Kỳ cuối: Dựa vào dân và vì lợi ích của nhân dân

10:04, 30/04/2023

Thiết chế VH- TT cơ sở là một phần không thể thiếu trong nếp sống sinh hoạt của người dân, ở đó người ta thấy được niềm vui, sự đổi mới trong đời sống tinh thần, đồng thời là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa làng xã, giá trị truyền thống để không bị mai một theo thời gian. Lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng và cần có giải pháp cụ thể trong việc hỗ trợ đầu tư hoàn thiện các thiết chế, trang thiết bị cũng như cơ chế quản lý để phát huy vai trò của các thiết chế trong thời gian tới.

 

Thiết chế VH- TT cơ sở là một phần không thể thiếu trong nếp sống sinh hoạt của người dân, ở đó người ta thấy được niềm vui, sự đổi mới trong đời sống tinh thần, đồng thời là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa làng xã, giá trị truyền thống để không bị mai một theo thời gian. Lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng và cần có giải pháp cụ thể trong việc hỗ trợ đầu tư hoàn thiện các thiết chế, trang thiết bị cũng như cơ chế quản lý để phát huy vai trò của các thiết chế trong thời gian tới.

 Trung tâm VH- Học tập cộng đồng xã Thiện Mỹ thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt, các hội diễn, văn nghệ.
Trung tâm VH- Học tập cộng đồng xã Thiện Mỹ thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt, các hội diễn, văn nghệ.

Làm sao cho các thiết chế văn hóa có đủ “hồn và cốt”

Các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống muốn đạt hiệu quả thì phải xác định vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng. Khi triển khai phải có sự tham gia, giám sát của cộng đồng, tôn trọng cộng đồng và lấy người dân làm chủ thể.

Chính vì lợi ích của người dân mới thu hút sự tham gia tích cực của họ. Ông Nguyễn Đắc Phương- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Ở các thiết chế VH- TT, phải xác định được vai trò chủ thể của người dân, người dân là người sáng tạo, người hưởng thụ nên quá trình đổi mới, sáng tạo các hoạt động phải phù hợp điều kiện từng địa bàn xã”.

Đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cần có những nghiên cứu, khảo sát về nhu cầu, tâm lý của người dân trong xây dựng thiết chế VH- TT.

Bởi việc xây dựng phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn và mức sống của người dân để xây dựng thiết chế VH- TT phù hợp, tránh phô trương hình thức, chạy đua theo thành tích, chỉ tiêu. Chính quyền không nên làm thay mà phải là người tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân để quản lý và phát huy những giá trị tích cực của thiết chế VH- TT.

Như bà Thạch Thị Thúy Liễu- Phó Giám đốc Trung tâm VH- TT xã Tân Mỹ nói: “Ban ngày trung tâm vắng vì người dân đi trồng cam, trồng lúa. Vậy muốn trung tâm hoạt động hiệu quả thì người tổ chức phải biết chọn thời điểm phù hợp để ai cũng vui vẻ, thoải mái tham gia”.

Trong tiềm thức văn hóa người Việt Nam, đình làng là địa điểm sinh hoạt chung và là linh hồn của làng xã. Xã Long Mỹ, huyện Mang Thít là xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.

Trung tâm VH- Học tập cộng đồng gắn với hoạt động của đình Long Mỹ thuận tiện cho việc phát huy, giữ gìn văn hóa truyền thống, tín ngưỡng dân gian và tổ chức cả hoạt động VH- TT. Trung tâm VH- Học tập cộng đồng xã An Phước (Mang Thít) có một điểm đặc biệt là gắn kết với hoạt động của đình làng Hòa Phú, nằm cặp ĐT 902 đông đúc dân cư và thuận tiện sinh hoạt cộng đồng.

Ông Nguyễn Bá Hải- Ban quản lý đình Hòa Phú cho biết, không chỉ là nơi hoạt động của văn hóa dân gian, hiện nay một số ngôi đình còn kết hợp làm với Trung tâm học tập cộng đồng. Ở đây, ngoài 2 lần cúng đình, nhiều hoạt động như lớp xóa mù chữ, CLB cờ tướng, dạy nghề cho lao động nông thôn,… cũng được tổ chức.

Hiện nay tại tỉnh Vĩnh Long, phong trào đờn ca tài tử được duy trì và ngày một phát triển. Nhiều CLB, đội, nhóm tài tử được hình thành, sinh hoạt ở nhiều địa phương từ thành thị đến thôn quê.

Đặc biệt ngoài những tụ điểm văn hóa, chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử còn được tổ chức ở các ngôi đình, di tích lịch sử. Như CLB đờn ca tài tử đình Long Thanh (TP Vĩnh Long) hay CLB ở Văn Thánh Miếu thường sinh hoạt vào ngày Rằm mỗi tháng. Lời ca, tiếng đờn “thổi hồn” để các di tích, các thiết chế luôn có một vị trí quan trọng, luôn “sống” mãi trong lòng dân.

Ông Nguyễn Chí Công- Phó Giám đốc Trung tâm VH- Học tập cộng đồng xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) thì chia sẻ bài học kinh nghiệm từ việc chọn địa điểm xây dựng thiết chế VH- TT:

“Trước đây xã có Trung tâm VH nhưng hoạt động không hiệu quả do vị trí xây dựng chưa phù hợp. Sau khi dời về vị trí gần ngay QL54, nơi đây đã thu hút đông đảo bà con đến sinh hoạt. Trước đây có quy định giờ đóng mở trung tâm nhưng có người dân nhắn nhủ “hãy mở cửa để 5 giờ sáng đến tập dưỡng sinh”, thế là trung tâm luôn mở rộng cửa đón người dân suốt cả ngày. Sáng thì cô chú lớn tuổi ghé qua tập thể dục sớm; buổi trưa rộn rã tiếng cười của các em học sinh đá bóng; tối lại đông đúc với hoạt động của các CLB.

“Buổi tối trước khi kết thúc thì bà con còn ở lại giúp kiểm tra điện nước”- ông Công cho biết thêm. Từ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao ngày một lan tỏa, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người dân.

Việc thúc đẩy xây dựng các thiết chế VH- TT cơ sở gắn với xây dựng NTM đã tạo ra sự đa dạng, phong phú trong công tác vận động nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cộng đồng. Trung tâm VH- Học tập cộng đồng xã Hựu Thành (Trà Ôn) là một trong những đơn vị làm rất tốt công tác xã hội hóa.

Đến nay, trung tâm đã vận động xã hội hóa đầu tư 2 sân cầu lông, 1 sân tennis, 2 hồ bơi và 20 dụng cụ luyện tập cho câu lạc bộ thể hình, khung thành sân bóng đá; cột, lưới sân bóng chuyền với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng năm xã vận động xã hội hóa kinh phí tổ chức và tham gia các hoạt động, phong trào trên 50 triệu đồng. Từ hiệu quả của việc tích cực xã hội hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm được đầu tư; các loại hình văn hóa, nghệ thuật, thể thao đã được đưa vào trung tâm sinh hoạt đáp ứng được nhu cầu luyện tập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Cần nhiều nỗ lực để các thiết chế VH- TT đủ “hồn và cốt” thu hút người dân.
Cần nhiều nỗ lực để các thiết chế VH- TT đủ “hồn và cốt” thu hút người dân.

Nỗ lực từ các cấp, các ngành

Xác định việc thiếu kinh phí hoạt động là khó khăn chung của nhiều thiết chế VH-TT, thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành 2 Nghị quyết nâng cao mức hỗ trợ, tạo nguồn lực cho hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở phát triển. Trong đó, Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định về mức chi giải thưởng và bồi dưỡng đối với thi, liên hoan, văn nghệ quần chúng, tuyên truyền lưu động.

Đặc biệt Nghị quyết số 31/2022/NQ-HĐND ra đời vô cùng cấp thiết, quy định mức kinh phí duy trì các hoạt động nghiệp vụ và phục vụ nhiệm vụ chính trị của Trung tâm VH- TT cấp xã; Nhà VH- Khu TT ấp.

Vì một số địa phương bố trí kinh phí còn hạn chế, trong khi nhu cầu hoạt động mỗi trung tâm tối thiểu khoảng 60- 70 triệu đồng/năm (theo Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa- TT- DL) thì chỉ được cấp 20 triệu đồng/năm, còn thấp so với nhu cầu và định mức chi theo bình quân đầu người của hoạt động văn hóa. Kể từ ngày 25/7/2022, theo Nghị quyết 31/2022/NQ-HĐND, kinh phí này được tăng lên 30 triệu đồng/năm.

Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Đắc Phương cho biết, một trong những nguyên nhân khiến các thiết chế hoạt động chưa hiệu quả là thiếu sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thì cần nhìn nhận lại xem Nghị quyết của Đảng ủy có đề ra nhiệm vụ cụ thể cho xã không, UBND có đề ra kế hoạch cụ thể, mỗi năm tổ chức bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu cuộc sinh hoạt văn hóa, bao nhiêu cuộc thi sáng tác…

Xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì chúng ta làm gì trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của smartphone, nhà nào cũng có tivi, kênh Youtube, mạng xã hội khác… Vậy sản phẩm văn hóa phải làm gì để “kéo” người dân ra khỏi smartphone của mình. Cái quan trọng nhất là tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình sáng tạo văn hóa. Khi ban hành chính sách cần quan tâm đến công tác xã hội xóa, kêu gọi đầu tư và đặc biệt là huy động sức dân.

Tham dự hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của các Trung tâm VH- TT cấp xã và Nhà VH- Khu TT ấp, cụm liên ấp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý, các sở, ngành và địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các thiết chế VH- TT ở cơ sở, nhất là xây dựng mô hình điểm, cách làm hay để phát huy hiệu quả hoạt động, thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường phối hợp với các ngành, huy động sự tham gia của các đoàn thể... làm phong phú các hoạt động, phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng người dân, nhóm lứa tuổi; quan tâm thu hút người có tâm huyết, năng khiếu để làm “đầu tàu” tổ chức các hoạt động, tạo sức lan tỏa để người dân tích cực tham gia sinh hoạt VH- TT tại địa phương.

Ngành Văn hóa cũng cần quan tâm tập huấn chuyên môn, trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết trong xây dựng kế hoạch, tổ chức các phong trào để khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở; phối hợp với các ngành liên quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc tích cực tham gia các hoạt động VH- TT, sinh hoạt CLB.

Cùng với đó, nghiên cứu đổi mới, thường xuyên tổ chức các hoạt động, phong trào hướng về cơ sở để thu hút đông đảo người dân tham gia, phục vụ tốt nhu cầu xây dựng đời sống văn hóa, thể dục- thể thao, vui chơi, giải trí và học tập của người dân.

Cần nhiều nỗ lực để các thiết chế VH- TT đủ “hồn và cốt” thu hút người dân.

Cần nhiều nỗ lực để các thiết chế VH- TT đủ “hồn và cốt” thu hút người dân.

 Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế VH- TT đầy đủ, đồng bộ, hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương, đáp ứng được nhu cầu về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân giữa các địa phương trong tỉnh.

Dựa vào dân và vì lợi ích của nhân dân, thiết chế VH- TT sẽ là “sợi dây” kết nối cộng đồng, kết nối tinh thần đoàn kết, góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY- TUYẾT NGA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh