôm không còn như trước nhưng đâu đó người dân vẫn còn giữ được nét văn hóa độc đáo này. Giờ tiếng tát nước nghe sành sạch được thay bằng tiếng máy giòn giã. Mọi người xúm xít đứng xung quanh ao để xem, người dưới ao hì hục mò từng con cá dưới lớp bùn non.
Rồi cánh tay giơ lên khi thành quả là con cá trên tay. Trên bờ, người thì “Ô! Con cá bự chảng”, còn người “Con cá chà bứ luôn”, cứ thế tiếng reo vui, tiếng nói cười rôm rả. Từ 25, 26 Tết đã bắt đầu tát ao, tát đìa bắt cá cả xóm rộn ràng. Bởi thế cho nên người ta nói vui như Tết là vậy!
Rồi tát đìa, tát ao, dỡ chà bắt cá được tái hiện tại khu du lịch, để lưu giữ nét đặc trưng của sông nước miền Tây. Hút khách lắm à nghen. Vì trẻ con mê thích khi được vọc sình, còn người lớn thì “lâu lắm rồi mới được bắt cá nên có chút bổi hổi bồi hồi nhớ về những năm tháng mưu sinh”.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin