Nữ chiến sĩ giao bưu dũng cảm

06:08, 12/08/2024

Mùa hè năm 1969, Tiểu ban Giáo dục Vĩnh Long cử đoàn cán bộ chúng tôi đi đào tạo trung cấp sư phạm tại Trường Sư phạm Tây Nam Bộ (tên gọi bí mật là SPT3) ở Cà Mau (thủ phủ Quân khu 9) gồm có 8 người: Tư Đạo, Tám Trọng, Năm Hoàng, Sáu Nguyên, Hai Minh, Huyền Nga, Mười Vũ và tôi đi học lớp này.

(VLO) Mùa hè năm 1969, Tiểu ban Giáo dục Vĩnh Long cử đoàn cán bộ chúng tôi đi đào tạo trung cấp sư phạm tại Trường Sư phạm Tây Nam Bộ (tên gọi bí mật là SPT3) ở Cà Mau (thủ phủ Quân khu 9) gồm có 8 người: Tư Đạo, Tám Trọng, Năm Hoàng, Sáu Nguyên, Hai Minh, Huyền Nga, Mười Vũ và tôi đi học lớp này.

Đoàn xuất phát từ ngày 20/7/1969, được đồng chí Ba Trà, Trưởng Tiểu ban Giáo dục, tiễn đến xã Hòa Hiệp trước khi vượt sông qua vùng Xuân Hiệp, Trà Vinh (lúc này Trà Ôn thuộc địa phận Trà Vinh).

Khi đến trạm giao liên cuối cùng của tỉnh, anh Ba Trà đã dặn dò mọi người từ cách đi đường ruộng là phải bước dài cho đỡ mệt, lúc nào cũng phải bám theo đoàn, các anh quan tâm chăm sóc hai em gái, cố gắng học tốt, về quê hương công tác và chuẩn bị tiếp quản khi cách mạng thành công.

Do đây là thời gian quân đội Sài Gòn và Mỹ phản công rất quyết liệt sau Tổng tấn công Xuân Mậu Thân, đồn bót giăng giăng nên chúng đi theo con đường giao liên liên xã, không theo đường huyện, liên tỉnh như trước đây.

Có nghĩa là mỗi xã là có một hoặc hai giao liên ở địa phương hướng dẫn đoàn men theo vùng giải phóng từ xã này qua xã khác, thay vì đi thẳng từ huyện sang huyện hoặc nhanh nhất là giao liên cấp tỉnh đưa khách theo đường kết nối liên tỉnh.

Khoảng gần cuối tháng 7, đoàn chúng tôi đến xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Lần này dẫn đoàn là hai chị giao liên rất trẻ, xinh và nhanh nhẹn.

Mỗi khi trên đường có một dòng sông chắn ngang là một chị xung phong bơi qua bờ bên kia kéo chiếc xuồng về phía bờ bên này để chúng tôi không bị ướt khi tiếp tục hành quân. Nhìn cảnh này các anh cảm thấy ái ngại, nhưng vì các chị quá nhanh nên không kịp phản ứng.

Một chị hiểu ý, vội nói:

- Đây là nhiệm vụ của tụi em, mấy anh chị đừng có nghĩ ngợi gì.

Sau khi tiếp tục băng đồng hơn 1 giờ sau đó, mọi người vừa đi vừa trò chuyện rôm rả. Bỗng trên bầu trời xuất hiện chiếc máy bay “đầm già” (máy bay trinh sát L-19), nó lượn một vòng rộng rồi bỏ đi, đoàn chúng tôi nghĩ là nó tuần tra bình thường nên vẫn tiếp tục hành quân trên con đường đồng phía sau một vườn dừa nước dọc con kênh.

Nhưng một lát sau, có một bầy trực thăng xuất hiện, gồm 2 chiếc trực thăng vũ trang và 2 chiếc “cán gáo” (máy bay trực thăng OH-6 hình tròn, dáng như chiếc gáo múc nước, di chuyển linh hoạt lên xuống, xoay trái, phải rất nhanh nhẹn). Trông chúng có vẻ như đang bao vây chúng tôi. Một chị giao liên vội hô to:

- Bị “lộ” rồi, tiến sát vào vườn nhanh lên các anh chị ơi!

- Chạy thẳng vào vườn dừa nước phía trước, có thể có hầm tránh đạn, pháo trong đó. Rồi chị quay lại nói:

- Hai em gái nhanh lên, bám sát theo chị!

Khi chúng tôi vào vừa đến được giữa vườn dừa, bầy trực thăng thay phiên bắn liên tục hết loạt đạn này đến loạt khác. May mắn là nhờ có bập dừa và lá dừa nước che chở chúng tôi nên không ai bị thương.

Sau nhiều loạt đạn, 2 chiếc “cán gáo” hạ thấp độ cao lùng sục tìm chúng tôi phía dưới đám lá dừa nước để bắn tỉa hoặc ném lựu đạn. Hai chị nói với nhau trong tiếng đạn rền và với chúng tôi:

- Bọn chúng hung hăng quá, có vẻ như nó quyết tâm tiêu diệt đoàn khách mình, các anh chị tranh thủ di chuyển vào sâu bên trong vườn dừa. Để tụi em đánh lạc hướng chúng. Tôi nắm tay chị nói nhanh:

- Không được đâu chị ơi, nguy hiểm lắm, chị ở lại đây. Mình sống chết có nhau chị ơi. Chị đẩy tôi qua một bên thì một loạt đạn gần phía chúng tôi, bùn đất bắn tung tóe lên đầu và quần áo chị em tôi. Chị nói bằng giọng tức giận.

- Đồ độc ác! Rồi bỗng chị vụt chạy băng qua cánh đồng nhỏ để đến phía cụm vườn đối diện. Mấy anh gào lên:

- Quay lại đi em ơi! Bất ngờ chị thứ hai cũng vụt chạy theo và nói:

- Phải cứu đoàn! Phải cứu đoàn!

Hai chiếc “cán gáo” quay ngoắc đầu đuổi theo hai cô gái. Một chị đã kịp vào được một công sự nổi trong một chiếc chòi của người dân tản cư để lại. Một chị chiến đấu ở bên ngoài. Dường như 1 chiếc “cán gáo” bị trúng đạn, vội vàng bỏ chạy.

Lúc bấy giờ, 2 chiếc trực thăng cũng hùa theo 2 chiếc “cán gáo”, tập trung bao vây bắn liên tục, ném lựu đạn vào miệng hầm.

Hai chị giao liên đã anh dũng chiến đấu, bắn trả cho đến khi… hết đạn. Khi đó thì trời cũng vừa tối. Và, có lẽ chúng cũng sợ lực lượng vũ trang chi viện, nên bỏ đi thẳng, không tiếp tục truy sát đoàn chúng tôi.

Một đồng chí nữ giao liên đã hy sinh tại chỗ, một đồng chí bị thương nặng, nhóm du kích xã đưa chị đến trạm xá. Chị đã gượng nói với hai anh du kích trong hơi thở thật yếu ớt:

- Mấy anh đưa dùm đoàn đến trạm giao liên kế tiếp giúp tụi em! Một anh trong đoàn lên tiếng:

- Trời! Trong hoàn cảnh này mà em còn lo cho đoàn! Em cố gắng trị thương em nhé. Chúng tôi ai cũng rơm rớm nước mắt, thương hai chị quá, dù chỉ trên một đoạn đường ngắn ngủi nhưng tình đồng chí đã gắn bó chúng tôi với nhau.

Dù rất đau lòng nhưng chúng tôi vẫn phải chia tay chị để tiếp tục hành quân. Và, sau này chúng tôi được biết chị đã hy sinh trên đường chuyển đến trạm xá.

Sự việc đã xảy ra rất lâu, nhưng chúng tôi không thể nào quên hai người giao liên dũng cảm, sẵn sàng hy sinh bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng trao.

Sự dũng cảm hy sinh của hai chị cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác giao bưu trong thời kỳ chiến tranh đã góp phần viết nên bản hùng ca của dân tộc ta trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Xin thắp một nén tâm hương, lời tri ân, lòng kính trọng đến tất cả chiến sĩ, liệt sĩ ngành giao bưu! Các anh chị mãi mãi là người con ưu tú của cách mạng, của Đảng!

ĐẶNG HUỲNH MAI (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh