Cách đây 70 năm, sau 56 ngày đêm bao vây tấn công, quân đội ta đã tiêu diệt gọn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp, tạo ra bước ngoặt quân sự quyết định chiến trường, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève về hòa bình tại Việt Nam.
(VLO) Cách đây 70 năm, sau 56 ngày đêm bao vây tấn công, quân đội ta đã tiêu diệt gọn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp, tạo ra bước ngoặt quân sự quyết định chiến trường, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève về hòa bình tại Việt Nam. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự cộng hưởng của sức mạnh dân tộc và thời đại, là một trong những chiến công chói lọi, là kết quả của sự hội tụ nhiều nhân tố, trong đó có trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.
Quân ta cắm cờ trên nóc hầm Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. |
Nguyên nhân dẫn đến Chiến dịch Điện Biên Phủ
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, với sự tiếp sức của quân Anh, quân Pháp tái xâm lược nước ta với âm mưu thôn tính Việt Nam lâu dài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta khắp 3 miền tiếp tục quật cường đánh Pháp quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được.
Những năm từ 1947-1953, quân và dân ta ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam liên tiếp giành nhiều thắng lợi quan trọng, nhất là trong các chiến dịch Việt Bắc- Thu Đông (1947), chiến dịch Cầu Kè, Nam Bộ (1949), chiến dịch Biên giới Việt- Trung (1950)… làm cho cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương ngày càng chuyển biến có lợi cho ta, tạo ra thế bất lợi đối với quân Pháp.
Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược quan trọng. Điện Biên Phủ (nay thuộc tỉnh Điện Biên) là một thung lũng lòng chảo rộng lớn, có vị trí chiến lược then chốt ở Đông Dương nên Pháp cố nắm giữ.
Dựa vào viện trợ của Mỹ, Pháp chủ trương xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương với 49 cứ điểm, 16.200 quân lính gồm 12 tiểu đoàn, 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội vận tải, 1 đại đội tăng M24, có cả sân bay với một phi đội 12 máy bay thường trực.
Mục tiêu của Pháp là để bảo vệ phía Tây Bắc- Thượng Lào và nhằm phá vỡ kế hoạch tiến công Đông Xuân của ta thu hút quân ta tiến đánh để tiêu diệt. Pháp huênh hoang và cho rằng Điện Biên Phủ là “pháo đài khổng lồ không thể công phá” và “bất khả xâm phạm” tại Đông Dương.
Về phía ta, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy, Đảng ủy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.
Ta huy động là 55.000 quân chủ lực, hơn 260.000 người thuộc lực lượng dân công, thanh niên xung phong, và các lực lượng khác đã tham gia chiến dịch, trên tinh thần tất cả tập trung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tranh tái hiện cảnh dân công vận chuyển đạn, lương thực, thực phẩm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Internet |
Quân và dân các tỉnh Bắc Bộ đã huy động 22.000 xe đạp thồ, 11.800 thuyền bè, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ, xe trâu, một đội ô tô 628 chiếc… vận chuyển 30.759 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân dụng… để phục vụ chiến dịch.
Ngày 25/1/1954, các đơn vị bộ đội của ta đã ở vị trí tập kết và sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh”.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ thực địa chiến trường, so sánh lực lượng nhận thấy quân Pháp đã tăng cường lực lượng và bố trí phòng ngự vững chắc, nếu đánh nhanh có thể không chắc thắng, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã đưa ra quyết định đúng đắn: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, thắng chắc”.
Đầu tháng 3/1954, công tác chuẩn bị của ta đã hoàn tất, đêm 13/3/1954 quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ.
Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến dịch tấn công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân ta tiến hành bằng 3 đợt:
Đợt 1, từ ngày 13-17/3/1954. Quân ta đã dũng cảm, mưu trí tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bứt hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của cứ điểm Điện Biên Phủ. Tiêu diệt và bắt sống trên 2.000 quân địch, xóa sổ 1 trung đoàn, phá hủy 25 máy bay, uy hiếp sân bay Mường Thanh.
Chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ- Trung tá Charles Piroth, thua đau trước pháo binh của ta nên đã dùng lựu đạn tự sát sáng sớm ngày 15/3. Trước đó, khi Tướng Navarre, Tổng Chỉ huy quân Pháp tại Việt Nam tới thị sát cứ điểm Điện Biên Phủ, Trung tá Piroth đã khẳng định với Tướng Navarre rằng: “Không khẩu pháo nào của Việt Minh có khả năng bắn 3 loạt mà không bị phát hiện” và hứa có thể dễ dàng làm câm họng pháo của đối phương.
Đợt 2, từ ngày 30/3-30/4/1954. Quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công uy hiếp sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.
Tướng Navarre hy vọng đến mùa mưa ta buộc phải giảm tấn công thậm chí tháo vòng vây, nhưng chúng lầm. Đây là đợt tấn công dai dẳng, quyết liệt nhất, dài ngày nhất, cam go nhất, ta và địch giành giật nhau từng đoạn giao thông hào và từng mét đất. Đặc biệt, tại đồi C1 quân ta và quân Pháp đã giằng co đánh nhau tới 20 ngày, tại đồi A1 đã giằng co tới 30 ngày.
Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn của các loại pháo của quân ta, quân Pháp rơi vào tình trạng bị động và tinh thần chiến đấu giảm xuống rõ rệt.
Đợt 3, từ ngày 1-7/5/1954, quân ta tổ chức đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng tiến công tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đêm ngày 6/5/1954, tại đồi A1, trận chiến đấu giữa quân ta và quân địch diễn ra rất quyết liệt, quân ta dũng cảm xông lên đã tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ để phá các hầm ngầm. Tên chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải xin đầu hàng.
Vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, quân ta đã chiếm sở chỉ huy của địch, Thiếu tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Chỉ huy và binh lính Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải xin đầu hàng quân ta.
Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của Tướng De Castries. Và ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh không cho địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ thì tất cả toàn bộ quân Pháp tại Điện Biên Phủ đã bị quân ta bắt sống.
Di tích hố bộc phá quân ta tạo ra khi tấn công đồi A1 đồng thời cũng là tiếng nổ mở màn Chiến dịch Điện Biên phủ. Ảnh: Hoàng Khải |
Như vậy, trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, với mưa dầm, cơm vắt…”, bằng sự chuẩn bị chiến trường kỹ lưỡng, chu đáo, sự tập trung lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, bằng quyết tâm cao độ; triệt để thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ- một pháo đài mà thực dân Pháp khẳng định là “pháo đài khổng lồ không thể công phá” và “bất khả xâm phạm”.
Tổng số lực lượng địch bị tiêu diệt và bắt sống là 16.200 tên. Số sĩ quan, hạ sĩ của địch bị tiêu diệt và bắt sống 1.766 tên. Bắn rơi và phá hủy 57 chiếc.
Quân ta thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đó có 28 khẩu pháo, 64 xe, 5.915 súng các loại, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y cùng rất nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng. Giải phóng được một vùng rộng lớn.
Ý nghĩa lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thu được thắng lợi vĩ đại là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của tinh thần chiến đấu tích cực và anh dũng, tinh thần chịu đựng gian khổ và sự trưởng thành vượt bậc của toàn thể cán bộ chiến sĩ, dân công trên mặt trận Điện Biên Phủ, do sự phối hợp hoạt động của các lực lượng vũ trang và Nhân dân trên các chiến trường toàn quốc.
Và với chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi bước đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên 1/2 đất nước ta và các nước bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám.
Từ một nửa đất nước được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để Nhân dân ta cả hai miền Nam Bắc tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975, hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
HOÀNG KHẢI (Theo Bảo tàng Lịch sử tỉnh Điện Biên)