Văn học, nghệ thuật góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cập nhật, 13:23, Thứ Ba, 27/06/2023 (GMT+7)
Sự đổi thay từ cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm văn học, nghệ thuật là chân thật, là sự trân trọng giá trị lao động và phẩm giá con người. Trong tranh: HTX Nông nghiệp An Thới (xã Tân An Thạnh, Bình Tân).Tác giả: ÁNH HỒNG (TP Vĩnh Long)
Sự đổi thay từ cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm văn học, nghệ thuật là chân thật, là sự trân trọng giá trị lao động và phẩm giá con người. Trong tranh: HTX Nông nghiệp An Thới (xã Tân An Thạnh, Bình Tân).Tác giả: ÁNH HỒNG (TP Vĩnh Long)

(VLO) Nền tảng tư tưởng của Đảng là gốc, là cội nguồn của sức mạnh dân tộc, là lợi ích của quốc gia dân tộc, là kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam và sự hướng tới văn minh của nhân loại.

Bất luận là ai có mưu toan và hành động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng là đi ngược lại quyền lợi của quốc gia dân tộc, phá hoại sức mạnh của dân tộc và chống lại sự phát triển của nhân loại.

Xuất phát từ nhận thức trên, văn học, nghệ thuật (VHNT) tỉnh Vĩnh Long những năm qua đã có nhiều nỗ lực sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua giá trị đích thực của tác phẩm VHNT.

VHNT tỉnh Vĩnh Long có bề dày lịch sử chống ngoại xâm và xây dựng quê hương đất nước. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Vĩnh Long đã có nhiều sĩ phu đứng ra lập Tao đàn Văn Xương Các năm 1869, quy tụ các trí thức, nhà nho, nhà thơ dùng thơ văn chống thực dân Pháp.

Nổi bật là cuộc bút chiến giữa nhà thơ Phan Văn Trị và tên bồi bút Tôn Thọ Trường (Đốc phủ sứ, chủ quận Vũng Liêm 1862-1867). Cuộc bút chiến đã gây tiếng vang khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, nhiều văn nghệ sĩ đã đi vào bưng biền kháng chiến.

Trong đó có nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn với ca khúc “Nam Bộ kháng chiến”; nhạc sĩ Nguyễn Minh Triết với ca khúc “Kỵ binh Việt Nam”; nhà văn Nguyễn Hải Trường với truyện “Chú Hai Neo”; Truy Phong với “Một thế kỷ mấy vần thơ”; họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng với hàng loạt tranh ký họa, tranh sơn dầu đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào kháng Pháp lúc này.

Đi vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, VHNT Vĩnh Long có những đóng góp đáng kể. Năm 1961, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Tiểu Ban Văn nghệ và Đoàn Văn công thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh, năm 1964 thành lập Hội Văn nghệ giải phóng tỉnh Vĩnh Long.

Đội ngũ những người hoạt động VHNT tỉnh Vĩnh Long đã cùng các binh chủng tuyên truyền, cùng bộ đội vượt qua bao nguy hiểm, sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT phục vụ kháng chiến.

Tiêu biểu có nhạc sĩ Xuân Điền với các ca khúc “Tiếng hát đi đày”, “Tình tù”, “Lửa lòng”, “Giờ đã điểm”, “Tiếng bom Lưu Văn Liệt”, “Cô gái Vĩnh Long”; Kiên Tâm với các ca khúc “Tiếng dân cày”, “Căm thù Mỹ- Diệm”, “Đấu tranh quyền sống”, “Xuân dân tộc”, “Về Vĩnh Long”, “Tiễn bước anh đi”, “Cửu Long toàn thắng”; Nguyễn Minh Điền với tập thơ “Vách đá vần thơ”; Trần Mộng- Trọng Thu với vở cải lương “Lửa lòng phật tử”, “Đại thắng mùa xuân”…

Nhiều tác giả nhiếp ảnh, mỹ thuật đã sáng tác hàng trăm tác phẩm ảnh, tranh ký họa được trưng bày triển lãm ở các vùng giải phóng phục vụ bộ đội và nhân dân.

Đoàn Văn công đã biểu diễn hàng đêm, mang tiếng hát lời ca đến với nhân dân và bộ đội, tạo ra một bầu không khí lạc quan trong lửa đạn.

Từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hoạt động VHNT tiếp tục phát triển, cổ vũ cho phong trào sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, động viên sức người, sức của giúp bạn trong cuộc chiến tranh ở Campuchia và biên giới phía Bắc.

Có thể nói giai đoạn này, VHNT có nhiều thành tựu, nhiều tác giả, tác phẩm, công trình VHNT được sáng tạo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều tác phẩm, công trình VHNT về đề tài chiến tranh, về hậu quả chiến tranh, về cải tạo nông nghiệp, về chiến tranh biên giới, về đại đoàn kết dân tộc,… có sức thuyết phục và động viên lớn.

Những năm gần đây, khi đất nước phát triển và hội nhập, đời sống VHNT đã có sự chuyển đổi nhất định. Nhưng biên độ giữa các đề tài không lớn. Sự lý giải về cuộc sống đã có phần rộng mở hơn. Nhưng nội dung bao trùm vẫn là mạch phát triển tích cực, hướng về cái chân- thiện- mỹ.

Đặc biệt, khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, VHNT Vĩnh Long tập trung vào các đề tài xây dựng NTM, về biển, đảo, về cấm mốc biên giới, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về chiến tranh cách mạng, về đại đoàn kết dân tộc, thiếu niên nhi đồng, dân tộc thiểu số…

Những sản phẩm VHNT hướng tới việc xây dựng hình tượng con người mới, xây dựng xã hội nhân văn, đẩy lùi thói hư tật xấu trong xã hội, xây dựng con người biết hướng thiện, hướng tới sự cao đẹp, sự hy sinh, tử tế với cộng đồng, biết nhân nghĩa, biết chia sẻ và biết ơn cuộc sống, biết ơn những người đã tạo ra cuộc sống bình yên và hạnh phúc của hôm nay và mai sau.

Hàng năm, đội ngũ văn nghệ sĩ Vĩnh Long đã sáng tạo hàng trăm tác phẩm thuộc các loại hình VHNT mà nội dung bao trùm là xây dựng đời sống tinh thần của xã hội, nhân văn, cao đẹp, mà chất liệu được chắt lọc từ hiện thực của đời sống.

Những hiện thực sinh động của đời sống không có một lý thuyết nào có thể phủ nhận được. Sự đổi thay từ cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm VHNT là chân thật, là sự trân trọng giá trị lao động và phẩm giá con người.

Những giá trị của cuộc sống và giá trị của tác phẩm VHNT là sự thống nhất biện chứng. Đời sống là chất liệu của VHNT và VHNT phản ánh hiện thực, nâng hiện thực lên tầm ý thức để “soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ đã dạy.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, VHNT không ngừng sáng tạo ra nhiều tác phẩm, công trình VHNT có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật góp phần xây dựng lòng tin cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên hành trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và đóng góp cho nhân loại.

TRẦN THANH SƠN