Ngày thơ Việt Nam năm 2023: "Nhịp điệu mới" xây niềm tin mới

Cập nhật, 06:08, Thứ Ba, 07/02/2023 (GMT+7)
Không gian tổ chức ngày thơ có trưng bày sách, các nghệ nhân viết thư pháp, cho chữ đầu năm.
Không gian tổ chức ngày thơ có trưng bày sách, các nghệ nhân viết thư pháp, cho chữ đầu năm.

(VLO) Hòa chung không khí của ngày Thơ Việt Nam, tại Vĩnh Long, ngày tôn vinh thơ đã được tổ chức ấm cúng và đong đầy cảm xúc. Với những giá trị truyền thống - hiện đại, thơ được công chúng yêu thương, đón nhận và lan tỏa.

Trăng tròn đón hội thơ

Trong không khí nồng ấm hương xuân, tỉnh Vĩnh Long tổ chức ngày Thơ lần thứ 21 tại Văn Thánh miếu - nơi được xem như một tao đàn văn nghệ được xây dựng vào năm 1869 quy tụ nhiều nhà thơ yêu nước tạo nên phong trào vang dội khắp cả vùng Nam Kỳ.

Ông Trần Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh ôn lại những câu chuyện đầy tự hào khi Vĩnh Long có những nhà thơ lớn như: Thượng Tân Thị, Nhiêu Tâm, Học Lạc, Phan Văn Trị…

Trong đó, nổi bật có Nguyễn Hải Trừng với truyện thơ “Chú Hai Neo”, Truy Phong nổi tiếng với “Một thế kỷ mấy vần thơ”…

Trong thời kỳ chống Mỹ có các nhà thơ: Nguyễn Minh Điền, Sa Giang Tử, Văn Tước, Kiên Tâm, Nguyễn Minh Quang, Sao Vàng, Trúc Phương, Song Hảo. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đội ngũ những tác giả thơ Vĩnh Long không ngừng phát triển và trưởng thành.

Hiện nay, đội ngũ những người làm thơ ở Vĩnh Long có trên 50 tác giả - khá hùng hậu và vững chãi như: Nguyễn Hồng Trung, Thái Hồng, Nguyễn Xuân Quang, Phan Phúc Bình, Bằng Lăng, Văn Quốc Thanh, Hồ Tĩnh Tâm,…

Mở đầu ngày thơ, một hồi trống vang lên… rồi tiếng trống lắng dần. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt hào hùng được thể hiện bởi Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm.

Bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên với hào khí ngất trời của dân tộc Việt Nam.

Còn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù người bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn dành nhiều thời gian để hòa mình với thiên nhiên với đất trời và với văn thơ.

Người đã để lại một kho tàng văn thơ đồ sộ với nhiều tác phẩm đi vào lòng người và có giá trị nhân văn sâu sắc. Trong đó có một bài thơ đã trở thành tiêu đề cho ngày Thơ Việt Nam - bài thơ “Nguyên tiêu”.

Bài thơ “Ước hẹn thật thà” của Bằng Lăng khắc họa nỗi nhớ về một miền quê yêu dấu, nơi cất giữ những hình ảnh thân thương suốt quãng đời thơ ấu cùng với một lời ước hẹn sẽ trở về.

Có một tác phẩm viết về TP Vĩnh Long với lời thơ khi thì nhẹ nhàng, bình dị, khi thì khí thế hào hùng, lúc thì sâu lắng, lúc lại rộn ràng khiến người nghe cảm nhận rõ nét về một thành phố rất đỗi thân thương trong “Thành phố bình yên” của tác giả Hoàng Đình Hòa…

Dưới ánh trăng tròn, các tiết mục văn nghệ, những vần thơ ngân vang làm cho ngày thơ thêm lắng đọng, ấm cúng. Đêm thơ là cầu nối đôi bờ rung cảm của người làm thơ và công chúng yêu thơ.

Đây cũng là dịp để các nhà thơ chia sẻ, trao đổi trong lĩnh vực thơ ca, là niềm tin, là động lực để thơ ca cất cánh, bay cao.

Tựa vào thơ để đi tới

Ông Trần Thanh Sơn cho biết, ngày Thơ Việt Nam 2023 có chủ đề “Nhịp điệu mới”, là nguồn năng lượng mới, sức sống mới, sáng tạo mới, thơ ca Vĩnh Long sẽ hướng về chủ quyền dân tộc, hướng về núi sông bờ cõi của gấm vóc giang sơn ngàn năm văn hiến.

Văn học nghệ thuật với quá trình xây dựng NTM; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, khát vọng góp phần xây dựng con người Vĩnh Long, quê hương Vĩnh Long ngày càng giàu về vật chất, đẹp về văn hóa tinh thần, xứng đáng là vùng đất địa linh nhân kiệt.

Đón xuân, mừng Đảng, đồng hành và sáng tạo, trong “Nhịp điệu mới” và chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc dưới sự dẫn dắt của Đảng trên hành trình đi tới tương lai, đem lại đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cho con người.

“Thơ ca cần đem đến sự bình yên cho mỗi con người. Thêm một người được bình yên trong tâm tưởng, thế giới bớt đi một điều bất hạnh”- Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật chia sẻ.

Vĩnh Long hiện có khoảng 50 tác giả, có những người rất trẻ, thơ ca phản ánh hiện thực đời sống sinh động, hơi thở của thời đại mới. Cuộc gặp gỡ giữa những nhà thơ nhiều thế hệ cùng san sẻ, truyền lửa sáng tạo cho người trẻ.

Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm cho rằng: “Vĩnh Long là “miền đất hạt vàng”, sông nước hữu tình, nền văn học Văn Xương Các còn in bóng trên dòng sông Long Hồ với những bậc tiền nhân rất giỏi.

Nếu chúng ta phát huy được bằng cách ca ngợi quê hương với những đổi mới, không chỉ ca ngợi cái tốt, cái đẹp mà phải viết cả những ưu tư, trăn trở thì nó sẽ trở thành những bài thơ hay”.

Nhà thơ Thái Hồng khắc khoải, đau đáu chứng kiến cơn đại dịch đi qua, để lại bao nhiêu đau thương, mất mát, nghẹn ngào…

Nhưng với niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống, đoạn kết của bài thơ “Nước mắt đã hóa mạch ngầm” gửi gắm niềm tin về một ngày mai tươi sáng: “Khi bao người về cõi lặng thinh/ Khắc nỗi đau vào thời gian trầm tích/ Con người oằn vai kiến dựng/ Từ hoang tàn nhặt nhạnh niềm tin/ Bàn tay ấm nắm bàn tay lạnh/ Thắp lửa vun vén chồi xanh/ Nước mắt đã tuôn… hóa mạch ngầm nuôi dưỡng cây đời tỏa hương”.

“Nhịp điệu mới” mang đến niềm tin mới, hướng tới một tương lai tràn đầy hy vọng. Đó là sức mạnh và cũng là giá trị sâu sắc nhất của thơ ca dù ở giai đoạn nào của đời sống.

 Với niềm tin mới, mỗi văn nghệ sĩ sẽ ý thức trách nhiệm hơn, nỗ lực hơn sáng tác nên nhiều tác phẩm có giá trị, cổ vũ dựng xây quê hương giàu đẹp.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ