"Đề cương về văn hóa Việt Nam" do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2/1943.
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2/1943.
Đây được coi là khởi nguồn, đặt nền móng cho đường lối văn hóa cách mạng của Đảng, với những quan điểm lý luận đầu tiên, đề cập các vấn đề cơ bản, toàn diện, sâu sắc, có tính nền tảng về nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác- Lênin.
Đề cương đã thực sự trở thành ngọn đuốc trí tuệ sáng ngời, soi đường, dẫn lối cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc- khoa học- đại chúng, xây dựng đời sống mới, kháng chiến và kiến quốc.
Tiếp đó, Đảng nhanh chóng thành lập Hội Văn hóa cứu quốc vào tháng 4/1943, thu hút, tập hợp, động viên những trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước và cách mạng, hình thành một lớp người tiên phong của nền văn hóa, văn nghệ cách mạng.
Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở; học tập cái hay của văn hóa Đông- Tây để tạo ra một nền văn hóa thuần túy Việt Nam, hợp với tinh thần dân chủ; phải làm cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ; phải làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng.
Tại hội nghị này, Người khẳng định: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.
Nhằm phát huy sức mạnh to lớn của văn hóa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng, ngày 16/7/1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đọc bản báo cáo quan trọng “Chủ nghĩa Mác- Lênin và văn hóa Việt Nam”.
Trước đó, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, nhiều hội nghị thi đua ái quốc đã được triển khai rộng khắp ở các ngành, các giới, các cấp, từ Trung ương tới địa phương.
Ngay trước ngày khai mạc hội nghị lần thứ hai này, ngày 15/7/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng, Người nhấn mạnh: “Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”.
Vì vậy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được xem là Hội nghị Thi đua ái quốc của trí thức, các văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng- văn hóa thời kháng chiến chống Pháp. Hội nghị đã vạch ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm của công tác văn hóa, đoàn kết các hoạt động văn hóa thành một mặt trận nhằm động viên các hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong hình hình mới.
Dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và định hướng của các lần hội nghị văn hóa toàn quốc, cùng những chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận và các văn nghệ sĩ đã trở thành người chiến sĩ thực thụ trên mặt trận ấy.
Các thế hệ cán bộ, trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn nghệ “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền” như nhà thơ Sóng Hồng đã viết, đưa nền văn hóa, văn nghệ cách mạng đạt thành tựu rực rỡ, với nhiều tên tuổi và tác phẩm để đời, tạo động lực to lớn, cổ vũ cả dân tộc kiên cường đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hội nhập và phát triển.
Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Nền văn hóa, văn nghệ nước ta xứng đáng đứng vào vị trí tiên phong của nền văn hóa, văn nghệ chống đế quốc, phong kiến trên phạm vi toàn thế giới trong thời đại ngày nay”.
Đúng 75 năm sau ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 24/11/2021, cũng tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, sâu sắc và toàn diện, khẳng định và nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đây được xem là ngày hội lớn, một “Hội nghị Diên Hồng” của toàn ngành văn hóa, mở ra bước ngoặt khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới với nhiều thành tựu, thời cơ và khó khăn, thách thức, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân.
Dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam và các lần hội nghị văn hóa toàn quốc, Đảng ta vận dụng, phát triển và từng bước hoàn thiện tư duy lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn nền văn hóa nước ta.
Văn hóa đã thực sự soi đường và tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng “soi đường cho quốc dân đi” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Văn hóa quyết định sự tồn vong của một quốc gia, dân tộc. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn,...”.
Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta chỉ rõ một trong 12 định hướng giai đoạn 2021-2030: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước”.
Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam và nhắc nhớ các lần hội nghị văn hóa toàn quốc, cùng với cả nước, tỉnh Vĩnh Long tổ chức nhiều hoạt động nhằm khẳng định, tôn vinh một cách sâu rộng ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của đề cương, của tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa, văn nghệ để tiếp tục triển khai thực hiện, vận dụng có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long thời gian tới, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, là 1 trong 3 trụ cột vững vàng đảm bảo cho sự phát triển bền vững đất nước: “Phát triển kinh tế- xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng toàn diện là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng- an ninh là trọng yếu, thường xuyên” mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
QUỲNH NHƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin