(VLO) Hát bội (HB) là một nghệ thuật sân khấu độc đáo, có mặt ở nước ta từ rất sớm, tồn tại đến nay hàng trăm năm. Trong thời kỳ hoàn kim của nghệ thuật HB, tại tỉnh Vĩnh Long cũng có nhiều đoàn HB nổi tiếng: Tân Phước Lập, Đồng Thinh, Bầu Luông, Bầu Xẫm,… đều là những đoàn hát gia đình, có nhiều thế hệ theo nghề.
Nhằm bảo tồn và phát huy, nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm- Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) và là cố vấn của gánh HB Đồng Thinh, sinh trưởng trong gia đình có truyền thống theo nghề HB, ngay từ nhỏ ông đã có niềm đam mê với nghiệp diễn.
Hiện nay, dù đã ở tuổi U.70 nhưng ông vẫn hết mình, nhiệt huyết trên sân khấu, vẫn tròn vai “vương, tướng” trong các vở tuồng kinh điển.
“Là truyền nhân đời thứ 3 của gánh HB Đồng Thinh. Sống trong “cái nôi” của nghệ thuật HB từ bé nên HB đã thấm vào máu thịt của mình từ lúc nào không hay.
Tôi còn nhớ năm 13 tuổi, tôi đã làm quân sĩ cầm cờ hiệu chạy múa trên sân khấu, tôi mê những tuồng tích, tiếng vỗ tay reo hò, tiếng kèn, tiếng trống trong lễ hội ở các đình làng”- Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm chia sẻ.
HB là môn nghệ thuật đặc biệt từ nội dung cốt truyện đến cử chỉ, điệu bộ, lời ca tiếng hát và phục trang biểu diễn. Khi hóa trang, các nghệ sĩ phải bảo đảm được thần thái, màu sắc của khuôn mặt phản ánh tính cách nhân vật.
Các sắc màu đỏ, vàng, đen, trắng... cũng mang một dụng ý riêng, biểu hiện cho tính cách nhân vật là “kép độc” hay “kép hiền”.
Nghệ thuật hóa trang trong hát bội rất công phu, tỉ mỉ. Diễn viên phải bỏ công sức học hỏi để tự trang điểm, vẽ mặt nạ cho chính mình. Ảnh: TL |
Hơn nửa thế kỷ gắn bó, chứng kiến những thăng trầm của nghề, nhất là trong thời điểm hiện nay, nghệ thuật HB phải đương đầu với nhiều loại hình nghệ thuật khác trong khi công chúng trẻ cũng ít mặn mà với nghệ thuật truyền thống, song Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm vẫn quyết tâm duy trì hoạt động gánh HB Đồng Thinh và trao truyền nghề cho các thế hệ trong gia đình cùng các nghệ sĩ, nhạc công mộ điệu bộ môn nghệ thuật HB.
“Tôi biết chú Vũ Linh Tâm từ rất lâu rồi. Tôi ngưỡng mộ chú không chỉ vì chú là một nghệ sĩ giỏi mà còn bởi cái tâm và nhiệt huyết làm nghề. Bản thân tôi là nhạc công nên tôi rất nhạy trong việc cảm thụ âm thanh của các loại nhạc cụ, nhạc điệu.
Tuy nhiên, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc múa bộ, hát. Nhưng tôi sẽ cố gắng rèn luyện để có thể trở thành một nghệ sĩ HB thực thụ”- anh Huỳnh Duy Không, học trò của Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm cho biết.
Nhằm bảo tồn và phát huy, nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Em Nguyễn Phạm Diễm Hằng- cháu nội Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm tiếp lời: “Em mê HB từ bé, cảm giác được ngồi trong cánh gà xem ông nội biểu diễn rất hạnh phúc.
Nhưng mãi đến năm 12 tuổi em mới tham gia vở diễn đầu tiên. 10 năm theo ông nội làm nghề dẫu có khó khăn nhưng em chưa bao giờ thôi yêu HB. Em sẽ phấn đấu nhiều hơn để xứng danh là truyền nhân đời thứ 5 của đoàn HB Đồng Thinh và cùng ông nội truyền nghề cho các thế hệ tiếp nối, góp phần gìn giữ bộ môn nghệ thuật này”.
Để đưa loại hình nghệ thuật HB đến gần hơn với khán giả đương thời, Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm cho rằng, cần thiết phải dung hòa giữa truyền thống và hiện đại, lời ca, tiếng hát cần thay đổi sao cho “dễ nghe, dễ hiểu hơn”.
Đồng thời, chú trọng đầu tư, viết kịch bản, xây dựng các vở hát dựa trên lịch sử Việt Nam hướng đến giáo dục văn hóa, truyền thống yêu nước, giữ nước hào hùng của dân tộc.
Nghệ thuật hát bội mang đậm văn hóa truyền thống được Sở Văn hóa-TT-DL tỉnh coi là sản phẩm du lịch để phục vụ người dân và du khách. |
Dấu ấn nổi bật nhất của gánh HB Đồng Thinh là vào năm 2007 được mời tham gia biểu diễn tại Thủ đô Washington, Hoa Kỳ, nhân lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian với chủ đề “Mekong- Dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Viện Smithsonian tổ chức, trong khuôn khổ chương trình Liên hoan Nghệ thuật dân gian thế giới và được khán giả quốc tế đón nhận nồng nhiệt.
Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm là trưởng nhóm nghệ nhân HB sang Hoa Kỳ biểu diễn lần đó, nhớ lại: Khi đoàn diễn trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” trên sân khấu, khán giả chăm chú xem và cổ vũ rất nhiệt tình, thích thú. Đó là lần đầu tiên đoàn được xuất ngoại”.
Một dấu ấn nữa là vào năm 2010, HB Vĩnh Long được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời biểu diễn nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, nhằm góp phần khẳng định sự tồn tại và giá trị nghệ thuật HB của dân tộc.
Trước tình trạng nghệ thuật hát bội thiếu hụt trầm trọng thế hệ kế thừa, Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm miệt mài truyền đạt tinh hoa hát bội lại cho lực lượng kế thừa. |
Theo ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, năm 2024 “Nghệ thuật HB tỉnh Vĩnh Long” được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự công nhận rất xứng đáng dành cho những đóng góp của bao thế hệ nghệ sĩ HB tỉnh nhà.
Ông Phan Văn Giàu nhấn mạnh: “Về vấn đề bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật HB tỉnh Vĩnh Long”, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, chúng ta đang có những thế hệ vàng và cần có các chính sách bảo tồn kịp thời.
Trong đó, chúng tôi luôn quan tâm vấn đề tạo điều kiện để các nghệ sĩ HB có nhiều cơ hội biểu diễn và có thu nhập ổn định. Chính vì vậy, thời gian qua, chúng tôi đã thí điểm đưa nghệ thuật HB vào phục vụ các điểm du lịch, nổi bật là hoạt động “đốt đuốc đi xem HB”,… rất được du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tạo điều kiện để nghệ thuật HB ngày càng hoàn thiện và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh”.
Chắc chắn rằng, chặng đường “làm thức dậy” nghệ thuật HB còn rất dài. Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành có liên quan thì niềm đam mê, quyết tâm học hỏi, lĩnh hội, nhập vai của những người theo nghề là điều kiện tiên quyết góp phần bảo tồn, nối dài giai điệu trăm năm.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU- TẤN TÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin