Giá trị độc đáo lễ Sel Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ

16:07, 01/10/2024

(VLO) Lễ Sel Dolta có nghĩa là lễ Cúng ông bà thể hiện truyền thống “Cây có cội, nước có nguồn”. Đây là mùa lễ truyền thống lớn nhất trong năm vì trước đây diễn ra từ 3-15 ngày nhưng hiện nay chỉ diễn ra trong 3 ngày.

Năm 2024, lễ Sel Dolta diễn ra vào ngày 1, 2, 3/10 dương lịch, theo truyền thống, lễ thường được tổ chức với 4 nghi thức chính: lễ đặt cơm vắt, lễ cúng ông bà, lễ rước ông bà, lễ đưa tiễn ông bà.

Ngày nay cuộc sống đã có nhiều đổi thay, để phù hợp với cuộc sống hiện đại, lễ Sel Dolta có sự thay đổi ít nhiều nhưng những nét truyền thống, bản sắc vốn có của nghi lễ vẫn được gìn giữ.

Các nghi thức trong những ngày lễ nhằm để tưởng nhớ đến các đấng sinh thành, dưỡng dục đều chịu sự chi phối bởi các quan điểm của Phật giáo Nam tông thông qua các phương thức truyền đạt của các vị sư sãi và các vị Achar tạo nên những giá trị văn hóa trong cộng đồng người Khmer, gồm: giá trị cộng đồng và đoàn kết gia đình; giá trị tín ngưỡng và tôn giáo; giá trị về duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giá trị xã hội và tinh thần.

Về giá trị cộng đồng và đoàn kết gia đình: Lễ Sel Dolta là dịp để người Khmer tưởng nhớ tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã quá vãng và người còn sống đã có công sinh thành, nuôi dưỡng. Đây là dịp để mọi người có điều kiện củng cố mối quan hệ gia đình, dòng tộc và cộng đồng; gắn bó giữa các thế hệ, duy trì các giá trị cộng đồng và đoàn kết gia đình.

Riêng giá trị tín ngưỡng và tôn giáo thì lễ Sel Dolta là một ví dụ điển hình của sự kết hợp giữa tín ngưỡng bản địa và Phật giáo Nam tông. Người Khmer tổ chức lễ cầu siêu cho tổ tiên, đồng thời gửi gắm niềm tin vào Phật pháp để giúp linh hồn những người đã quá vãng được siêu thoát.

Sự hòa quyện giữa niềm tin tâm linh và thực hành tôn giáo; việc duy trì đạo lý và thực hành Phật giáo tạo nên giá trị tín ngưỡng và tôn giáo trong bản sắc văn hóa của người Khmer.

Đối với giá trị về duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Lễ Sel Dolta diễn ra 3 ngày tại gia đình và cơ sở thờ tự.

Đây là dịp để người Khmer thể hiện bản sắc văn hóa riêng của mình thông qua các nghi lễ, trang phục truyền thống và các loại hình nghệ thuật dân gian diễn ra trong các ngày lễ.

Do vậy, đây không chỉ là việc thực hiện một nghi lễ tôn giáo mà còn thể hiện các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer; góp phần duy trì và phát huy bản sắc dân tộc trước tác động và sự biến đổi không ngừng của xã hội hiện đại.

Còn về giá trị xã hội và tinh thần thì lễ Sel Dolta tạo ra không gian gặp gỡ, giao lưu giữa các thành viên trong cộng đồng các dân tộc.

Thông qua việc tổ chức các hoạt động trong những ngày lễ đã giúp tăng cường sự tương trợ và đoàn kết xã hội; đồng thời góp phần quan trọng trong việc giải tỏa tâm lý, đem lại sự bình an tinh thần cho mọi người.

Nhân dịp này các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer tổ chức họp mặt, thăm mừng, tặng quà đến các chùa và gia đình chính sách; tạo sự phấn khởi, gắn bó tình cảm trong sư sãi và đồng bào Khmer với Đảng và Nhà nước.

Như vậy, lễ Sel Dolta là một hiện tượng văn hóa tôn giáo đa chiều, gắn liền với tín ngưỡng bản địa của người Khmer và triết lý Phật giáo Nam tông. Lễ Sel Dolta bắt nguồn từ tín ngưỡng xa xưa được cộng đồng người Khmer gìn giữ, xem là một nét văn hóa độc đáo, một lễ hội truyền thống in đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.

Thông qua các hoạt động nhằm để tưởng nhớ đến các đấng sinh thành, dưỡng dục trong những ngày lễ đã giúp cho người Khmer củng cố mối quan hệ gia đình truyền thống và mối quan hệ xã hội.

Đây là sự kiện thường niên, có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, tăng cường đoàn kết toàn dân, góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer tới bạn bè trong nước và quốc tế.

MINH TRÚC (Trà Ôn)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh