Chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực văn hóa, trong đó có việc số hóa di sản văn hóa được ngành văn hóa-TT-DL xem là giải pháp tối ưu hóa khả năng lưu trữ, quản lý, bảo tồn, quảng bá, nâng tầm giá trị di sản theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện tỉnh đang tích cực CĐS để mang nhiều dịch vụ tiện ích cho độc giả, góp phần phát triển văn hóa đọc.
Số hóa trong hoạt động trưng bày để công chúng dễ dàng tìm hiểu di tích. |
Ứng dụng công nghệ 4.0 lưu giữ, quảng bá di sản
Đối với lĩnh vực bảo tàng, công nghệ thông tin đã trở thành một công cụ đắc lực trong công tác lưu trữ và quảng bá giá trị di sản về lịch sử- văn hóa. Số hóa di sản là mục tiêu mà Bảo tàng tỉnh hướng đến.
Tỉnh Vĩnh Long hiện đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, phong phú. Trong đó, có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có 69 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 13 di tích quốc gia và 56 di tích cấp tỉnh. Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ trên 27.000 tư liệu ảnh, hiện vật; có hàng trăm cổ vật với 1 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia đang được trưng bày phục vụ khách tham quan.
Bà Lê Ngọc Anh- Phó Giám đốc bảo tàng, cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác CĐS, Bảo tàng tỉnh luôn quan tâm, triển khai nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ, như tham mưu cho Sở Văn hóa-TT-DL tổ chức hội thảo giới thiệu giải pháp công nghệ CĐS trong lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch từng bước thực hiện nhiệm vụ số hóa 3D hiện vật, số hóa các chuyên đề ảnh; tiến hành lập hồ sơ, đăng ký kiểm kê khoa học tài liệu, hiện vật.
Hiện tại, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện chỉnh lý nội dung trưng bày tại 5 di tích: Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trưng bày để phục vụ công chúng đến tham quan.
Đặc biệt, hàng năm bảo tàng tổ chức các chương trình giáo dục thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để tạo nhiều hiệu ứng mang tính hấp dẫn, thu hút các em học sinh.
“Điều này tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa, tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và hưởng thụ văn hóa của thế hệ trẻ. Chương trình góp phần đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường, nhất là bộ môn lịch sử địa phương. Cung cấp cho học sinh những kiến thức về lịch sử, đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, phong tục tập quán… Nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của học sinh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa”- bà Lê Ngọc Anh chia sẻ.
Vừa qua, Tỉnh Đoàn phối hợp với Mobifone Vĩnh Long tổ chức lễ ra mắt công trình thanh niên “Số hóa Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa”. Anh Trần Công Khánh- Bí thư Tỉnh Đoàn, chia sẻ, số hóa khu lưu niệm là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tri ân những đóng góp to lớn của GS.VS Trần Đại Nghĩa; giúp thế hệ trẻ có thể tương tác và tham quan khu lưu niệm từ xa.
Cùng với đó, tuyên truyền, quảng bá những tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long theo hướng thông minh, đáp ứng xu thế mới của thời đại.
Phát triển văn hóa đọc
CĐS trong lĩnh vực thư viện là việc áp dụng công nghệ để xây dựng, phát triển nền tảng số, đồng thời tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, giúp người dân cùng tham gia góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu về thư viện và mạng lưới thư viện thông tin quốc gia.
Thời gian qua, hệ thống thư viện tỉnh tích cực CĐS để mang nhiều dịch vụ tiện ích cho độc giả trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin, phát triển văn hóa đọc. Theo Giám đốc Thư viện tỉnh- Nguyễn Thanh Nha, thư viện thường xuyên cập nhật website, hỗ trợ bạn đọc tra cứu mục lục điện tử trực tuyến Opac, tra cứu thư mục sách mới, tra cứu và đọc toàn văn trên thư viện ebook, đăng ký thẻ đọc trực tuyến trên website.
Phát triển các thư mục mới trên website như: radio sách, video sách, góc bạn đọc… đáp ứng nhu cầu đọc của người dân. Trong năm 2023, lượt truy cập website thư viện đạt hơn 3,5 triệu lượt (tăng 53,53% so với năm 2022). Facebook Thư viện tỉnh thu hút 59.464 lượt người tiếp cận, 18.061 lượt tương tác. Công tác số hóa tài liệu được quan tâm. Năm qua, Thư viện tỉnh thực hiện số hóa 251 tài liệu, tổng số 84.939 trang. Nâng tổng số sách được số hóa hiện có là 2.129 tên.
Thư viện ebook giúp các em học sinh dễ dàng tiếp cận kho tri thức khổng lồ. |
Đặc biệt, ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” với hơn 4.000 quyển sách và các trang thiết bị hiện đại như máy tính, máy chiếu, tài liệu điện tử, phần mềm phục vụ người khiếm thị… Qua gần 5 năm, hơn 120 chuyến xe thư viện lưu động lăn bánh, phục vụ hơn 84.100 lượt tài liệu và thu hút hơn 42.200 lượt bạn đọc.
Em Nguyễn Hoàng Hiếu Lợi (học sinh Trường Tiểu học Long Mỹ, huyện Mang Thít) chia sẻ: “Em rất vui và phấn khích khi có thể tìm đọc nhiều sách và tài liệu từ chuyến xe lưu động. Thích nhất là xem trình chiếu video clip, tra cứu tài liệu trên máy tính làm các bạn sôi nổi hơn, dễ tiếp thu kiến thức hơn”.
Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác số hóa dữ liệu lĩnh vực văn hóa, CĐS đạt hiệu quả, ngành văn hóa-TT-DL tỉnh nỗ lực tiếp tục tiến hành số hóa di sản văn hóa, bảo tàng, triển lãm; tuyên truyền, quảng bá, số hóa hoạt động thư viện, du lịch… CĐS là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ, mở ra nhiều cơ hội, quảng bá các giá trị văn hóa trên không gian mạng. Đây được xem là một bước tiến quan trọng đem lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, con người Vĩnh Long.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ