Truyện ngắn: Giấc mộng áo dài

Cập nhật, 07:52, Thứ Hai, 06/03/2023 (GMT+7)

HOÀNG KHÁNH DUY

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Má biết tôi thích mặc áo dài từ hồi tôi còn bé xíu. Lúc đó, mỗi lần thấy mấy chị gái học trường cấp ba trên huyện mặc áo dài trắng, xõa tóc dài đạp xe đi trên con đường quê rợp bóng tre bóng trúc, con đường nép bên cánh đồng bạt ngàn, tôi lại ước ao được như thế. Má nói: “Ráng ăn cho mau lớn, chạy thể dục cho… chân dài, chăm gội đầu với bồ kết cho tóc mượt… lớn lên mặc áo dài mới đẹp”. Biết má không nói đùa, tôi làm theo răm rắp.

Tôi cứ nhớ hoài cái hình ảnh của cô bé nhỏ xíu, chiều cao chỉ ngang eo của má, xúng xính trong chiếc áo dài má may cho từ mớ vải vụn còn sót lại sau đám cưới của chị. Tôi thích chiếc áo ấy lắm. Mặc dù không có thắt eo, tà áo cũng không được thướt tha như các chị nữ sinh mà tôi trông thấy mỗi sớm mai thức giấc, nhưng cơ bản nó vẫn là áo dài. Má nói tôi mặc đỡ, lớn lên, “trổ mã”, mặc áo dài sẽ đẹp hơn nhiều.

Tôi cứ đợi mãi cái ngày đó.

*

Rồi tôi lớn lên. Rồi má tôi cũng trở thành ngọn khói mù khơi trên cánh đồng năm cũ…

Bây giờ tôi đã được mặc áo dài trắng giống các chị gái mà ngày xưa tôi từng trông thấy. Nhờ chăm chỉ tập thể dục, gội đầu với bồ kết hoặc lá khế, nên khi lớn lên, tóc tôi dài chấm lưng, dáng tôi cao cao thon thả. Ai cũng khen tôi ra dáng thiếu nữ, kiểu này có khối con trai “xách dép” chạy theo sau. Ngày đầu tiên tôi đi học cấp ba, chị hai tôi từ làng bên trở về thay má lo liệu cho tôi. Trong những thứ má tôi để lại, “di sản” mà tôi trân quý nhất là cái tủ áo dài của má.

Chị coi mặc cái nào được thì lấy, cái này không vừa thì để cho em. Dáng em giống má, chắc mặc được.

Chị tôi sòng sành, hết ướm bộ này lên người tới thử bộ kia, khen màu này ngọt quá, màu kia lòe loẹt quá. Một lúc, chị tôi dồn hết mớ áo dài về phía tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn chị:

Không có cái nào vừa ý chị hả?

Có chứ. Cái nào cũng đẹp hết! Má mình biết mặc! Nhưng chị có lấy làm gì đâu? Ai lại mặc áo dài đi làm ruộng, làm vườn bao giờ.

Nghe chị nói, lòng tôi thắt nghẹn. Từ hồi về nhà chồng, chị tôi suốt ngày, suốt tháng, suốt năm quanh quẩn trên đồng. Chị có đi đâu ngoài đi chợ hay đi họp phụ huynh cho thằng Tuấn. Cuộc đời con gái thích phiêu bồng và tự do tuyệt đối của chị đã vĩnh viễn chôn kín kể từ ngày chị tôi theo chồng về làng bên. Chị khoác lên mình chiếc áo của người dâu thảo, vợ hiền, một tay vun vén việc nhà. Nhan sắc chị cũng đã phai lợt ít nhiều. Hôm chị về, tôi xót xa xoa tay lên mấy vết chân chim hằn sâu trên khuôn mặt eo sèo của chị.

“Di sản” áo dài của má thuộc về sở hữu của tôi. Ngày xưa, má tôi từng là thợ may nức tiếng ở cái xóm này. Má may được đủ thứ quần áo, từ đồ bộ mặc thường ngày đến áo dài nữ sinh, áo dài của cô giáo mặc đi dạy học, cô dâu mặc theo chồng. Chiếc áo cưới màu đỏ ngày chị tôi mặc theo chồng về bên ấy cũng do má may tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ, thêu thùa hình rồng phượng. Tiếng lành đồn xa, tiệm may nhỏ của má tôi ngày một đông đúc hơn, khách tới lui nườm nượp. Nhờ đó, tôi cũng có điều kiện học hành hơn chị.

*

Má, má thấy con mặc áo này đẹp không, má?

Tôi đứng trên đôi guốc cao, xoay xoay trước bàn thờ của má, tưởng như má đang ngồi đâu đó trong ngôi nhà cất theo kiểu truyền thống này để nhìn ngắm tôi xinh đẹp trong tà áo dân tộc. Eo tôi nhỏ hơn eo má lúc còn sống. Tôi bóp mỗi bên vào một, hai phân cho vừa vặn. Tôi giờ đã trở thành cô giáo trường làng, cái ước mơ mà ngày xưa tôi từng ấp ủ, nuôi nấng. Ngày đó má hỏi tôi: “Sao lại thích làm cô giáo, không nối nghiệp má à?”. Tôi cười: “Làm nghề gì cũng được, miễn được mặc áo dài”. Tôi thích dạy trẻ, duyên nợ đẩy đưa, cuối cùng tôi cũng trở thành cô giáo, gắn bó tâm hồn mình với bảng đen, phấn trắng, với mái trường và những mùa phượng nở ve kêu.

Cứ thế, tình yêu áo dài trong tôi lớn dần lên từng ngày. Hàng xóm nói tôi giống má như đúc. Tôi cũng thấy vậy! Trong hai chị em, tôi giống má nhiều hơn cả. Tôi thừa hưởng cái nét đẹp truyền thống từ má.

*

Giỗ má năm nay, chị hai tôi không về. Một mình tôi lo toan mọi thứ, từ dọn dẹp nhà cửa đến đi chợ, nấu nướng… Hàng xóm thấy thương nên chạy sang tiếp tôi một tay. Đã lâu lắm rồi trong nhà tôi mới đông người như thế, tiếc là không có chị tôi. Những món ăn má tôi thích hồi còn sống được tôi bày biện trên bàn, thắp hương, tôi khấn vái lầm thầm, tưởng như mình đang chuyện trò với má, tưởng như những đêm không trăng tôi gối đầu lên đùi má và thỏ thẻ biết bao nhiêu là chuyện trên đời.

Lúa má thất bát, ruộng rẫy khô cằn, anh chị tôi không sống được ở quê đành dắt díu nhau lên thành phố tìm kế sinh nhai. Thằng Tuấn được bên nội nuôi nấng. Hôm trước rảnh rỗi tôi gọi cho chị, qua màn hình điện thoại, tôi thấy chị mình nay khác đi nhiều. Trông chị tôi có phần trẻ trung hơn hồi còn ở quê. Và hình như chị biết cách ăn diện hơn.

*

Anh rể tôi nhắn tin, than phiền: “Chị em giờ khác quá, không giống hồi xưa”. Tôi gọi điện cho anh, hỏi chị khác thế nào. Anh nói chị lên thành phố, học đòi chưng diện, nhìn không giống chị mà hồi xưa anh từng quen và yêu say đắm. Tôi trấn an:

Chắc chị em sống ở quê riết quê một cục, lên thành phố nên tò mò vậy thôi!

Anh tôi nói:

Không phải vậy! Anh thấy lạ. Chắc Phượng không hiểu ý anh đâu.

Nói thì nói vậy chứ tôi hiểu ý anh rể tôi. Chính tôi cũng thấy chị hai tôi lạ quá! Má còn sống, chắc má buồn lắm. Hôm chị về thăm nhà, tôi thấy tóc chị tôi nhuộm vàng chóe, uốn xoăn, mặc váy ngắn hoặc quần jean ôm sát vào đôi chân thon, đi guốc cao ngất, nhìn không quen mắt. Tôi nói:

Chị hai giờ lạ quá chừng!

Ừ, ai cũng thay đổi mà, Phượng. Em mà cứ giữ lấy cái kiểu nhỏ nhẹ, thướt tha, áo dài áo ơ đồ, coi chừng tụt hậu so với thiên hạ đó!

Tôi vẫn điềm nhiên. Tôi càng hiểu hơn cái chữ “khác quá” mà anh rể tôi đã nói. Tôi biết chị tôi đã không còn cái chất truyền thống của ngày xưa nữa rồi. Chị không thích áo dài, cũng chẳng còn mê cái kiểu yêu kiều thướt tha của người con gái quê hương, mang trong mình những phẩm chất mộc mạc, dân dã nhưng vô cùng đáng trọng. Tôi hỏi tiếp:

Chị thay đổi vậy, anh rể không la hả?

Ảnh thương chị lắm, làm gì mà la. Chị ăn mặc vậy mà ảnh im re à.

Tôi cười cười, nói “anh rể dễ quá”, nếu má còn sống chắc má không thích chị tôi thay đổi nhiều như thế! Chị ở lại nhà được hai hôm rồi về bên chồng, rồi lên thành phố. Thằng Tuấn lớn hơn một chút, nó biết chuyện. Nó hay đi đò dọc về bên này thăm tôi vào mỗi chủ nhật, nhờ tôi giảng mấy bài toán. Tôi dạy tiểu học, thằng Tuấn học cấp hai, toán khó dần, tôi giảng không quen.

Thằng Tuấn nhìn tôi đi đi lại lại trong nhà, quét chỗ nọ, lau chỗ kia. Nó nói vọng:

Nhìn dì Phượng, thấy thương!

Tôi dừng tay lại, nhìn thằng Tuấn trân trân:

Sao thấy thương dì?

Nhìn dì hiền khô.

Chứ má con không hiền à?

Có. Mà giờ nhìn má con khác quá à! Lần nào về má con cũng gấp lên thành phố. Không biết ở trển có gì vui mà má con đi hoài.

Tôi ôm thằng Tuấn vào lòng. Tự nhiên tôi muốn khóc quá. Tôi ước gì chị hai tôi vẫn như ngày xưa ấy, hiền lành, chân quê, như má, như tôi.

*

Năm tháng trôi qua, tôi vẫn là một người phụ nữ thôn quê, truyền thống. Có lẽ cái chất hiện đại không ngấm nổi vào tôi, hay vì trong tôi vẫn còn cái ranh giới ngăn cách giữa hiện đại với truyền thống. Tôi đủ hiểu rằng, giữ lấy cái nét dân dã, mộc mạc không có nghĩa là tụt hậu với thời đại. Đó chính là gốc gác, cội rễ, là tinh thần, là hồn cốt của dân tộc mình. Giữ lấy chất truyền thống là điều cần thiết trước làn sóng ào ạt của những giá trị hiện đại xâm lấn.

Một đêm chị về, ngồi với chị bên bờ sông quê hiền lành, dưới ánh trăng soi sáng, tôi nói với chị:

Chị hai ơi, đừng thay đổi nữa. Chị hãy vẫn là chị của ngày nào, hiền lành, thướt tha, thậm chí quê mùa, chân chất. Chị thay đổi để hiện đại nhưng chính chị lại xa lạ với những người thân yêu của mình thì có còn nghĩa lý gì đâu…

Chị tôi im lặng.

Sông quê rạt rào.

Trăng vành vạnh soi.

Chị tôi bất chợt ôm mặt khóc rưng rức. Tôi thấm nước mắt cho chị. Chị nói:

Chắc má buồn chị lắm, út Phượng ha.

Tôi lắc đầu:

Không đâu. Má mình lúc nào cũng thương tụi mình hết.

Tôi lau nước mắt cho chị.

Đêm quê thanh tịnh. Đã lâu rồi tôi mới có được cái cảm giác bình yên, cảm giác ấm áp ấy, tựa như chúng tôi vẫn còn nhỏ, đêm đêm ngồi kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện vui buồn về dòng sông này. Dòng nước nuôi lớn chị em tôi cả về thể xác lẫn tâm hồn. Dòng nước chứng kiến từng đổi thay trong cuộc đời của chị em tôi. Và dòng nước cũng vỗ về chúng tôi trong những miền cảm xúc an yên, tươi đẹp nhất.

Chị nói với anh rồi, chị với anh không đi thành phố nữa. Chị với anh sẽ ở lại quê luôn để nuôi dạy thằng Tuấn nên người. Xa chị, nó buồn dữ lắm!

Tim tôi rộn rã. Tôi biết đó sẽ là phần đời tươi đẹp nhất của chị tôi.

Còn tôi, tôi vẫn sẽ là cô giáo làng từng ngày đến trường, đưa bao thế hệ học trò bước qua cái ngưỡng bi bô i tờ, sẽ tiếp tục yêu những tà áo dài mang trong mình tâm hồn quê hương, tâm hồn dân tộc.