Bồi dưỡng, tạo nguồn lực lượng kế thừa là một trong những trăn trở trong nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng. Những năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) đã có nhiều nỗ lực vun bồi, tạo điều kiện để người trẻ thỏa mãn niềm đam mê. Những chuyến thực tế sáng tác, cuộc gặp gỡ, triển lãm đã góp phần ươm mầm, nuôi dưỡng những tài năng mỹ thuật của tỉnh.
Từ cuộc triển lãm, các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc, học hỏi để phát triển. |
Bồi dưỡng, tạo nguồn lực lượng kế thừa là một trong những trăn trở trong nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng. Những năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) đã có nhiều nỗ lực vun bồi, tạo điều kiện để người trẻ thỏa mãn niềm đam mê. Những chuyến thực tế sáng tác, cuộc gặp gỡ, triển lãm đã góp phần ươm mầm, nuôi dưỡng những tài năng mỹ thuật của tỉnh.
Rực rỡ “Sắc màu Cửu Long”
Trong không khí những ngày tháng tư lịch sử, Hội VHNT phối hợp Trường ĐH Cửu Long tổ chức triển lãm mỹ thuật chủ đề “Sắc màu Cửu Long 2024”.
Ông Trần Văn Thắng- Phó Chủ tịch Hội VHNT, cho biết, đây là hoạt động phối hợp giữa 2 đơn vị mở các cuộc triển lãm tranh, tượng, ảnh nghệ thuật thường niên, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động do hội tổ chức; mở phòng sáng tác tại trường để các họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà điêu khắc đến thực hiện các tác phẩm nghệ thuật giúp sinh viên có điều kiện tiếp xúc và học hỏi.
Qua hơn 2 năm thực hiện kế hoạch phối hợp giữa nhà trường và Hội VNHT, đã có một số hoạt động như: Triển lãm “Tranh, tượng dòng Mekong”; thường xuyên đăng tải nhiều bài viết, tranh, ảnh của thầy cô, sinh viên nhà trường ở Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa Mỹ thuật công nghiệp trên tạp chí Văn nghệ. Hội VHNT và Trường ĐH Cửu Long cũng đã có những hoạt động gắn bó như: tổ chức Ngày thơ Việt Nam, các buổi giao lưu, tọa đàm về văn hóa văn nghệ với các thầy cô, sinh viên nhà trường...
“Sắc màu Cửu Long 2024” rực rỡ với 20 tranh của các họa sĩ Hội VHNT và 100 tranh, tượng của thầy cô và sinh viên Khoa Mỹ thuật công nghiệp. Dưới góc nhìn đa chiều, cảm nhận đặc biệt từ thế giới nội tâm phong phú, qua đường nét, màu sắc, bóng dáng con người, quê hương Vĩnh Long hiện lên và có cả khu vực ĐBSCL với các di tích lịch sử văn hóa, phong cảnh, làng nghề truyền thống, tranh chân dung... Có những chất liệu đáng chú ý như tranh khắc.
Theo TS Trịnh Hồng Lanh- Trưởng Khoa Mỹ thuật công nghiệp (Trường ĐH Cửu Long), những tác phẩm của các bạn năm nhất, năm hai đôi khi còn non trẻ, hồn nhiên, những nét vẽ này có thể mất đi sau 5-10 năm nữa nhưng lúc này các em thể hiện được chính tâm hồn mình. Qua trải nghiệm, rèn luyện, các em được thể hiện tài năng nghệ thuật và còn có cơ hội khẳng định mình trong tương lai. Thông qua những cuộc triển lãm làm cầu nối cho các em có bước tiến nhanh trên con đường nghệ thuật.
“Tôi mong muốn sắp tới, các em có cơ hội tham gia nhiều hơn, thể hiện danh lam thắng cảnh để quảng bá cho du lịch Vĩnh Long, đưa được nét đẹp gần gũi, chân thành của người Vĩnh Long thể hiện qua các tác phẩm mỹ thuật”- TS Trịnh Hồng Lanh gửi gắm.
Chắp cánh cho tài năng trẻ
Bạn Ngô Thị Thanh Tú (Khóa 24, Khoa Mỹ thuật công nghiệp) mang đến triển lãm bức tranh “Kim Tiên cổ tự”.
Tú chia sẻ: “Di tích ở gần nhà là hình ảnh của tuổi thơ và suốt quá trình mà em trưởng thành, em muốn vẽ lại ký ức tươi đẹp đó, thể hiện một góc nét đẹp của quê mình. Trong hành trình sáng tạo, học tập, trong cuộc sống, chúng em luôn dành sự tôn trọng sâu sắc và lòng biết ơn đối với những chia sẻ kinh nghiệm của thầy cô, của những họa sĩ đi trước, đó là động lực để chúng em phấn đấu hơn. Hội họa giúp em rèn luyện tư duy sáng tạo, hình thành gu thẩm mỹ và cảm nhận được nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là rèn sự tập trung, tỉ mỉ hơn”.
Có nhiều thời gian gắn bó, chia sẻ kiến thức với các học sinh, sinh viên, trong thời gian hướng dẫn cho các em, họa sĩ Nguyễn Lưu muốn xoáy sâu vào vấn đề văn hóa dân tộc, trong đó có di tích trong tỉnh, chuyến đi thực tế phong cảnh địa phương khu vực ĐBSCL thăm thú sông rạch, đền miếu… Những điều này nhắc cho các em truyền thống từng địa phương, giới thiệu cho bạn bè khắp nơi.
“Để chuẩn bị cho triển lãm, bố cục, ký họa ngoài trời mất thời gian đến 3 tháng nhưng các em nỗ lực làm ngày làm đêm. Qua các tác phẩm triển lãm có những tác phẩm có đầu tư, đạt giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, các em có thể tự tin gửi tác phẩm tham gia các cuộc triển lãm do Hội VHNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức; và cao hơn là có tác phẩm được chọn dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức hàng năm. Đây là những sân chơi tạo điều kiện tìm kiếm thế hệ kế thừa cho hoạt động mỹ thuật Vĩnh Long”- họa sĩ Nguyễn Lưu nói.
Ông Trần Văn Thắng khẳng định, “Sắc màu Cửu Long 2024” đánh dấu bước phát triển mới, là tiền đề cho các em sinh viên khẳng định mình, bắt đầu từ chuyên ngành đào tạo mỹ thuật công nghiệp tức là tạo dáng, tạo cái đẹp cho sản phẩm phục vụ cuộc sống để tự tin tham gia vào các hoạt động sáng tác trên lĩnh vực nghệ thuật tạo hình là đồ họa, điêu khắc, hội họa...
Bạn Ngô Thị Thanh Tú (giữa) cho rằng vẽ tranh giúp em tư duy sáng tạo, cảm nhận được nhiều lĩnh vực khác nhau. |
Phó Chủ tịch Hội VHNT hy vọng rằng sẽ có những họa sĩ tài ba trên lĩnh vực tạo hình đóng góp cho đời những tác phẩm nhằm tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Điều đó đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ và mỗi sinh viên mỹ thuật phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ