Vĩnh Long được mệnh danh là vùng đất "Địa linh nhân kiệt" cũng là một trong những tỉnh có phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) khá sớm.
Vĩnh Long được mệnh danh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” cũng là một trong những tỉnh có phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) khá sớm.
|
Tiết mục tại Hội thi Đờn ca tài tử- cải lương huyện Long Hồ. |
Có nhiều thế hệ nghệ nhân tài tử đã đóng góp công sức rất lớn cho âm nhạc tài tử cũng như sân khấu cải lương như ông Tống Hữu Định (1869-1932) là người có công sáng kiến “Ca ra bộ” mở đầu cho sân khấu cải lương; ông Trần Quang Quờn (1875-1946), là người có sở trường đặt bài ca tài tử, san định nhạc lý, sáng tác bài ca “Bá Lý Hề” theo điệu Tứ Đại Oán; ông Trương Duy Toản (1885-1957), là người có công đặt nhiều bài ca ái quốc và soạn nhiều tuồng tích cho các đoàn cải lương mới thành lập ban đầu (1917-1922).
Các nghệ sĩ nhân dân: Ba Du, Út Trà Ôn, Thành Tôn, Lệ Thủy; nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan, Thanh Hương, Trường Xuân, Thành Lộc có nhiều đóng góp cho nghệ thuật ĐCTT và sân khấu cải lương.
Trải qua những thăng trầm biến đổi của xã hội nhưng ĐCTT ở Nam Bộ nói chung, Vĩnh Long nói riêng vẫn được lưu truyền và có một sức sống bền bỉ trong sinh hoạt văn hóa của dân cư vùng sông nước. Vĩnh Long đang trên đà phát triển và hội nhập.
Đời sống vật chất của người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cần phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.
Việc chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, văn hóa truyền thống nhằm bổ sung, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam là không thể thiếu, trong đó, loại hình nghệ thuật ĐCTT một giá trị văn hóa phi vật thể rất độc đáo của vùng Nam Bộ cần phải được bảo tồn và phát huy.
Nhằm giữ gìn và phát huy nghệ thuật ĐCTT trong đời sống văn hóa người Vĩnh Long, sau 10 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở Văn hóa-TT-DL đã nỗ lực xây dựng các kế hoạch như thành lập Ban Chủ nhiệm CLB ĐCTT cấp tỉnh, tổ chức quản lý phong trào ĐCTT địa phương, tạo điều kiện về kinh phí bảo tồn và phát huy.
Thực hiện các biện pháp phù hợp như củng cố tổ chức quản lý, hội thi, hội diễn, giao lưu ĐCTT… Xây dựng chương trình giảng dạy các bài bản ĐCTT cơ bản cho các học viên là nghệ nhân tài tử ở cơ sở.
Các địa phương củng cố, thành lập, duy trì sinh hoạt các CLB ĐCTT. Từ đó, sinh hoạt ĐCTT ở khắp nơi trong tỉnh trở nên sôi nổi, phong phú, hấp dẫn. Việc thành lập các CLB ĐCTT còn được xếp vào các chỉ tiêu hoạt động văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Hiện tại toàn tỉnh có gần 900 CLB ĐCTT và trên 1.500 nghệ nhân tài tử đang sinh hoạt. Con số ước tính khá nhiều nhưng chất lượng sinh hoạt cần phải được rà soát đúng thực trạng.
Thực tế cho thấy hoạt động của phong trào ĐCTT Vĩnh Long vẫn là các ban, nhóm, CLB riêng lẻ, hoạt động theo sự đam mê theo thói quen, nhận thức về nghệ thuật ĐCTT phần lớn chỉ là thông qua kinh nghiệm, truyền nghề từ người này sang người khác.
Do đó, đã làm hạn chế về mặt chất lượng việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT trong cộng đồng dân cư nhất là đối tượng kế thừa.
Người Vĩnh Long rất yêu thích ĐCTT, vì vậy phong trào ĐCTT được sinh hoạt ở khắp mọi nơi, từ nông thôn cho đến thành thị, đi đến cơ sở địa phương nào chúng ta đều nghe đờn ca trong những lễ hội, đình đám, tiệc tùng…
Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế, sự đòi hỏi cao về nghệ thuật trong mỗi loại hình hoạt động văn hóa mà loại hình nghệ thuật ĐCTT cần phải giữ gìn và phát huy toàn bộ giá trị di sản trong đời sống văn hóa của người dân.
Nghệ thuật ĐCTT cũng cần được duy trì chính thống dưới dạng thính phòng. Bởi lẽ chơi nhạc tài tử dưới dạng thính phòng mới thể hiện hết được tài năng, cao, thấp giữa các nghệ nhân và tài tử, đồng thời sẽ giữ gìn và nâng cao được nghệ thuật qua các bài bản tài tử, vì nó có phạm vi hẹp trong một không gian nhất định, ít người, dễ trao đổi và thưởng thức được trọn vẹn những âm thanh trong nghệ thuật ĐCTT.
Người tham gia chơi ĐCTT ít nhất cũng phải học 20 bài bản tổ và phải có sự “tự hưởng”, sáng tạo theo phong cách tài tử. Người chơi ĐCTT là do sở thích mong muốn giúp vui. Vì vậy, nên họ thường chơi ở dạng thính phòng (chơi sa-lông). Trong cuộc chơi, người chơi chủ yếu là để trình diễn “ngón đờn, lời ca”. Chỉ một nhóm người cùng nghe, theo lối tri âm, tri kỷ.
Song song đó, ĐCTT phải được gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa của cộng đồng. Cần có một bộ phận nghệ nhân, tài tử sưu tập, phân loại hệ thống bài bản nhạc tài tử chính thống. Vì hiện nay, sách ghi chép của các bản đờn, bài ca còn rất ít ỏi ở nơi này, nơi khác còn có sự khác nhau.
Vì vậy, cần phải tổ chức sưu tập phân loại có hệ thống những bản nhạc tài tử theo từng bài bản cụ thể như: 3 nam, 6 bắc, 7 bài, 4 oán...
Biên soạn in thành sách để làm cơ sở về kiến thức nhiều bài bản nhạc tài tử, đồng thời phổ biến cho các nghệ nhân tài tử, các CLB trong tỉnh, truyền nghề cho các thế hệ tiếp theo. Nói như TS Mai Hoàng Duyên: “Bài bản ĐCTT cải lương đâu chỉ gói gọn trong 20 bản tổ, còn rất nhiều bài bản. Chúng ta cần truyền dạy cho các tài tử từ thấp đến cao”.
Ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật lưu trữ nhạc tài tử bằng nhiều hình thức như làm phim tư liệu về sinh hoạt ĐCTT ở các huyện, thị, các CLB, các nghệ nhân, tài tử…
Ghi âm những bản đờn, bài ca của các nghệ nhân tài tử, chụp ảnh các nhóm, CLB nhằm lưu trữ làm tư liệu cho loại hình nghệ thuật ĐCTT ở các địa phương trong tỉnh. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các CLB, các nghệ nhân về kinh phí để nuôi dưỡng, giữ gìn và phát huy giá trị chân thực của nghệ thuật ĐCTT.
Trong cuộc vận động xây dựng phong trào văn hóa ở cơ sở cần tổ chức cho các nhóm, CLB ĐCTT ở từng khóm, ấp tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho mọi tầng lớp Nhân dân tham gia.
Hoạt động ĐCTT theo hình thức dân dã, sẽ thu hút được đông đảo mọi người vào nhóm, CLB cùng đờn, ca, qua đó sẽ phổ biến kiến thức về ĐCTT cũng như khuyến khích sáng tạo, sáng tác những lời ca mới trên cơ bản âm nhạc truyền thống sẵn có.
Hàng năm, về mặt quản lý cần phải tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi giao lưu, hội thảo về nghệ thuật ĐCTT ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhằm tạo điều kiện cho các nghệ nhân tài tử phát huy tài năng của mình, đồng thời để cho họ gặp gỡ giao lưu, trao đổi nghệ thuật.
Thông qua đó, giúp thẩm định sàng lọc giá trị của từng tác phẩm mà các nghệ nhân tài tử thể hiện trong sự sáng tạo cá nhân, chọn lựa những tài năng làm hạt giống cho phong trào ĐCTT tỉnh nhà và tham gia các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu cấp khu vực và quốc tế.
Song hành với hai hình thức truyền nghề: truyền nghề và sự căn bản. Hàng năm mở các lớp ĐCTT tại các trung tâm văn hóa nghệ thuật, biên soạn chương trình giảng dạy 20 bài, bản (bản tổ) của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, mời các nhạc sư, nghệ nhân có khả năng truyền đạt kiến thức và thực hành ĐCTT cho các thành viên yêu thích ở trong tỉnh, khuyến khích các nghệ nhân tài tử ở các cơ sở truyền nghề cho các em, cháu có năng khiếu, tài năng ca hát, nhằm phát huy tốt phong trào và nghệ thuật ĐCTT.
Có như thế mới đảm bảo được sự giữ gìn và phát huy một giá trị độc đáo của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, một tài sản về nghệ thuật vô cùng quý giá trong vườn hoa nghệ thuật không những ở Vĩnh Long mà còn cho cả dân tộc.
Sau khi được vinh danh, nghệ thuật ĐCTT ở Vĩnh Long không những phát huy tốt ở các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, lễ hội, giao lưu trên từng địa bàn mà còn đáp ứng thị hiếu của du khách trong, ngoài nước đến Vĩnh Long.
Tổ chức tốt các CLB, nhóm ĐCTT hoạt động thường xuyên cũng nhằm mục đích khai thác, bảo tồn một loại hình âm nhạc dân tộc, một di sản văn hóa phi vật thể cần phải được giữ gìn và phát huy, đồng thời đây cũng là môi trường tốt nhất để khai thác tuyển chọn, đào tạo lực lượng kế thừa để phát triển phong trào ở địa phương. Sinh hoạt ĐCTT không những là sân chơi bổ ích mà còn là một hoạt động văn hóa đáp ứng được nhu cầu giải trí tại chỗ cho nông dân, cộng đồng dân cư.
Loại hình nghệ thuật ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể có giá trị độc đáo trong đời sống văn hóa Nam Bộ nói chung, người Vĩnh Long nói riêng cần phải được bảo tồn và phát huy.
Muốn vậy, Đảng và Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với những nghệ nhân tài tử “truyền nghề truyền ngón” về vật chất, cũng như các tác giả viết lời mới cho nghệ thuật ĐCTT.
Cụ thể trích một phần kinh phí trong hoạt động sự nghiệp văn hóa để tạo cho các CLB từ các ấp, xã văn hóa có điều kiện tốt trong hoạt động ĐCTT, thúc đẩy phong trào; định kỳ nên tổ chức giao lưu, liên hoan nghệ thuật ĐCTT tại các cụm (trung tâm văn hóa- học tập cộng dồng; khu văn hóa thể thao; nhà văn hóa) nhằm tạo sức mạnh, sự lan tỏa của phong trào trên phạm vi toàn tỉnh.
Các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm sâu sát với phong trào văn hóa văn nghệ, đặc biệt là loại hình ĐCTT ở cơ sở, nhằm giữ gìn và phát huy tốt âm nhạc truyền thống dân tộc, một giá trị văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của người Nam Bộ nói chung, người dân Vĩnh Long nói riêng sẽ đóng góp sự trong sáng của loại hình nghệ thuật ĐCTT vào kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, xứng danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.