Có dịp vào tham quan các bảo tàng lớn trong nước như Bảo tàng Lịch sử Quân sự (Hà Nội); Bảo tàng Phòng không- Không quân (Hà Nội); Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh), cùng một số bảo tàng ở các địa phương,… thường thấy cảnh khách tham quan trong và ngoài nước thích thú khi được xem và chụp ảnh cùng với các loại vũ khí của Quân đội nhân dân Việt Nam và chiến lợi phẩm thu được của địch như máy bay, tên lửa, xe tăng, súng pháo…
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP Hồ Chí Minh được tiếp cận gần với các hiện vật trưng bày ngoài trời. Ảnh: TL |
(VLO) Có dịp vào tham quan các bảo tàng lớn trong nước như Bảo tàng Lịch sử Quân sự (Hà Nội); Bảo tàng Phòng không- Không quân (Hà Nội); Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh), cùng một số bảo tàng ở các địa phương,… thường thấy cảnh khách tham quan trong và ngoài nước thích thú khi được xem và chụp ảnh cùng với các loại vũ khí của Quân đội nhân dân Việt Nam và chiến lợi phẩm thu được của địch như máy bay, tên lửa, xe tăng, súng pháo… điều đáng chú ý là phần lớn các hiện vật đều được trưng bày ngoài trời, một số có mái che, nhưng không có hàng rào ngăn cách hiện vật với người xem.
Ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long khi du khách vào tham quan sẽ thấy 3 chiếc máy bay của Mỹ trang bị cho quân đội Sài Gòn mà quân giải phóng thu được tại sân bay Biên Hòa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975, gồm 1 chiếc trực thăng vũ trang UH-1A, 1 chiếc máy bay cường kích ném bom hạng nhẹ A-37B và 1 chiếc tiêm kích ném bom chiến thuật F-5A. Các chiếc máy bay này được Bảo tàng tỉnh Cửu Long (cũ) tiếp nhận vào tháng 12/1984.
Hàng rào tại khu trưng bày máy bay của Bảo tàng Vĩnh Long hiện nay làm cho khách tham quan khó tiếp cận hiện vật trưng bày cũng như đọc rõ các bảng thuyết minh.Ảnh: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long) |
Được biết, những người có công sưu tầm hiện vật, gồm ông Nguyễn Chiến Thắng (thường gọi là chú mười Sao Vàng)- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, thời điểm sưu tầm hiện vật ông là Trưởng ty Văn hóa Thông tin tỉnh Cửu Long; ông Bảy Sơn (quê xã Quới An, huyện Vũng Liêm)- cán bộ công tác tại sân bay Biên Hòa, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cửu Long và các đồng chí bên quân đội như Thiếu tướng Tô Ký- nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; Đại tá Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (quê huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)…
Hiện nay, 3 chiếc máy bay này được đặt ở phía sau khu nhà trưng bày của bảo tàng, trên một diện tích rộng có mái che để tránh nắng, gió mưa làm hư hỏng, xuống cấp hiện vật. Khi vào tham quan khu vực trưng bày máy bay, người viết thấy có mấy vấn đề cần góp ý
- Thứ nhất, việc bảo tàng cho dựng một hàng rào sắt kiên cố ngang tầm mắt (nhất là đối với trẻ em, người già, người khuyết tật), ngăn cách người tham quan tiếp xúc gần với những chiếc máy bay cũng như khó khăn trong việc đọc những dòng chữ nhỏ in trên bảng thuyết minh được đặt bên cạnh hiện vật với khoảng cách khá xa.
Trong khi đó xu hướng chung mà các bảo tàng hiện nay khi đưa hiện vật ra trưng bày thường chú ý đến là trưng bày theo xu hướng mở, linh hoạt, tính toán để khách tham quan được tiếp cận hiện vật gần hơn.
- Thứ hai, việc bảo quản, tu sửa, phục chế hiện vật, phải được thực hiện sớm và thường xuyên, đảm bảo về mỹ quan cũng như hiệu quả về lâu dài.
Song song đó là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động của bảo tàng như triển khai số hóa, tư liệu hóa hiện vật (du khách chỉ cần quét mã QR để xem nội dung thuyết minh), cũng như bố trí hệ thống camera giám sát an ninh.
Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu hiện vật về lịch sử tự nhiên và xã hội, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.
Để đáp ứng công tác trưng bày, bảo quản hiện vật như máy bay, xe tăng, súng pháo… chống sự hư hỏng, xuống cấp của hiện vật chiến tranh, đòi hỏi bảo tàng có đội ngũ cán bộ, nhân viên, kể cả chuyên gia có kinh nghiệm,…
Vì đây là những hiện vật rất có giá trị, là những vật chứng trong thời khắc trọng đại của đất nước, gắn với chiến công của quân dân ta trong kháng chiến, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bảo tàng Đồng Tháp thiết kế cầu thang sắt gần hiện vật phục vụ khách tham quan, chụp ảnh cùng máy bay. Ảnh: TL |
Nếu có dịp tham quan các bảo tàng trong nước có trưng bày các loại máy bay, xe tăng, súng pháo… như Bảo tàng Lịch sử quân sự; Bảo tàng Phòng không- Không quân; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bảo tàng các quân khu… và không đâu xa, kế bên tỉnh chúng ta là Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp sẽ thấy các hiện vật như máy bay Mig-17, trực thăng UH-1, xe pháo… đều được trưng bày ngoài trời.
Thậm chí bảo tàng còn thiết kế chiếc cầu thang sắt để du khách có thể dễ dàng bước lên chụp ảnh, được tiếp cận gần nhất với hiện vật, không có hàng rào ngăn cách giữa người xem với hiện vật.
Do đó, cần xem xét lại “hàng rào” ngăn cách giữa khách tham quan và hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan trong và ngoài nước được tiếp cận, tìm hiểu, chụp ảnh cùng với những chiếc máy bay- những hiện vật chiến tranh đã được bảo tàng trưng bày gần 40 năm qua, nhằm phát huy tốt nhất nhiệm vụ tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử, truyền thống chiến đấu anh dũng của các thế hệ cha ông, cũng là để tôn vinh công sức, tâm huyết của nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, của ngành văn hóa- thông tin, của Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long… đã có công sưu tầm, bảo quản, trưng bày các hiện vật chiến tranh quý mà không phải bảo tàng nào trong nước, trong khu vực ĐBSCL cũng có được những hiện vật như thế.
TRẦN THẮNG