Về Vũng Liêm nghe nhắc trận Cầu Vông

06:02, 13/02/2023

Nằm bên trái QL53 (theo hướng Vĩnh Long đi Trà Vinh), thuộc địa phận xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, người đi đường sẽ thấy một trụ đá do người Pháp dựng lên nhằm ghi nhớ địa điểm xảy ra trận đánh Cầu Vông làm một tỉnh trưởng người Pháp và cả chục lính Pháp tử trận.

Bia tưởng niệm trận Cầu Vông.
Bia tưởng niệm trận Cầu Vông.

(VLO) Nằm bên trái QL53 (theo hướng Vĩnh Long đi Trà Vinh), thuộc địa phận xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, người đi đường sẽ thấy một trụ đá do người Pháp dựng lên nhằm ghi nhớ địa điểm xảy ra trận đánh Cầu Vông làm một tỉnh trưởng người Pháp và cả chục lính Pháp tử trận.

Trụ tháp bốn mặt cao khoảng 3,5m, trên thân còn in lỗ chỗ vết đạn và ám đen khói bụi thời gian. Cách đó vài mét là một khuôn viên có hàng rào bao bọc xung quanh với tấm bia ghi dòng chữ “Nơi đây ngày 15/2/1872 Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao tổ chức nghĩa quân yêu nước lập kế diệt tên quan ba Pháp Alix Salicetti (tự Bồi Xê, tỉnh trưởng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long) và bọn tùy tùng”.

Nơi đây - tức Cầu Vông, là nơi diễn ra trận đánh giáp lá cà giữa nghĩa quân với giặc Pháp. Theo mô tả của những tài liệu xưa thì địa hình là con đường độc đạo, hai bên có nhiều cây vông đồng và cánh đồng lúa chín đã gặt xong.

Trận Cầu Vông xảy ra ngày 15/2/1872, nếu tính theo âm lịch nhằm ngày mùng 7 tháng Giêng, năm Nhâm Thân 1872, đến nay đã 151 năm và những người chỉ huy trận đánh làm thiệt hại lớn cho quân Pháp ấy là Đốc binh Lê Cẩn và Phó tướng Nguyễn Giao.(*)

Lê Cẩn, nguyên là một võ quan nhà Nguyễn, làm đến chức Đề đốc, nên còn được gọi là Đốc binh Lê Cẩn, sau khi quân Pháp chiếm Vĩnh Long, ông không phục tùng lệnh triều đình đầu hàng giặc Pháp, mà tham gia khởi nghĩa chống xâm lăng ông đã cùng Nguyễn Giao vốn là người xuất thân từ nông dân, nhưng là người có học và tinh thần yêu nước và Phó Mai.

Các ông đã tập hợp lực lượng, kêu gọi nhân dân trong vùng và các sĩ phu yêu nước tham gia chống thực dân Pháp và được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Có thể kể 2 chiến công của nghĩa binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao tại huyện Vũng Liêm sau đây.

Trận thứ nhất: Vào một ngày tháng 11/1871, Lê Cẩn - Nguyễn Giao giả làm nông dân vào dinh quận xin giấy phép đi gặt lúa mướn rồi chớp thời cơ cùng nghĩa quân tấn công dinh quận Vũng Liêm, giết tên chủ quận ác ôn Hồ Thiện Thực và một số tay sai, đốt toàn bộ sổ sách, thu hàng chục súng.

Vụ việc gây chấn động khắp vùng, giặc Pháp mở cuộc đàn áp, khủng bố dữ dội, nhưng vẫn không làm nghĩa quân nao núng.

Pháp cử tên tay sai Tôn Thọ Tường thay thế tên chủ quận bị giết về trấn nhậm Vũng Liêm. Vốn là người biết văn thơ, y dùng mọi thủ đoạn để chiêu dụ dân chúng, kêu gọi bà con hãy chấp nhận theo Tây để được hưởng vinh hoa, phú quý, ai chống lại sẽ bị trừng trị không thương tiếc.

Nhưng những lời của tên Việt gian theo giặc không thể nào mua chuộc những người dân yêu nước và quyết tâm đánh Tây tới cùng của Lê Cẩn - Nguyễn Giao.

Trận thứ hai: Nếu như trận thứ nhất chỉ tiêu diệt được một tên chủ quận, Vĩnh Trị (Vũng Liêm), lần này mục tiêu của Lê Cẩn - Nguyễn Giao là tiêu diệt tên đầu sỏ tức tỉnh trưởng Vĩnh Long - Alix Salicetti (còn gọi là Bồi Xê).

Nhưng để thực hiện kế “điệu hổ ly sơn” lừa tên tỉnh trưởng Vĩnh Long - một tên thực dân nham hiểm ra khỏi hang ổ ở tỉnh, nơi y được nhiều binh lính bảo vệ đến Vũng Liêm cho nghĩa quân tiêu diệt không phải dễ. Lê Cẩn nghĩ kế trá hàng, ông đã viết thư gửi đến Tham biện Alix Salicetti, nội dung như sau:

“Kính trình quan lớn Tham biện tỉnh Vĩnh Long!

Bấy lâu nay vì ông Chủ quận Hồ Thiện Thực tham tàn hà hiếp dân chúng nên buộc tôi và dân chúng phải chống lại. Còn quan lớn Tham biện (tỉnh trưởng) vốn là nhân tài thương dân lại được Chủ quận Tường mở lối.

Đang lúc binh ít, thế cô, đói khát, chúng tôi nguyện quy thuận nhà nước Lang Sa với điều kiện có quan lớn đích thân đến chứng kiến tại Cầu Vông để chúng tôi yên dạ. Đốc binh Lê Cẩn (Ký tên).

Nhận được thư, Alix Salicetti như mở cờ trong bụng, vì nếu làm được điều này, giải giáp nghĩa binh chống đối, thu toàn bộ vũ khí, sẽ là một báo cáo thành tích “đẹp như mơ” trên con đường binh nghiệp của y.

Vì vậy dù có người can ngăn đừng đi, nhưng tính háo thắng, cộng với những lời trong thư ca ngợi y là một nhân tài hết mực thương dân, nên y quyết định chọn ngày 15/2/1872 (tức ngay sau Tết cổ truyền của người Việt Nam, nhằm ngày mùng 7 tháng Giêng, năm Nhâm Thân 1872).

Sau khi thông báo cho chủ quận Vũng Liêm cho lính đi tuần tra, canh giữ đoạn đường đến nơi hẹn với nghĩa binh, đích thân y từ Vĩnh Long cùng thuộc hạ di chuyển bằng đường thủy đến Vũng Liêm, rồi dùng ngựa đến Cầu Vông để tiếp nhận sự quy hàng của nghĩa quân.

Khi y và tùy tùng đi giữa những hàng cờ trắng tín hiệu của đầu hàng thì bất ngờ bị nghĩa quân từ nơi mai phục xông ra đánh giáp lá cà, tên tỉnh trưởng Alix Salicetti cùng quân lính đi theo bị tiêu diệt. Đốc binh Lê Cẩn hy sinh trên đường truy kích địch.

Tượng đài Lê Cẩn - Nguyễn Giao.
Tượng đài Lê Cẩn - Nguyễn Giao.

Để trả thù, chỉ hơn tuần lễ sau, vào ngày 23/2/1872, thực dân Pháp huy động hàng trăm quân lính do Tôn Thọ Tường, chủ quận Vĩnh Trị (Vũng Liêm), Trần Bá Lộc, chủ quận Cái Bè và Đội Tấn là những tay sai ác ôn của Pháp chỉ huy cuộc càn quét.

Bọn chúng đàn áp dã man dân làng Trung Trạch, chúng cướp sạch, đốt sạch, thảm sát hơn 500 người dân vô tội, lấp thây xuống đáy hồ. Tên hồ Vũng Linh (hồ linh thiêng bắt nguồn từ đây).

Sau lần ấy, cả một vùng quê này đầy vẻ tang tóc, thê lương, âm khí nặng nề, bà con còn truyền tai nhau những chuyện mang màu sắc tâm linh, huyền bí - vào những đêm mưa gió bão bùng dường như có hàng trăm, hàng ngàn tiếng ma kêu, quỷ khóc từ phía hồ vọng lại...

Về phần Nguyễn Giao, sau thời gian ẩn náu, tổ chức lực lượng tiếp tục kháng chiến ở vùng đất Vĩnh Trị và trong một trận chiến đấu trên sông Cổ Chiên ông đã anh dũng hy sinh.

Cách di tích hồ Vũng Linh một con đường là tượng đài Lê Cẩn - Nguyễn Giao, tượng cao 7,5m (riêng phần đế cao 2,5m); chất liệu bằng đồng, nặng 21,5 tấn, theo mẫu của nhà điêu khắc Trần Văn Trầm quê ở tỉnh Tiền Giang.

Có dịp về với Vũng Liêm, khi đi ngang qua ngã ba An Nhơn, TT Vũng Liêm, nhìn tượng đài hoành tráng thể hiện hình dáng oai hùng của Đốc binh Lê Cẩn cùng Phó tướng Nguyễn Giao đứng uy nghiêm với binh khí trong tay, ngắm hoa vông đồng vẫn còn giữ sắc đỏ của quê hương, màu đỏ - màu của chiến công thấm đẫm máu bao người, như nhắc cháu con luôn nhớ về truyền thống yêu nước, ý chí hào hùng, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của cha ông, sẵn sàng hy sinh thân mình vì quê hương, dân tộc.

(*) Bài viết có tham khảo sách “Từ điển nhân vật lịch sử tỉnh Vĩnh Long” của Nguyễn Chiến Thắng, NXB Thuận Hóa, năm 2019.

Bài, ảnh: ANH TIẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh