Ngày Valentine - ngày Tình nhân 14/2 năm nay đã đến, nhưng dường như không được chào đón nồng nhiệt cho lắm. Tôi hỏi vài người bạn "tặng gì cho vợ, cho tình nhân?"- họ cười bảo "một tô phở, vừa ngon vừa bổ". Tôi hỏi một anh chủ tiệm hoa tươi "đơn hàng tới tấp không?" - ảnh thở dài "chỉ hơn ngày thường một chút".
(VLO) Ngày Valentine - ngày Tình nhân 14/2 năm nay đã đến, nhưng dường như không được chào đón nồng nhiệt cho lắm. Tôi hỏi vài người bạn “tặng gì cho vợ, cho tình nhân?”- họ cười bảo “một tô phở, vừa ngon vừa bổ”. Tôi hỏi một anh chủ tiệm hoa tươi “đơn hàng tới tấp không?” - ảnh thở dài “chỉ hơn ngày thường một chút”.
Những đàm thoại đơn điệu và thiếu hào hứng hết sức, thậm chí nhiều người còn không muốn nhớ đó là ngày gì. Tết vừa qua với bao nhiêu chi tiêu, quà cáp, lì xì gia đình, con cháu hai bên nội ngoại… ngày Valentine đã tới liền! Điều gì khiến người ta “thấy sợ” những ngày để dành cho nhau sự quan tâm, chia sẻ?
Không hiểu do thị trường hay định kiến, mà những ngày như 14/2 chẳng hạn, thường “mặc định” phụ nữ luôn là người được tặng quà và nam giới luôn “gồng mình” là “người tặng quà” lịch lãm, ga lăng.
Điều này vô hình chung tạo ra cán cân áp lực và gánh nặng nghiêng về phía nam giới, trong khi sự quan tâm lẽ ra nên được chia đều cho hai phía.
Tình nhân là ngày của đôi ta nên hãy cùng đem đến niềm vui, hạnh phúc cho nhau. Trên nhiều bộ phim tình cảm lãng mạn, người xem cảm nhận tình cảm chân thành của đôi tình nhân dành cho nhau từ những món quà nho nhỏ tinh tế, đúng thời điểm và đúng nhu cầu của người khác giới.
Ví dụ như chiếc cà vạt nàng tặng cho chàng thêm tự tin bước vào phỏng vấn, một chiếc bút cài túi áo sơ mi…
Quà tặng không chỉ là quà tặng mà còn là sự trân trọng, yêu thương, thấu hiểu những nhu cầu cần thiết của người bạn (và hơn nữa là tình nhân). Thế nên một đóa hồng hay một bó hoa hồng, hoa vải hay hoa sáp không quan trọng, mà là cách chúng ta chuyển tải thông điệp đó như thế nào?
Gần đây, các cửa hàng bán quà lưu niệm còn “lăng xê mốt” tặng bó hoa bằng tiền, những tờ tiền đủ mệnh giá được gia công gói thành bó hoa.
Những bạn trẻ, sinh viên sẽ rất thích cái thực dụng đủ để “đãi các bạn cùng phòng đi ăn lẩu”; nhưng không ít người lớn tuổi lại “hổng khoái” món quà lộ liễu và có phần “định giá” người được tặng đó. Bởi tình cảm chân thành làm sao tính bằng tiền được?
Mỗi dịp lễ Tết, nhìn hàng hàng lớp lớp hoa, quà tặng bày bán đầy ra đường ban đầu thấy cũng hay hay, nhưng càng ngày lại thấy… ít hay hơn.
Nhiều người bán nhưng giá bán không chắc rẻ hơn. Và vì quá nhiều và quá dễ mua, những món quà mua vội, mua cho có, mua mà chẳng biết đối phương có yêu thích… lại càng thiếu đi ý nghĩa của nó.
Đừng cứ theo phong trào “thấy ngoài đường người ta bán, mua tặng cho vui” đến một lúc nào đó người nhận sẽ nhàm chán (và cả người tặng cũng thấy sao sao).
Ông bà ta có câu “của cho không bằng cách cho”, một món quà tự thân nó đã mang một ý nghĩa riêng của người tặng và người được tặng.
Chúng ta vẫn phải tính bài toán “bông hoa hay tô phở” cái nào thiết thực hơn, nhưng cũng không thể quá thực dụng “quy ra tiền” mọi thứ.
Vậy thì sẽ “cơ cấu lại” việc tặng quà và nhận quà trong cuộc sống chúng ta sao đây, để không bị cuốn theo số đông “phải tặng hoa, tặng quà”, chạy theo trào lưu mà vô tình tự tạo áp lực “lạm phát tình phí”?
Những cặp đôi tình nhân, qua những cơ hội và có dịp thổ lộ tình cảm của mình, trong đó một số sẽ tiến tới một giai đoạn bước ngoặt của cuộc đời, đó là về chung một nhà.
Và rất nhiều cặp vợ chồng cũng muốn dịp này để trở lại “một thời hoa mộng” đầy lãng mạn, dành cho nhau nhiều yêu chiều, để nắm tay cùng bước tiếp mà không còn ngại ngùng thổ lộ “với anh em mãi là người tình trăm năm”.
“Người tình trăm năm” nên hãy dành cho nhau những quan tâm, thấu hiểu trong cuộc sống. Đến một lúc ta sẽ hỏi “Người tình ơi mơ gì” và được nghe thỏ thẻ: “Ước mơ em thật lớn lao/ Mơ đôi mình đừng dối nhau…”! Thì mới vỡ lẽ, người ấy có mơ gì lớn lao đâu!
Bài, ảnh: YÊN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin