Sáng ngời tư tưởng: Không có gì quý hơn độc lập, tự do!

Kỳ cuối: Quân- dân hai miền đáp lời kêu gọi thiêng liêng

Cập nhật, 10:47, Thứ Ba, 25/04/2023 (GMT+7)
Cũng như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến khi Pháp trở lại xâm lược nước ta năm 1946, Lời kêu gọi đánh Mỹ của Bác Hồ đã vực dậy tinh thần yêu nước không sợ kẻ thù nào, bất kể chúng từ đâu đến, tiếp thêm sức mạnh “dám đánh sẽ đánh thắng” của quân dân miền Nam. Thế là, từ thành thị nhất là thành phố Sài Gòn, hễ cứ ở đâu có lính Mỹ đóng quân, có người Mỹ là lực lượng biệt động thành cảm tử tổ chức đánh gây thiệt hại.
 
Cách cầu Mỹ Thuận khoảng 300m phía thượng nguồn, hai tháp chính cầu Mỹ Thuận 2 do các kỹ sư, công nhân Việt Nam xây dựng đang vươn cao từng ngày. Một minh chứng cho tinh thần độc lập, tự chủ.
Cách cầu Mỹ Thuận khoảng 300m phía thượng nguồn, hai tháp chính cầu Mỹ Thuận 2 do các kỹ sư, công nhân Việt Nam xây dựng đang vươn cao từng ngày. Một minh chứng cho tinh thần độc lập, tự chủ.
Tinh thần "dám đánh sẽ đánh thắng" phát huy sức mạnh
 
Ở vùng nông thôn miền Nam, những trận càn lớn vào vùng giải phóng có lực lượng lớn quân Mỹ tham gia hoặc chỉ huy, huy động không quân, tàu chiến, xe tăng, xe bọc thép, pháo binh tham chiến trên các chiến trường Khu 5, miền Đông, miền Tây Nam Bộ… đều bị quân giải phóng và du kích chặn đánh quyết liệt trong nhiều ngày gây cho chúng nhiều thương vong.
 
Tại tỉnh Vĩnh Long, trận tập kích căn cứ dã ngoại thủy bộ cấp tiểu đoàn của Sư đoàn 9, quân Sài Gòn tại vàm Mương Khai và trận chống phản kích Hiệp Hòa (Xuân Hiệp, Hòa Bình, Trà Ôn) sau đó do Tiểu đoàn 306, Trung đoàn 3, Quân khu 9 phối hợp cùng quân dân huyện Trà Ôn vào 2 đêm 25 rạng 26 và cả ngày 26/3/1966. Tiêu diệt trên 800 tên địch, bắn rơi và làm bị thương 12 máy bay, 8 tàu chiến của địch, là trận đánh lớn điển hình.
 
Đây là trận đánh lớn, thắng to, bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất vùng ĐBSCL, cũng là chiến thắng vô hiệu hóa kế hoạch bình định trên tuyến sông Măng có tầm vóc chiến lược. Chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa được đánh giá là trận đánh tiêu biểu của sự phối hợp quân chủ lực và địa phương quân cùng dân quân du kích.
 
Đồng thời là sự thất bại nặng nề của Sư đoàn 9 chính quyền Sài Gòn ở ĐBSCL. Trong trận này, Tiểu đoàn 306 anh hùng cùng với quân dân Trà Ôn đã đập tan chiến thuật “trực thăng vận” và “hạm đội nhỏ trên sông”, góp phần đánh bại chiến lược “tìm diệt và bình định” của Mỹ ngụy.
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục Miền Nam, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thanh niên miền Nam đã nô nức lên đường tòng quân vào bộ đội 3 cấp huyện, tỉnh, quân khu; một lực lượng không nhỏ đăng ký tham gia dân công sẵn sàng đưa quân, tải đạn, cứu thương.
 
Ở thời điểm ấy, tại miền Bắc, phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” đã đáp ứng được nhiệt huyết của hàng triệu thanh niên Việt Nam, khao khát được cống hiến trí tuệ và sức lực cho đất nước. Đã có trên 28 vạn nam, nữ thanh niên tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, tiếp bước cha anh lên đường với quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “ở đâu chiến trường cần là thanh niên xung phong có mặt”, “ở đâu có giặc là thanh niên xung phong xuất quân”.
 
Với tinh thần “Ba sẵn sàng”, lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước miền Bắc đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động sáng tạo, học tập, rèn luyện, sẵn sàng hy sinh anh dũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: mở đường chiến lược; vận chuyển hậu cần; trực chiến, chốt giữ những trọng điểm địch đánh phá ác liệt, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, hướng dẫn xe đi và chiến đấu đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
 
Trong 10 năm (1965-1975), lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đã đảm nhận 16 loại công việc khác nhau, chủ yếu tập trung vào 3 ngành: giao thông vận tải, quốc phòng và lâm nghiệp.
 
Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân tộc ta đã có biết bao tấm gương anh hùng, dũng sĩ sáng ngời, những “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”, những “dân quân tay súng, tay cày bắt giặc lái Mỹ”, cùng những cái hay, những sáng kiến xuất hiện trong sản xuất, chiến đấu và công tác. Trong những năm tháng gian khó, cùng với bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong cả nước đã góp phần không nhỏ đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. 
 
Đỉnh cao của hưởng ứng lời kêu gọi đánh Mỹ là Chiến dịch Tổng công kích Tổng nổi dậy tại tất cả các đô thị miền Nam Tết Mậu Thân 1968. Chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971; Chiến dịch giải phóng Quảng Trị mùa hè năm 1972. Chiến dịch 12 ngày đêm trận Điện Biên Phủ trên không chống lại cuộc tấn công bằng không quân, hải quân vào Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và một số đô thị khác, bắn rơi nhiều máy bay, trong đó có pháo đài bay B.52, bắt sống nhiều phi công Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari 1973.
 
2 năm sau, mùa Xuân năm 1975 cùng với các chiến dịch: Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng, duyên hải miền Trung và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn và các tỉnh còn lại, chúng ta đã hoàn thành lời kêu gọi không có gì quý hơn độc lập, tự do, hoàn thành phương châm chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giang sơn thu về một mối, đất nước thống nhất, Bắc- Nam sum họp một nhà.
 
Tháng Giêng năm 1979, tiếp tục thực hiện chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân, toàn dân lại vào trận đánh bại cuộc chiến tranh trên toàn tuyến biên giới Tây Nam và một số đảo, đồng thời giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ Pol Pot phản động, giải cứu nhân dân và đất nước này khỏi thảm họa diệt chủng dã man.
 
Một tháng sau, tháng 2/1979 quân đội Việt Nam anh hùng đã chặn đứng và đánh bại cuộc chiến xâm lấn biển người 60 vạn quân trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc do quân đội Trung Quốc gây ra.
 
Để bảo vệ độc lập, tự do mà cả dân tộc đã dùng nhiều máu xương giành lại, các thế hệ thanh niên đã gia nhập quân đội, đảm trách nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biên cương, vùng biển, hải đảo Tổ quốc và làm tốt nghĩa vụ quốc tế.
 
Tiếp tục tỏa sáng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước
 
Điểm lại chặng đường 48 năm xây dựng đất nước kể từ ngày 30/4/1975, chúng ta thấy không chỉ về quân sự mà cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật,… Đảng, Nhà nước ta đều vận dụng chân lý “độc lập, tự do” để hành động. Về chính trị, kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI trở về sau, Việt Nam kiên định con đường lấy chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động.
 
Trong đổi mới, chúng ta chọn đổi mới kinh tế trước, rồi tùy thực tiễn, tùy yêu cầu mà đổi mới chính trị. Về đường lối kinh tế chúng ta theo nguyên tắc kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về quốc phòng, chúng ta kiên định giữ lập trường “4 không”, về đối ngoại chúng ta “đa phương hóa, đa dạng hóa” trong quan hệ với các nước một cách cầu thị “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”. 
 
Từ khi đổi mới, chúng ta chọn con đường xây dựng đất nước hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” để đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân một cách tự thân, độc lập, tự chủ, và thực tiễn hơn 30 năm qua chứng minh là đúng.
 
Mặt khác, để xây dưng đất nước trở thành nước công nghiệp, chúng ta cần, rất cần huy động nguồn lực từ bên ngoài từ chính phủ, từ doanh nghiệp các nước cũng như các tổ chức tài chính quốc tế, nhưng trên lập trường hài hòa lợi ích, đôi bên có lợi chứ không để phụ thuộc, lệ thuộc.Từ đó, cho thấy giá trị trường tồn của tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập, tự do của Hồ Chí Minh.
 
Có thể khẳng định, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là tư tưởng mang tính cách mạng sâu sắc và triệt để. Nó gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người- sự nghiệp vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu, hy sinh cả cuộc đời để thực hiện. 
 
Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nội hàm rộng lớn, giá trị to lớn và tính cách mạng sâu sắc. Nó không chỉ là độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn là hạnh phúc của nhân dân. Bởi “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
 
Bài, ảnh: HOÀNG KHẢI