Chừng nào còn giữ được Tết cổ truyền với những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc thì chừng đó chúng ta mới phát triển bền vững, không bị hoà tan trong quá trình đổi mới, hội nhập.
Chừng nào còn giữ được Tết cổ truyền với những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc thì chừng đó chúng ta mới phát triển bền vững, không bị hoà tan trong quá trình đổi mới, hội nhập.
Tết Nguyên Đán là một phong tục đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Phong tục truyền thống này đã đồng hành cùng dân dân qua mấy nghìn năm lịch sử. Qua các thời kỳ, giai đoạn phát triển của đất nước, văn hoá Tết tuy có những thay đổi nhưng đều ẩn chứa trong đó những thông điệp, những nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc.
Khi đất nước hoà nhập, đổi mới, nhiều người đưa ra quan điểm cho rằng, cần phải gộp Tết Nguyên đán vào Tết Tây; hoặc bỏ hẳn Tết Nguyên đán. Vậy chúng ta có nên bỏ Tết Nguyên đán hay không?.
Phong tục gói bánh chưng ngày Tết. |
Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền. Tết Nguyên đán có từ bao giờ? Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào xác định chính xác thời gian, thời điểm bắt đầu của Tết Nguyên đán.
Các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định rằng, Tết là một phong tục có từ rất lâu đời và gắn bó, song hành cùng dân tộc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Tết là sự khởi đầu, Tết là đoàn viên, sum vầy. Tết là giải toả những lo toan, phiền muộn của năm cũ, để đón chào năm mới với nhiều niềm vui và hứng khởi.
Chính vì thế, chuyên gia nghiên cứu văn hoá, GS.TS Nguyễn Khắc Thuần cho rằng, trong văn hoá Tết của người Việt, luôn mang những điều tốt đẹp và hy vọng.
“Tết là người ta bỏ qua tất cả những điều không may và không hay của năm cũ. Cho nên, đây cũng là một trong những cách sống, cách dạy đời rất có ý nghĩa. Bởi vì, lòng lúc nào cũng nặng trĩu chuyện cũ thì rõ ràng, sang năm mới chúng ta khó có thể nghĩ được một cái gì mới mẻ và tốt đẹp.
Càng khó có thể nghĩ được một điều gì đó chứa đựng cái chất nhân văn và ý chí vươn tới của mỗi một con người” - GS.TS Nguyễn Khắc Thuần cho hay.
Văn hoá Tết đã gắn liền với dân tộc từ bao đời nay. Dù trong bối cảnh, giai đoạn nào, Tết vẫn mang những giá trị tinh thần to lớn. Vậy mà, trong những năm gần đây, xuất hiện một số ý kiến, quan điểm cho rằng, do nghỉ Tết kéo dài nên gây ra lãng phí, tốn kém.
Do Tết Cổ truyền của Việt Nam thực hiện theo lịch âm nên không hoà nhập với thế giới, vì đa phần các quốc gia trên thế giới đều tổ chức Tết theo lịch dương. Đây là ý kiến còn nghiêng nặng về vấn đề kinh tế mà bỏ qua một vế rất quan trọng đó là văn hoá.
Trước hết, chúng ta thấy rằng, Tết là một thời điểm rất quan trọng, đây cũng được coi là thời điểm vàng để phát triển văn hóa tiêu dùng của đất nước, là thời điểm để trao đổi hàng hóa vùng miền trên khắp cả nước.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này, để nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ để phục vụ Nhân dân đón Tết, vui Xuân, kích thích tiêu dùng hàng nội địa, tạo đà cho phát triển kinh tế. Do vậy, nếu nói rằng, Tết gây nên sự trì trệ trong phát triển kinh tế là chưa đúng.
Người dân đi mua sắm thời điểm trước Tết Nguyên đán. |
Tiến sĩ Nghiêm Thị Thu Nga, Viện Văn hoá và Phát triển cho rằng, gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch đó là tư duy máy móc, cơ học, cắt ghép một cách giáo điều. Điều quan trọng nhất là tổ chức Tết như thế nào chứ không phải là bỏ Tết hay gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch.
“Nếu nói rằng, câu chuyện tiết kiệm chi phí để mà bỏ Tết thì không phải. Nếu chúng ta sống những ngày Tết, chúng ta ăn Tết một cách có ý nghĩa, hướng về nguồn cội, về ông bà, tổ tiên, về quê hương, bản quán thì đó là nét đẹp.
Ngày Tết là dịp để nghỉ ngơi, để lấy lại năng lượng tinh thần, ngày Tết là dịp để giao lưu, gặp gỡ bạn bè, người thân. Bởi vậy, Tết là một dịp rất ý nghĩa mà chúng ta cần giữ gìn” - TS Nghiêm Thị Thu Nga bày tỏ.
Có thể nói, Tết là nét đẹp văn hóa thời gian của dân tộc Việt Nam. Hàng nghìn năm qua, mỗi dịp Tết đến xuân về, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam đều liên tưởng đến sự đoàn viên, xum họp bên gia đình và người thân, nhớ về cội nguồn tổ tiên. Đó là vẻ đẹp trong đạo lý nghĩa tình của người dân Việt Nam.
Tết là dịp chúng ta nhớ về công lao của tổ tiên ông cha, nhớ về quê hương đất nước, mong ước một năm mới tốt lành. Do vậy, Tết cũng là biểu hiện tinh thần lạc quan của người Việt, luôn luôn hướng tới tương lai, luôn luôn giành tặng cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Vì thế, theo chuyên gia nghiên cứu văn hoá, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta cần bảo đảm cân bằng, hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hoá. Và chừng nào còn giữ được những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chúng ta mới phát triền bền vững, không bị hoà tan trong quá trình đổi mới, hội nhập.
“Chừng nào còn bảo tồn, còn giữ được Tết Nguyên Đán thì chúng ta vẫn giữ được linh hồn trong đời sống văn hóa tinh thần. Còn nếu như bỏ Tết Nguyên Đán theo Tết Dương lịch, thì nó mất đi ý nghĩa truyền thống văn hóa dân tộc.
Có thể là đất nước sẽ hòa nhập vào sự phát triển hiện đại, rồi hòa nhịp chung thế giới nhưng rõ ràng là các yếu tố văn hóa truyền thống sẽ mất đi. Vì dân Việt Nam sẽ không ai gói bánh chưng Tết Dương lịch” - TS Đinh Đức Tiến cho hay.
Kiều bào về quê ăn Tết tại sân bay Tân Sơn Nhất - TP.HCM (Ảnh: Báo Người Lao động) |
Văn hoá chính là tấm thẻ căn cước của mỗi quốc gia, dân tộc. Nếu không giữ được bản sắc văn hoá, chúng ta sẽ tự đánh mất mình. Vì thế, cần phải giữ và bảo truyền Tết Nguyên đán, tổ chức Tết, thực hành Tết phù hợp với bối cảnh mới của đất nước.
Vừa tiết kiệm, an toàn, vừa toát lên nét đẹp nhân văn, nghĩa tình của dân tộc. Có như vậy Tết Nguyên đán mới thực sự có ý nghĩa và phù hợp với xã hội hiện đại.
Mới đây, Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên Hợp Quốc. Theo đó, Liên Hợp Quốc khuyến khích các cơ quan Liên Hợp Quốc không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.
Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông, là kết quả quá trình phối hợp vận động của các nước tại Liên Hợp Quốc, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.
Như vậy, có lẽ chúng ta cũng không cần bàn luận thêm về việc cần phải bỏ hay gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch nữa. Và sự tôn vinh, ghi nhận của Liên Hợp Quốc, chính là cơ sở vững chắc, để chúng ta tiếp tục giữ gìn và trao truyền những nét đẹp văn hoá Tết Cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Theo Trường Giang/Phát thanh QĐND/VOV