Giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống trong gia đình Việt Nam

05:06, 28/06/2023

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người, bảo toàn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam là sự kết tinh của văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc.  Ảnh: VINH HIỂN
Giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam là sự kết tinh của văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc. Ảnh: VINH HIỂN

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người, bảo toàn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong những năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo việc xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tại Đại hội VIII, Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.

Trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.

Đặc biệt, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị đã khẳng định: “Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.

Xuất phát từ những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bao đời nay, gia đình truyền thống Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như: tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận trong quan hệ vợ chồng; kính trên nhường dưới, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo trong mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con cháu; hòa thuận, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong quan hệ anh, chị, em; trọng tình nghĩa, sống chan hòa trong tình làng, nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”, “lá lành đùm lá rách”; hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động...

Các giá trị này không ngừng được bồi đắp, gìn giữ, phát huy và lan tỏa. Nhờ vậy, gia đình trở thành khối vững chắc, là hạt nhân quan trọng trong xã hội; là sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, là động lực để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập và sự đa dạng văn hóa,… giá trị truyền thống của gia đình cũng không tránh khỏi những biến đổi; một số giá trị truyền thống trong gia đình đang bị mai một và biến dạng; mối quan hệ giữa các thành viên trong một số gia đình đang trở nên lỏng lẻo và thiếu gắn kết: sự thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận vợ chồng có biểu hiện suy giảm; quan hệ hôn nhân của một số gia đình trẻ trở nên dễ vỡ, do bị chi phối bởi lối sống cởi mở, thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất, làm cho tỷ lệ ly hôn có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây.

Mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu có biểu hiện thiếu gắn kết, không ít người làm cha, làm mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm, không chăm lo cho thế hệ tương lai và cũng có không ít nghịch cảnh con cháu thiếu trách nhiệm với cha mẹ, ông bà, bất hiếu, bất nghĩa.

Quan hệ anh em cũng nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp, có khi chỉ vì đồng tiền, lợi ích mà đánh mất tình nghĩa anh em ruột thịt. Do những tính toán thiệt hơn, vun vén lợi ích cá nhân đã làm cho tình làng, nghĩa xóm có phần giảm sút...

Gia đình là một trong những môi trường quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức, tác phong, nền nếp sinh hoạt của mỗi cá nhân. Để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống trong phát triển và xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ đổi mới, thiết nghĩ cần phải:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam. Cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền giáo dục để mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội nhận thức đúng đắn về vai trò của đạo đức gia đình, những nét đẹp của đạo đức truyền thống trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người.

Đặc biệt, cần chú trọng giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị đạo đức truyền thống, gia phong và văn hóa ứng xử trong gia đình giúp họ thấy được sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, cho họ nền tảng để rèn giũa phẩm chất đạo đức của bản thân.

Hai là, đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu, tiếp thu những giá trị tiến bộ, hiện đại. Trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay cần thực hiện hôn nhân tiến bộ một vợ một chồng trên cơ sở tình yêu chân chính giữa nam và nữ, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ; xây dựng bầu không khí gia đình dân chủ, bình đẳng, hòa thuận, yêu thương; củng cố gia phong, xây dựng gia giáo, giáo dục gia huấn cho các thế hệ trên cơ sở những giá trị đạo đức gia đình truyền thống.

Ba là, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Thực hiện tốt các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế gia đình, trong đó ưu tiên các gia đình đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Cần có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động; đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; từng bước rút dần lao động nông nghiệp sang phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong khu vực nông thôn,… qua đó tăng cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động cho gia đình và xã hội.

Bốn là, thường xuyên quan tâm xây dựng khu tập thể dân cư, ấp, khóm, xã văn hóa nhằm tạo ra một môi trường xã hội trong sạch lành mạnh, an toàn, thuận lợi nhất để các gia đình đoàn kết, động viên, giúp đỡ nhau cùng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, thực hiện tốt quy chế dân chủ, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cả cộng đồng; góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam là sự kết tinh của văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc, chi phối nhận thức và hành vi của mỗi thành viên trong gia đình, đặt nền móng cho sự phát triển của gia đình trong hiện tại và tương lai.

Mỗi gia đình Việt Nam cần chủ động phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh, để gia đình thật sự là tế bào lành mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay.

PHƯỢNG QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh