Màu thời gian

02:08, 11/08/2024

Quân chuyển ngành với quân hàm đại úy. Bạn bè đùa: "Đại úy inox của cơ quan". Quân chưa phải là người lớn tuổi, mới băm hai. Còn xuân chán. Nhưng ở tuổi ấy mà chưa vợ, bạn bè gọi inox cũng phải.

“Và con chim bồ câu hiền đậu xuống

Màu thời gian đọng chín bờ môi”

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Quân chuyển ngành với quân hàm đại úy. Bạn bè đùa: “Đại úy inox của cơ quan”. Quân chưa phải là người lớn tuổi, mới băm hai. Còn xuân chán. Nhưng ở tuổi ấy mà chưa vợ, bạn bè gọi inox cũng phải.

Các cô gái độc thân trong cơ quan thường đùa:

- Anh Quân ơi! Lãnh lương tháng này, anh đi thẩm mỹ viện, gọt cái sẹo trên má đi. Em chịu liền hà!

- Anh Quân nè! Hổng chịu lấy vợ, đắc tội với hai bác đó nghen!

Nghe các cô đùa vui, Quân chỉ có nước cười trừ. Quân sống bồ côi bồ cút với ngoại từ nhỏ, nếu có đắc tội là đắc tội với ngoại. Mà ngoại cũng đã mất ngót nghét mười năm nay.

Còn có ai mà đắc tội với không đắc tội. Nghĩ mà thương ngoại. Năm Quân mười tám, ngoại biểu, mầy cưới phứt con Tím để ngoại còn có cháu mà nựng. Tưởng ngoại đùa cho vui, ai dè ngoại tính tới. Lâu lâu ngoại lại hởi hởi kêu Tím tới đổ bánh xèo, nấu cháo vịt.

Quân mắc cỡ với bạn bè, móc nối với đàng mình, đi biệt vô đồng đưng kháng chiến. Chừng hay tin ngoại qua đời vì tuổi tác, Quân xin đơn vị về thăm viếng phần mộ, thấy cô Tím ở vậy đợi chờ, nghĩ cũng thương.

Quân nói với cô: “Cô Tím nè! Kháng chiến trường kỳ, cô liệu tính đường chồng con đi. Bộ đội chủ lực tụi tui, oánh trận hà rầm ngày này tháng khác, biết chết sống hồi nào”.

Nghe Quân nói vậy, cô Tím chạy ào ra bến nước, đứng tựa gốc sa kê, khóc rung cả đôi vai nhỏ nhắn. Nếu không có trận càn năm ấy, biết đâu Quân với cô Tím thành thân với nhau cũng nên. Tụi liên đoàn Bảo an vây ráp, gom được một số đờn bà con gái, trong đó có Tím.

Bị tụi lính thay nhau hãm hiếp, Tím uất ức, cắn lưỡi tự vẫn ngay trong đồn của chúng. Thằng đồn trưởng sợ linh hồn của Tím hiện về báo oán gia đình, sai lính lấy ghe chở xác Tím về ấp, lo tiền chôn cất chu đáo. Bà con thấy tụi lính miệng còn hơi sữa, coi chúng như đồ con nít, tha cho; chỉ hè nhau chửi cho chúng một trận muốn tắt bếp.

Tím mất độ dăm tháng thì Quân bị thương trong một trận đánh vận động tấn công. Vết thương quá nặng, đơn vị phải gởi Quân ở lại vùng giải phóng, nhờ bà con nuôi dưỡng một thời gian.

Quân sống với mẹ con má Năm. Chồng má Năm là du kích, hy sinh trong một trận phối hợp với bộ đội chủ lực R vây đánh chi khu.

Má Năm có chồng muộn. Khi chồng hy sinh, đứa con vẫn còn trong bụng mẹ. Lúc Quân được gởi ở nhà má Năm, người con gái tên Phương của má đã mười sáu tuổi.

Mười sáu mà coi mòi còn nhỏ thó như đứa bé mười hai. Quân ở không cũng buồn, thường những khi Phương rảnh rỗi, anh lần hồi dạy cho Phương học đọc, học viết.

Phương học rất sáng dạ, không đầy một tháng đã biết đọc, biết viết. Quân phục lắm! Cứ như hồi Quân theo học ở trường làng, học giáp năm mà không đọc chạy mặt chữ, viết chữ nguệch ngoạc như cua bò; bảng cửu chương thuộc không được phân nửa.

Ngày Quân khỏe hẳn, chuẩn bị về đơn vị, ông chủ tịch xã nói:

- Chú cho con Phương tháp tùng đến trạm X. Xã cử nó lên R học văn hóa, đặng còn lo cho ngày hòa bình thống nhứt.

Hai anh em cùng đi một chuyến đến trạm X, rồi chia tay biền biệt.

***

Lúc Quân chuyển ngành về cơ quan, đồng chí giám đốc nói với anh:

- Ông là sĩ quan, nhưng văn hóa còn thấp quá, hay ông nhận giùm tui chức đội trưởng đội bảo vệ; vừa làm việc vừa học bổ túc. Hết lớp mười hai, cơ quan sẽ gởi đi đào tạo chuyên môn; chừng đó bố trí nhiệm vụ khác, phù hợp với cấp bậc của ông.

Quân học bổ túc ban đêm, đều đều mỗi năm hai lớp. Hết cấp một, cấp hai, rồi chuyển sang cấp ba. Tiếng học cấp ba bổ túc, nhưng chương trình chỉ gom lại trong có hai năm, thành thử việc học hành cũng vất vả không kém gì việc đánh trận.

Học gần hết lớp mười hai, lớp Quân bỗng nhiên có sự thay đổi giáo viên môn hóa. Cô giáo mới rất có duyên. Cái lúm đồng tiền tròn vo đến là chết người. Lại thêm hàm răng đều tăm tắp. Đó là chưa kể mái tóc dài, xõa óng ả sau lưng như suối chảy.

Mỗi lần hỏi bài học viên, ai trả lời được cô cũng cười, ai trả lời không được cô cũng cười. Nụ cười rạng rỡ như trăng mười sáu. Cánh đàn ông chưa vợ trong lớp, ai cũng chết ngợp bởi nụ cười duyên dáng ấy.

Ngay từ phút đầu tiên cô đến lớp, Quân đã thấy ngờ ngợ. Dường như anh đã gặp nụ cười ấy ở đâu đó, lâu lắm rồi thì phải. Khi cô giáo tự giới thiệu mình tên Phương, Quân lại càng ngờ ngợ nhiều hơn. Chẳng lẽ lại là Phương? Cô bé nhỏ thó mà anh đã dạy i tờ cho từ những năm nào.

Thắc thỏm mãi, Quân rủ ông trưởng phòng giáo vụ đi uống cà phê, nhờ ông dò xem lai lịch của cô. Trưởng phòng giáo vụ là tay đáo để. Thấy Quân nhờ việc đó, ông cười:

- Chết ông đại úy rồi nghen! Ông sống sót ngoài mặt trận, nhưng phen này, dứt khoát chết chìm trong cái lúm đồng tiền của cô giáo cho mà coi!

Quân chết thật. Chết ngay đêm hôm sau. Hôm đó lớp Quân không có giờ hóa. Hết tiết học cuối cùng, Quân đang loay hoay mở khóa xe đạp, bỗng có ai đập mạnh tay lên vai. Ngoảnh lại, thấy ngay ông trưởng phòng đang nhe răng cười hềnh hệch:

- Đại úy à! Chuẩn bị tư thế lên báo cáo thành tích chiến đấu với người đẹp. Người ta chờ nãy giờ ngoài quán cà phê trứng cá.

Vừa đưa tay trỏ ra ngoài quán, ông trưởng phòng vừa nháy mắt, nói thêm:

- Nhớ đánh bồi, đánh nhồi, đánh cấp tập, theo kiểu quân giải phóng, nghen cha!

Cô giáo Phương chờ Quân thật. Mới thấy anh, cô đã từ trong quán chạy ra.

- Ôi, anh Quân! Vậy mà gần cả tháng rồi em không nhận ra anh.

Làm sao mà Phương nhận ra anh được. Khi anh đưa Phương đến trạm X, mặt anh làm gì có vết sẹo cắt ngang như bây giờ. Vết sẹo ấy là dấu tích của một trận tao ngộ chiến giữa đồng đưng. Tổ trinh sát của anh đang trên đường về hậu cứ thì đụng độ với tụi biệt kích phục sẵn giữa đồng.

Hai bên đụng nhau sát rạt. Dứt loạt đạn đầu, Quân ôm khẩu AK báng gập, lăn mấy vòng về bên phải. Chưa kịp định hướng mục tiêu bắn trả, đã thấy lù lù một bộ rằn ri với gương mặt chằm bặm của thằng lính.

Nhanh như cắt, Quân dùng cả hai tay dộng mạnh khẩu súng xuống đất, lấy đà bay người lên, tung chân đá văng khẩu AR15 của nó. Thằng lính cũng không phải tay vừa. Bị cú thôi sơn như trời giáng, nhưng hắn định thần ngay được, rút phắt con dao găm nhào tới.

Ánh thép lóe lên như sao băng. Mặt Quân rát như lửa cháy. Máu túa xuống môi mằn mặn. Xoay người một trăm tám mươi độ, hai tay Quân nắm chắc nòng súng quật mạnh. Nghe chát một tiếng.

Thằng biệt kích đổ vật xuống đất. Đầu nó vỡ toác. Chỉ mười lăm phút tao ngộ mà hai chiến sĩ trinh sát vĩnh viễn nằm xuống giữa đồng đưng lộng gió. Từ đó, vết sẹo đeo đẳng anh, làm biến dạng gương mặt anh.

- Anh Quân à (Phương nói)! Vết sẹo làm cho gương mặt anh coi bộ ngang tàng, đẹp như tướng cướp ấy.

Quân vốn là người ít nói. Suốt cuộc gặp gỡ, Quân chỉ ngồi yên cho Phương nhắc lại những kỷ niệm. Càng nghe, kỷ niệm càng dội về, rõ mồn một như mới hôm nào.

Lần đó, Quân với Phương hết bơi xuồng ba lá đến lội bộ, ròng rã ba ngày ba đêm. Đêm thứ ba, hai người bị lạc giữa đồng nước nổi. Bốn bề nước ngập mênh mông.

Trời lất phất mưa. Mây giăng mù mịt, không tìm được một ngôi sao nào mà định hướng. Đến cả một gốc cây để hy vọng có thể xem dấu rêu mọc mà tìm phương hướng cũng không có. Chừng mưa sập xuống ào ạt, cả cánh đồng phút chốc chìm trong màn đêm đen đặc.

Chỉ còn nước khoanh tay ngồi yên vị trên xuồng chờ mưa tạnh, chờ quang mây để nhìn sao mà xác định lối đi. Vậy là cả hai gác dầm ngồi thu lu, run cầm cập vì lạnh và ướt.

Gió đồng thổi hù hụ. Sóng trắng lắc chiếc xuồng chao đảo. Nghe kịch một tiếng, cả hai nhận ra chiếc xuồng bị gió đẩy, đụng vào một gò đất trống.

Ghìm chiếc xuồng xong xuôi, hai người lần mò, dò dẫm bước lên gò đất, hy vọng tìm được một gốc me keo nào đó ngồi trú cho đỡ lạnh. Đang đi, bỗng Phương trượt chân, té nhoài xuống đất. Lúc té, Phương chới với vung hai tay, nắm được tay Quân. Vậy là cô kéo luôn Quân té xuống.

Thân hình hộ pháp của Quân đổ sập lên tấm thân nhỏ thó của Phương. Anh nghe Phương thở hào hển: “Anh đè em muốn nghẹt thở nè”. Bấy giờ Quân mới sực nhận ra, đôi môi của Phương đang mấp máy ngay dưới gò má trái của anh. Quân vội vàng ngồi bật dậy, đưa tay kéo Phương cùng ngồi dậy với mình.

Khi nắm cổ tay Phương, thấy nhơn nhớt như bị dính sình, anh hỏi:

- Tay em dính sình hay sao mà nhớt nhợt hà?

- Chắc sình thiệt anh Ba. Mà sao rát quá trời!

Móc hộp quẹt Zippo bật lửa lên soi, Quân nhận ra tay Phương đầy những máu. Một vết rách chạy chéo cổ tay, dài chừng một tấc. Thì ra khi té, tay Phương quật mạnh xuống đất, đụng nhằm miểng bom, trợt dài một vết cắt sắc lẻm. Sẵn chiếc mùi soa trong túi, Quân dùng nó băng tay cho Phương.

- Anh Quân ơi! Em còn giữ chiếc khăn tới giờ đó nghen! Ngày mai chủ nhật, anh tới chỗ em, em cho anh coi.

Đó là chiếc khăn Tím tặng cho anh, lần anh về viếng ngoại. Anh còn nhớ rất rõ, lúc chia tay Phương ở trạm X, Phương tiễn anh ra tận bìa rừng tràm, nhắc đi nhắc lại:

- Thế nào anh Ba cũng tìm thăm Phương, để nhận lại chiếc khăn nhen!

Câu nói ấy của Phương, vô tình xui khiến lòng anh xốn xang nhớ Tím. Hôm ấy, hôm anh về thăm viếng ngoại già, rồi chia tay lên đường, Tím đứng vịn nghiêng nghiêng bên gốc cây sa kê. Đôi mắt buồn rười rượi. Tím chỉ nhìn thẳng vào mắt anh, rồi quay mặt đi.

Khi anh đã đi gần tới cái cầu tre bắc qua con xẻo, Tím mới chạy ào tới, dúi cho anh chiếc khăn mùi soa, có thêu hình hai con chim bồ câu cùng ngậm một bông lúa. Xong xuôi, cô im lặng bước quay trở lại, không hề nói một lời.

Với Phương thì khác. Khi chiếc xuồng của giao liên đã bơi được một quãng xa, quay lại, Quân còn thấy Phương đứng vịn một tay lên thân cây tràm đang độ trổ bông, một tay còn lại, đưa thẳng lên cao, vẫy lia vẫy lịa. Miệng thì gọi rối rít: “Nhớ nghen anh Ba! Nhớ nghen anh Ba!”.

***

Sáng hôm sau, khi dẫn chiếc xe vào khu tập thể giáo viên, người anh đụng mặt đầu tiên là ông trưởng phòng giáo vụ. Ông ta toét miệng cười:

- Lẹ quá trời vậy! Mới hừng đông đã tới. Còn phải để cho cô giáo xức dầu thơm nữa chứ. Đúng là giải phóng quân, đụng chuyện gì cũng tính rụp rụp.

Quân nhìn trời. Mặt trời đã lên cỡ cây sào. Nắng đổ óng ả như lụa.

Ông trưởng phòng khệ nệ bưng cái chậu thau bự tổ chảng, đựng đầy quần áo và tả lót trẻ con, nhe răng cười hềnh hệch:

- Nè! Biểu cô Phương khỏi mua rượu nghen! Tui còn cả lít áp-sanh, thế nào trưa tui cũng đem qua nhậu với ông!

HỒ TĨNH TÂM (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh