Nhiếp ảnh Vĩnh Long- lưu dấu những chặng đường phát triển

05:03, 12/03/2023

Tại TX Vĩnh Long, từ những năm đầu của thập niên 1930 đã có hiệu ảnh Photo Hà Nội, Photo Thiệt,… những hiệu ảnh này đều là của tư nhân, chỉ làm dịch vụ chụp ảnh đám tiệc, lưu niệm gia đình, ảnh chân dung cá nhân… Đặc biệt, Photo Hà Nội còn là cơ sở của Chi bộ Đảng ở Vĩnh Long trong những ngày đầu khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945.

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tại Di tích lịch sử địa điểm khai sinh ngành điện ảnh và nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình (TP Vĩnh Long)
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tại Di tích lịch sử địa điểm khai sinh ngành điện ảnh và nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình (TP Vĩnh Long)

(VLO) Tại TX Vĩnh Long, từ những năm đầu của thập niên 1930 đã có hiệu ảnh Photo Hà Nội, Photo Thiệt,… những hiệu ảnh này đều là của tư nhân, chỉ làm dịch vụ chụp ảnh đám tiệc, lưu niệm gia đình, ảnh chân dung cá nhân… Đặc biệt, Photo Hà Nội còn là cơ sở của Chi bộ Đảng ở Vĩnh Long trong những ngày đầu khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945.

Bước vào giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nền tảng nhiếp ảnh cách mạng được gầy dựng từ việc của những người thợ ảnh giác ngộ cách mạng vào chiến khu kháng chiến. Điển hình, như ông Huỳnh Văn Lễ (Hai Hữu), quê quán Tam Bình, đến TX Vĩnh Long mở hiệu ảnh Hoàng Thọ.

Năm 1960, ông Hai Hữu vào chiến khu tham gia cách mạng, mang theo toàn bộ máy móc thiết bị của hiệu ảnh vào phục vụ kháng chiến.

Cũng vào năm 1960, anh Nguyễn Hoàng Phước (Ba Phước, SN 1937 quê quán xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngày nay) vào chiến khu mang theo một máy chụp ảnh và cây đàn violin.

Ban đầu tổ chức phân công công tác ở Ban Binh vận tỉnh, thấy anh có năng khiếu chụp ảnh và máy ảnh mang vào chiến khu, cơ quan phân công đi dự học lớp báo chí, khi ra trường được cử làm phóng viên chiến trường sau đó được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Nhiếp ảnh khu Tây Nam Bộ, hoạt động trong khu vực 6 tỉnh miền Tây, phụ trách địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh.

Ngày nay trong kho tư liệu của anh còn lưu giữ nhiều hình ảnh sinh động chân thực về cuộc chiến đấu, chiến thắng của quân dân tỉnh nhà trong chiến tranh giải phóng.

Đến năm 1962, anh Trần Văn Ngừa (Ba Lâm, Trần Lâm, SN 1942, quê quán xã Chánh Hội, huyện Mang Thít) thoát ly gia đình tham gia kháng chiến.

Tháng 10/1963, anh được Ban Tuyên huấn phân công cùng đồng chí Nguyễn Văn Thông (Hai Thông) và một số đồng chí đi dự học lớp nhiếp ảnh ở R (Trung ương Cục miền Nam) tổ chức.

Đến tháng 2/1964, lớp học hoàn thành, các anh về địa phương thành lập tổ nhiếp ảnh gồm 6 người, do đồng chí Huỳnh Văn Hữu làm tổ trưởng và được cơ quan phân công tổ chức tập huấn khóa nhiếp ảnh cho một số anh em ở các huyện trong tỉnh.

Đến cuối năm 1964, đồng chí Trần Văn Ngừa làm Tổ trưởng Tổ Nhiếp ảnh, thuộc Tiểu ban Thông tấn Báo chí, Ban Tuyên huấn tỉnh.

Nhiệm vụ lúc này là chụp ảnh thời sự phục vụ các sự kiện của Ban Tuyên huấn, những hình ảnh công tác, chiến đấu của quân dân Vĩnh Long, đồng thời cung cấp hình ảnh ở từng thời kỳ cho một số tờ báo như: Kèn Giải Phóng, Quyết Thắng và Văn nghệ Đất Thép (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Cửu Long ngày nay).

Và từ đó, nhiếp ảnh cách mạng từng bước được hình thành, một số cuộc triển lãm tranh, ảnh ở vùng giải phóng được tổ chức phục vụ các đơn vị bộ đội và quần chúng nhân dân, tạo nên một sinh khí phấn khởi trong vùng chiến khu kháng chiến.

Từ năm 1963-1967, mỗi năm tổ nhiếp ảnh đã kết hợp với đoàn văn công, đội đèn chiếu tổ chức triển lãm ảnh, chiếu phim trên 50 lượt ở các vùng giải phóng, góp phần cổ vũ phong trào kháng chiến, tạo nên sức sống lạc quan của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà.

Với những nhiệm vụ đó, nhiếp ảnh Vĩnh Long từng bước hình thành và phát triển. Thời kỳ này, các phương tiện tác nghiệp còn rất thô sơ, thiếu thốn, sử dụng máy cơ chụp bằng phim, vừa tiết kiệm và chụp phải đảm bảo chất lượng từng kiểu một.

Các công đoạn xử lý kỹ thuật để một bức ảnh ra đời là cả một công phu. Buồng tối sử dụng trong hầm trảng xê tránh bom đạn, dùng vải đen che chắn hoặc dụng cụ tự chế, đất sét nắn thành khối kê cao, thấp để in, phóng ra một bức ảnh là một kỳ tích có thể xem như một cuộc chiến đấu để lưu giữ ký ức cuộc sống trong kháng chiến.

Thời kỳ này, hoạt động sáng tác nhiếp ảnh chủ yếu là ghi nhận lại các hình ảnh công tác, chiến đấu, đời sống sinh hoạt thực tế của quân dân trong vùng kháng chiến.

Tuy chưa có nhiều tác phẩm mang tính nghệ thuật cao nhưng nhiếp ảnh Vĩnh Long đã kịp lưu giữ lại nhiều hình ảnh tư liệu quý giá về một giai đoạn lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Nhiều chiến sĩ- nghệ sĩ nhiếp ảnh trưởng thành, có nhiều tác phẩm giá trị như của đồng chí Nguyễn Minh Điền, Nguyễn Hoàng Phước, Trần Văn Ngừa, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Xề, Vương Đình Trạm, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Kiệt, Đoàn Hải Nhân (Phù Sa), Nguyễn Quốc Hội… một chặng đường dài cống hiến, nhiều mất mát hy sinh, các anh đã để lại cho đời những tư liệu, những tác phẩm sống mãi với thời gian, góp phần tạo nên một truyền thống vô cùng vẻ vang của nhiếp ảnh tỉnh nhà.

Đặc biệt, chúng ta tự hào có một vị lãnh đạo yêu mến nhiếp ảnh, ông là hội viên danh dự Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Chiếc máy ảnh đã theo ông từ chiến khu về thành phố và có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.

Sau ngày giải phóng, đội ngũ nhiếp ảnh dần phát triển, các tác giả kháng chiến vẫn tiếp tục làm nòng cốt, có ảnh hưởng tích cực đến thành tựu cũng như phát triển lực lượng trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, do đời sống còn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, phương tiện kỹ thuật chưa kịp hiện đại hóa nên đội ngũ nhiếp ảnh còn mỏng.

Lúc này, các tác giả chủ yếu vẫn là những tên tuổi thời kháng chiến như Nguyễn Hoàng Phước, Trần Văn Ngừa, Vương Đình Trạm cùng với sự cộng tác của những tác giả như Lê Văn Cuôn, Nguyễn Duy Minh…

Phải đến những năm 90 của thế kỷ XX, nhiếp ảnh Vĩnh Long mới thật sự phát triển mạnh và khởi sắc với một đội ngũ đông đảo các tác giả trẻ, có tiềm năng về trình độ, phương tiện, tài năng và tình yêu nghệ thuật nhiếp ảnh, tiêu biểu như Lê Huyền Thanh, Nguyễn Bách Thảo, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Phước Lộc, Nguyễn Phải, Dương Thu, Hữu Ái, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Bá Lâm (Lâm Bá), Lê Quang, Phạm Việt Trường…

Đầu thế kỷ XXI, nghệ thuật nhiếp ảnh tỉnh nhà tiếp cận nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại như máy ảnh kỹ thuật số, in, truyền, nhận ảnh bằng công nghệ số,… góp phần hình thành một lực lượng sáng tạo mới có trình độ, bản lĩnh, làm giàu thêm đội ngũ trẻ góp phần vào thành tích nhiếp ảnh tỉnh nhà như Nguyễn Vinh Hiển, Huỳnh Thanh Thiện, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Hoàng Kha, Nguyễn Quốc Nguyên, Nguyễn Hữu Nam, Nguyễn Minh Tâm, Trần Nhành, Lê Văn Hưu, Đinh Quang Tiến, Nguyễn Đức Liêm, Trần Thanh Sang…

Bên cạnh đó, những tác giả nhiếp ảnh chuyên nghiệp ngày càng lớn mạnh, còn có lực lượng nhiếp ảnh không chuyên khá hùng hậu.

Nhiếp ảnh đã trở thành sinh hoạt rộng rãi của đời sống xã hội. Công nghệ của nhiếp ảnh ngày càng hiện đại, giúp cho các tác giả thể hiện hiệu quả những ý tưởng của mình.

Trong nhiều năm qua, đội ngũ nhiếp ảnh tỉnh Vĩnh Long đã tích cực tham gia các cuộc thi do tỉnh tổ chức, tham gia các cuộc liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL, các cuộc thi của các ngành, địa phương trong và ngoài nước… đã mang về nhiều giải thưởng cao quý, nhiều hội viên được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, được phong tước hiệu.

Hiện nay Phân hội Nhiếp ảnh Vĩnh Long có gần 40 hội viên, trong đó 11 hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, thời gian qua đã cùng với những người yêu thích Nhiếp ảnh tỉnh nhà đã không ngừng lao động, sáng tác, nhiều ảnh chất lượng đã được chọn trao giải, tham gia triển lãm, in báo, tạp chí… góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Thông qua các tác phẩm đã góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng- an ninh, biên giới, biển đảo, xây dựng NTM, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...

Nối tiếp chặng đường 70 năm truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam, đội ngũ hội viên nhiếp ảnh và những người yêu thích nhiếp ảnh Vĩnh Long với lòng yêu nghề và niềm đam mê sáng tạo, chúng ta tin rằng ngày càng có nhiều tác phẩm có tính tư tưởng và nghệ thuật cao.

Mỗi tác phẩm còn là câu chuyện đẹp, không những mang tính nhân văn, mà còn có sức lan tỏa trong xã hội để mọi người đón nhận một cách trân trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

Cách đây 70 năm, tại khu đồi Cọ, xóm Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nơi này nguyên là nhà khách của Trung ương Đảng, cán bộ chiến sĩ là những phóng viên nhiếp ảnh, điện ảnh, đã xúc động đón nhận Sắc lệnh số 147/SL ngày 15/3/1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”. Sắc lệnh chính thức khai sinh ngành điện ảnh và nhiếp ảnh Việt Nam. Từ đó nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, trở thành nhân chứng qua các giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam, có những bức ảnh đã trở thành di sản vô giá, ghi dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước.

NGUYỄN HÒA BÌNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh