
"Mai kia tóc trắng mây trời/ Tuổi anh sâu nặng một đời trong em". Hai câu thơ trên chính là niềm ước ao, khao khát của nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ thuở sinh thời, muốn được cùng "anh" là Hoàng Phủ Ngọc Tường- người chồng mà Lâm Thị Mỹ Dạ từng sẵn sàng "cho anh tựa vào"- gắn bó trọn đời, không thể nào chia cách.
Về miền mây trắng…
“Mai kia tóc trắng mây trời
Tuổi anh sâu nặng một đời trong em”
Hai câu thơ trên chính là niềm ước ao, khao khát của nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ thuở sinh thời, muốn được cùng “anh” là Hoàng Phủ Ngọc Tường- người chồng mà Lâm Thị Mỹ Dạ từng sẵn sàng “cho anh tựa vào”- gắn bó trọn đời, không thể nào chia cách.
![]() |
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, ảnh chụp năm 2020. Ảnh: TTO |
Ngày 6/7/2023, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã kết thúc phần đời bé nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa của mình. Và sau đó không lâu, ngày 24/7/2023, người chồng của bà là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã an nhiên cùng bà về với miền mây trắng.
Hiếm thấy trong làng văn chương Việt Nam những cặp vợ chồng cùng nắm tay rời xa cõi tạm trong một khoảng thời gian không xa, trong số ít ỏi đó có Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ cùng ra đi năm 1988.
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937, tại TP Huế. Quê ông ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Ông tốt nghiệp ĐH Sư phạm Sài Gòn, nhận bằng cử nhân Văn khoa tại ĐH Huế. Khi còn là sinh viên và sau này là một giáo viên dạy học tại Trường Quốc học Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường tích cực tham gia các phong trào yêu nước chống Mỹ- ngụy.
Sau năm 1975, ông chuyên tâm công tác, hoạt động trên lĩnh vực văn nghệ tại Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, một người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, am tường trên nhiều lĩnh vực và có phong cách nghệ thuật vô cùng độc đáo.
Nếu như vợ ông, bà Lâm Thị Mỹ Dạ chuyên về thơ ca và để lại trong lòng người yêu thơ những vần thơ trữ tình, đầy nữ tính, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại chuyên về văn xuôi, có sở trường ở thể bút ký, tùy bút.
Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đậm yếu tố văn hóa, đặc biệt là những nét văn hóa độc đáo, cổ truyền được gìn giữ, bảo lưu tại mảnh đất đầy trầm tích Huế.
Nhà văn của những dòng sông đẹp
Gọi Hoàng Phủ Ngọc Tường là “nhà văn của những dòng sông” bởi lẽ sông nước đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho Hoàng Phủ Ngọc Tường, thôi thúc ông cầm bút sáng tác.
Dòng sông trên khắp đất nước, đi vào trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã trở thành những hình tượng nghệ thuật trác tuyệt, được thể hiện bằng vốn tri thức và chất lãng tử, nghệ sĩ, lối hành văn hướng nội, mê đắm, súc tích và tài hoa của ông.
Nhà văn đã từng có một trải nghiệm rằng, “dòng sông là nơi mang nhiều yếu tố văn hóa của con người, vùng đất nơi sông chảy qua”.
Rõ ràng, Hoàng Phủ Ngọc Tường rất chú trọng bản sắc văn hóa của từng vùng miền, rộng hơn là của dân tộc, của đất nước.
Cũng phải thôi, tận cùng cốt tủy của một dân tộc là văn hóa, văn hiến, đó cũng chính là niềm tự hào của mỗi công dân.
Yếu tố văn hóa đã chi phối ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường để khi bước vào thế giới văn xuôi của ông, độc giả sẽ hiểu rộng hơn hoặc có thêm những tri thức mới về văn hóa mà nhà văn đã nỗ lực cung cấp bằng vốn kiến thức đáng ngưỡng mộ của ông.
Việt Nam có rất nhiều dòng sông đẹp, hùng tráng trong lịch sử, từng ngày từng giờ bồi đắp văn hóa cho xứ sở, quê hương.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng lẫn văn nghệ của mình, đi đến đâu, Hoàng Phủ Ngọc Tường chú ý những dòng sông đến đó.
Ra Hà Nội- thủ đô ngàn năm văn hiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường đứng lặng bên dòng sông Hồng để ngắm nhìn vẻ đẹp của con sông đỏ ngầu cuộn chảy giữa lòng Hà Nội, nhà văn nhận ra: “Sông Hồng như một mạch máu lớn nuôi sống thủ đô”.
Về vùng đất “Chín rồng”- Cửu Long Giang trù phú, con người hồn hậu, nghĩa tình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mở rộng tâm hồn để đón nhận những vẻ đẹp rất đỗi dung dị, chất phác của nơi đây.
Nhà văn tâm sự: “Dòng sông không chỉ dân dã, nồng hậu như thế, mà còn có những khoảng lặng, như một chiều đến ngã ba sông, tôi bắt gặp hình ảnh người mẹ vừa cho con bú, vừa bán hàng trên chợ nổi giữa vùng sông nước mênh mông”.
Về thăm Quảng Trị, ngắm dòng Bến Hải lịch sử, từng là vĩ tuyến thứ 17 chia cắt đất nước thành hai miền Nam- Bắc suốt hai mươi năm ròng, chứng kiến những đau thương tan đàn xẻ nghé của dân tộc, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lặng người đi.
Một ký ức năm nào bất chợt dội về trong tâm trí của ông: “Khi tôi hỏi mẹ, mẹ nói rằng con mẹ đã hy sinh trên dòng sông này nên mẹ căm thù lũ giặc cướp nước”...
Và tất nhiên, sông Hương ở Huế- nơi quê hương yêu dấu của Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng sông mà nhà văn một đời tri ân, mang nặng nghĩa tình và lòng biết ơn son sắt- không thể không đi vào văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường được.
Bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” ra đời năm 1981, được lựa chọn đưa vào chương trình Ngữ văn 12, từng xuất hiện nhiều lần trong các đề thi tốt nghiệp, CĐ, ĐH.
Có thể xem tác phẩm này là áng văn đẹp nhất đời của Hoàng Phủ Ngọc Tường, chẳng những vì chất trí tuệ của bút ký mà còn bởi những kỷ niệm dung dị, hiền lành với sông Hương trong tâm khảm Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Ông chia sẻ: “Ngoài những giờ lên lớp, mỗi ngày tôi đều tắm sông cùng với nhóm bạn học, ngày nào không ra sông lại thấy hụt hẫng như thiếu một điều gì đó”.
Xứ Huế chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Ngày đó những đêm ca Huế không sân khấu đèn màu, không micro, người nghe ngồi bệt dưới nền đất để thưởng thức âm nhạc...
Những kỷ niệm dung dị đó đã ám ảnh suốt những năm tháng tôi xa sông Hương sau này, để bài ký đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của tôi là con sông quê hương”.
“Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước”.
Đó là những dòng viết đầy tự hào về con sông chảy ngang qua đất cố đô, trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.
Viết về sông Hương, về Huế thì có rất nhiều tác phẩm, nhưng có lẽ “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường có một vẻ đẹp riêng, một cái hay riêng, có sức tác động vào cảm xúc độc giả, khiến mỗi người- dù là người xứ Huế hay chưa một lần đặt chân đến Huế- cũng đem lòng yêu mến sông Hương và nhận ra những vẻ đẹp được sinh thành và trường tồn bên đôi bờ con sông huyền thoại.
Nhắc đến Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhắc đến Huế, đến dòng Hương Giang thơ mộng êm đềm. Viết về Huế là một cách để nhà văn thể hiện niềm biết ơn quê hương đã bồi đắp tâm hồn văn chương cho ông, là tình yêu đậm sâu, là tấm lòng gắn bó thiết tha với cội nguồn xứ sở...
... và sẽ vĩnh hằng trong sóng nước quê hương
Những năm tháng sống và cống hiến cho cách mạng, cho văn chương Việt Nam, đưa văn học nước nhà lên một tầm cao mới; những ngày đớn đau và mỏi mệt khi “Đời bất chợt thác ghềnh ào trút xuống/ Vùi lấp anh- cơn bạo bệnh kinh hoàng” (thơ Lâm Thị Mỹ Dạ) của Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ giờ đã kết thúc.
Tháng 7/2023, đôi chim đã vỗ cánh bay về miền mây trắng, bay về núi Ngự, sông Hương- một sự ra đi để lại nhiều luyến thương, tiếc nhớ trong lòng người ở lại nhưng lại vô cùng thanh thản, yên bình đối với người ra đi.
Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ- hai cây bút đầy tài năng, nhiệt huyết đã vĩnh viễn hòa hồn mình vào sóng nước quê hương. Bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” và nhiều tác phẩm khác của Hoàng Phủ Ngọc Tường chắc hẳn sẽ còn sống mãi trong tâm trí của người đọc và hằn in trong lòng bao thế hệ học trò bởi chất trí tuệ và tính trữ tình, nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều của nhà văn.
Trong bài thơ “Bồng bềnh cho tới mai sau”, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ/ Bồng bềnh mà vẫn theo nhau/ Anh với em ừ thì cũng lạ/ Bồng bềnh cho tới mai sau”.
Có lẽ kể từ đây, “anh” và “em”, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ mãi mãi “bồng bềnh” trong niềm nhớ thương, ngưỡng vọng của những người còn sống...
ThS PHẠM KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin