Văn hóa vừa truyền thống, vừa tiếp biến theo sự chuyển mình của đất nước

06:04, 28/04/2023

Văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Không có nền tảng văn hóa vững bền, đất nước, dân tộc không thể nào "trụ" được qua trăm ngàn bão giông trước họa xâm lược, trước những mưu sâu phá hoại trong suốt tiến trình lịch sử.

 

Quang cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long.
Quang cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long.

Văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Không có nền tảng văn hóa vững bền, đất nước, dân tộc không thể nào “trụ” được qua trăm ngàn bão giông trước họa xâm lược, trước những mưu sâu phá hoại trong suốt tiến trình lịch sử.

48 năm đất nước hòa bình thống nhất, đất nước, văn hóa nước nhà đứng trước những vấn đề mới, những thách thức mới, đòi hỏi văn hóa phải vừa giữ vững bản sắc truyền thống, vừa tiếp thu, tiếp biến những tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nhìn lại lịch sử vấn đề văn hóa dân tộc, rõ ràng từ khi có Đảng đã nâng lên tầm cao nhận thức mới, thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943), dựa trên 3 nguyên tắc cốt lõi: Dân tộc- Khoa học- Đại chúng, đó chính là khởi nguồn sinh động cho tính dân tộc và tính hiện đại. Đó là những đặc tính, nguyên tắc gốc rễ của nền văn hóa dân tộc.

Chúng ta có thể hiểu 3 nguyên tắc vận động trong đề cương: Dân tộc làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Đại chúng là văn hóa của nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật, dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra, chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng. Khoa học là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học.

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đảng lần thứ IV tiếp tục khẳng định: Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó, tập trung tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải có con người mới xã hội chủ nghĩa”.

Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng xác định 1 trong 6 đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, cái cốt lõi là: Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa làm cho thế giới quan Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí, vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Đồng thời, phải có tính kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp dân tộc, tiếp thụ có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Xây dựng xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người.

Tại Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương (khóa VIII), tháng 7/1998, đề ra nghị quyết về: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, xác định những nguyên tắc cơ bản. Trong đó, điều quan trọng trước tiên phải xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội: “Văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp”.

Trong mỗi thời kỳ phát triển của đất nước Đảng luôn đề ra những chủ trương lớn về lãnh đạo văn hóa nhưng luôn kế thừa 3 nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam và phát triển tư tưởng văn hóa của Đảng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.

Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao”.

Trong thời kỳ hội nhập, xuất hiện ngày càng nhiều những nguy cơ tiềm ẩn xói mòn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gây mất trật tự xã hội, cản trở sự phát triển bền vững của đất nước. Vấn đề văn hóa càng được đặc biệt quan tâm.

Đó là lý do tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh các nội dung cốt lõi, quan trọng mà hội nghị cần đặc biệt quan tâm; đồng thời chỉ đạo cả hệ thống chính trị, cùng với toàn dân thực hiện 6 giải pháp cụ thể cần phải thực hiện đồng bộ.

Cùng với đó, là những lời dặn dò tâm huyết giữ gìn nếp nhà, thuần phong mỹ tục, nét đẹp văn hóa, nghệ thuật truyền thống, đến những ứng xử nhân văn ngoài cộng đồng xã hội. Cùng khơi dậy khí chất, hồn cốt hun đúc ngàn năm của dân tộc, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh