Truyện ngắn

Xóm Mới

Cập nhật, 07:10, Thứ Tư, 25/01/2023 (GMT+7)

Giáp Tết, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu không khí cũng nhộn nhịp hẳn. Nhưng ở cái xóm Mới này thì đúng như tên gọi, mọi thứ để chuẩn bị đón Tết đều rất... mới, một chút nhộn nhịp, một chút bâng khuâng xen chút... bỡ ngỡ.

Đón Tết mà có chút bỡ ngỡ? Nghe lạ! Nhưng đúng! Không chỉ vậy, người ta còn nói ở xóm Mới có nhiều cái lạ. Lạ vì xóm nhỏ xíu, chỉ hơn ba mươi hộ nhưng có đến hai tổ.

“Đơn vị tổ” cũng không do địa phương cơ cấu mà người dân tự gọi. Tên tổ cũng lạ, không theo thứ tự tổ một, hai mà là tổ Thương Hồ và tổ Nhà Bè. Người trong xóm thấy đúng, người qua đường nghe lạ, hơi khó hiểu.

Thật ra xóm Mới được thành lập chỉ gần một năm, là kết quả của sự quan tâm và những tấm lòng nhân hậu. Dân trong xóm có thể đã từng quen nhau, thậm chí đã nhiều năm gắn bó, nhưng cũng có thể là những người tứ phương, hoàn toàn xa lạ.

Ở đây, mỗi gia đình là một hoàn cảnh song họ có điểm chung là chưa một ai đã từng có được căn nhà theo đúng nghĩa. Họa chăng có nhưng từ cái hồi xa lắc xa lơ.

Xét về nghề nghiệp, nơi sống, điều kiện sống,... trước đây thì họ được chia thành hai nhóm mà dân trong xóm đều thích gọi đùa với nhau là hai “tổ” cho giống như mọi công dân có... nhà.

Tổ Thương Hồ gồm những người trước đây sống lang bạt kỳ hồ, lênh đênh trên ghe cùng sông nước. Họ buôn bán trên sông, thong dong cùng con nước lớn ròng.

Nhưng đời thương hồ lắm khi bạc bẽo. Người có nhà, thậm chí chỉ là nhà của bà con dòng họ thì ít ra những ngày tết nhứt còn có chỗ để về, để ăn bữa cơm đoàn viên cùng dòng họ sau khi cúng bái tổ tiên.

Còn những kẻ trót đã sinh ra và lớn lên trên sông, ngày Tết cũng chỉ quanh quẩn trên ghe, mua vài chậu bông vạn thọ chưng trước mũi, nấu nồi thịt kho hột vịt, đốt cây nhang khấn hương hồn ông bà từ nơi xa lắc nào đó về đón Tết.

Người thuộc tổ Nhà Bè đã từng sống trên những chiếc bè, neo cố định, thường tụ lại thành xóm nhỏ. Đường đi từ nhà bè lên bờ là những chiếc cầu ván nhỏ, dài ngoằn có tay vịn.

Nghề chính của họ là nuôi cá trên sông. Dần dà những người làm ăn khấm khá đã cải tạo bè thành những căn nhà bè khang trang hoặc mua đất đai, cất nhà ngay trên bến.

Ngược lại, những kẻ làm ăn thất bại, thua lỗ, đành cố bám những căn nhà bè xuống cấp, chấp vá làm nhà mà phần lớn là chiếm dụng hành lang giao thông đường thủy rồi lên bờ làm đủ mọi việc để mưu sinh. Và khi những đứa trẻ lớn lên thường mang trong mình mặc cảm khi đối diện với những người “trên bờ”.

Và hơn ba mươi hộ gia đình từng là dân thương hồ, nhà bè phải sống trong cảnh nghèo và khổ nhất trong những người nghèo khổ đã được về đây- xóm Mới.

Chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đã cho họ cuộc đời mới ở ngay cái xóm Mới này. Chính quyền địa phương thì hỗ trợ đất cất nhà và lo các thủ tục về mặt pháp lý: hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Các nhà hảo tâm thì xây nhà tặng vật dụng gia đình.

Có an cư mới lạc nghiệp, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện về công ăn việc làm cho dân xóm Mới như đan thảm lục bình, lột vỏ hạt điều, làm công nhân, bảo vệ trong các công ty ở khu công nghiệp trên địa bàn,...

***

Ông già Hai uống thêm ly rượu, chống hai tay ra manh chiếu, ngửa mặt nhìn lên khoảng trời đầy sao.

- Thiệt là giống như một giấc chiêm bao! Mới đây mà đã gần một năm. Tết năm nay, không biết đã bao lâu mới được đón cái Tết không có sóng chòng chành.

Năm Quắn gật gù:

- Dạ, đúng rồi chú Hai. Từ khi cha sanh mẹ đẻ tới giờ, đây là lần đầu tiên con được ăn cơm chiều 30 Tết rồi đón giao thừa trên bờ. Vợ, con thì mặc sức chưng bông, chưng dọn bàn thờ gia tiên trong chính căn nhà của mình mà hổng sợ chật chội.

Ba Rô đồng tình, niềm vui thể hiện qua nụ cười đến tít mắt. Chú nói với Năm Quắn:

- Ái dà! Ăn cái Tết mà thấy bỡ ngỡ thiệt đó anh Năm. Hổng biết là mình tỉnh hay mơ nữa? Hồi sáng, thằng Nhí nhà tui - đang làm công nhân trong công ty thức ăn gia súc - nói mùng hai Tết rủ bạn có trai, có gái tới nhà chơi. Có bi nhiêu đó vậy mà bà xã nhà tui tự dưng rớt nước mắt cái độp.

Thằng con hỏi bộ má sợ tốn tiền nên khóc hả? Bả vỗ vô vai nó cái chát, nói mầy khùng hả, má vui! Vui thấu trời luôn nè! Rồi bả te te bỏ xuống nhà sau.

Nói vui mà rớt nước mắt, thằng con nhìn qua tui. Tui cũng hổng dám ngó mặt nó mà day qua chỗ khác, nói bao nhiêu đứa tới nhà chơi vậy con để má mầy chuẩn bị nấu nướng.

Ba Rô uống cạn thêm ly rượu rồi tiếp:

- Mà, anh Năm có biết tại sao tui hổng dám nhìn mặt thằng con của mình không? Tại... tại... lúc đó con mắt của tui cũng ướt chèm nhẹp luôn! Con trai tui, thằng con trai hai mươi bảy tuổi đầu mà chưa dám quen bạn gái, chưa một lần dám rủ bạn bè về nhà chơi.

Tại sao à? Tại... mình có nhà đâu mà rủ? Căn bè mục nát, nóc vá chằng vá đụp, chính quyền địa phương nhiều lần kêu gọi di dời mà cố ở lì...

Ba Rô ngưng ngang câu chuyện vì những giọt nước trong veo từ mắt chảy dài xuống gò má rồi vô tình chạm vào môi nghe mằn mặn.

Không gian lắng đọng như ngừng trôi. Ông già Hai run run nắm lấy bàn tay của người đàn ông trung niên như truyền thêm hơi ấm, nghị lực, tình người. Chờ Ba Rô qua cơn xúc động, ông cười nhẹ:

- Ở xóm Mới này thì ai cũng có hoàn cảnh. Mình gặp nhau, được sống nơi này chắc cũng là cái duyên. Thôi, từ bây giờ mình phải vui lên, những cơ cực của ngày xưa chính là động lực để chúng ta cố gắng hơn nữa và sống tốt hơn.

Ba Rô khẽ dạ rồi mắt như chợt sáng lên, nói với ông già Hai:

- Mà, chú Hai ơi! Mơi mốt thằng Nhí nhà con có cưới vợ, chắc... vợ chồng con phải nhờ chú đại diện hàng ông bà ngồi sui cho nó. Ngoài chú ra, tụi con bây giờ không còn người thân nào là cao tuổi cả...

Mọi người trong mâm nhậu cười cái rần xen lẫn giọng của ai đó: “Chưa gì mà cha nội này ham mần sui lắm rồi nè! Cho một tràng pháo tay và nâng ly thôi! Dô!”. Vừa lúc thím Ba Tho bước qua, cười thật tươi:

- Mấy ông này nói chuyện gì mà vỗ tay rần rần vui quá vậy cà? Nhậu ít thôi nghen! Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa là giao thừa rồi, còn cúng kiếng nữa đó. Mà, cho tui uống ké một ly với!- Thím quay sang ông già Hai- Xin phép chú cho con uống một ly góp vui trong cái đêm trọng đại của xóm Mới này!

Tư Bon chưng hửng:

- Ủa, thím Ba uống rượu đế được nữa hả?

Thím Ba cười:

- Mầy đừng có coi thường phụ nữ à nghen, Tư Bon. Cái gì đàn ông làm được là bà Ba Tho này hổng có ngán đâu.

Thím Ba là người rất có cá tính, hay cắc cớ và nói chuyện tiếu lâm. Nghe mọi người vỗ tay, thím tiếp:

- Hồi còn ở ghe, sáng sớm mà phải trầm nghịch dưới nước đánh bắt cá thì tao cũng bắt chước theo người ta uống nước mắm nhỉ cho bớt lạnh. Tháng mưa dầm, gió từ giữa sông thổi tới lạnh thấu xương thì tao với mấy bà ở bè kế bên xúm nhau uống vài ngụm rượu đế cho ấm bụng.

Anh Quân khoái chí, rót hai ly, mời:

- Hay quá! Nè, mầy mời thím Ba đi, Bon!

Tưởng nói giỡn, không ngờ thím Ba bưng ly, đụng cái chát với anh Bon rồi uống cạn. Thím xin miếng khô ăn cho bớt cay miệng rồi đứng lên cười tủm tỉm. Trước khi ra về, thím còn nhắc:

- Mấy ông tranh thủ phụ ông già Hai dọn dẹp là vừa rồi, ai về nhà nấy để chuẩn bị cúng kiếng.

Đêm giao thừa. Xóm Mới không đèn đường cao áp, không xe cộ đông đúc, không có đường hoa lộng lẫy nhưng lòng người nghe ấm.

Họ, từ những người phần lớn là xa lạ, tứ phương giờ trở nên thân thương như ruột thịt. Và trong đêm nay, chuẩn bị đến thời khắc giao thừa thiêng liêng, những người con của xóm Mới đã từng trải qua bao gian nan, sóng gió đang thổn thức về những ký ức buồn vui trong đời.

Ông già Hai mơ màng nhớ lại cái thời mười bảy, mười tám tuổi cùng ba má lênh đênh trên vùng sông hồ xa lạ. Ông đã chứng kiến nhiều thăng trầm trong cuộc sống của những bà con trên sông.

Từ những ngày cuộc sống khá sung túc, bởi cá tôm nhiều vô kể, chỉ vài mẻ lưới là xuồng chở không hết cho đến những năm nguồn cá cạn kiệt, cuộc sống khó trăm bề.

Họ, biết bao người vì cơm áo mà quyết chí làm ăn xa quê rồi có khi vĩnh viễn nằm lại đâu đó ở xứ người. Bây giờ, có hạnh phúc nào bằng khi được trở về và sống trên “Đất Mẹ”.

Rồi đến sáng mai - mùng một Tết - chính quyền địa phương nói sẽ đến thăm xóm Mới. Bà con chòm xóm đề nghị ông là người đại diện phát biểu nói lời tri ân. Biết nói gì đây khi tình cảm, ân nghĩa của chính quyền và các nhà hảo tâm đối với ông và mọi người là vô cùng to lớn không gì sánh bằng.

Còn chú Ba Rô, đến bây giờ chú vẫn không thể hình dung sẽ có một ngày gia đình mình được sống trong căn nhà như vầy. Có đêm chú ngủ một giấc, giật mình nhìn quanh quẩn vẫn không dám tin vào mắt mình đây là sự thật.

Cả đời cha mẹ chú đã sống chật vật trên nhà bè cho đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng trên chiếc bè đã cũ. Đến chú, dù hơi muộn nhưng cũng may là chú gặp và cưới được thím, người phụ nữ mồ côi, hiền hậu, đảm đang làm nghề mua gánh bán bưng.

Hai vợ chồng cũng lại tiếp tục sinh sống trên căn bè cũ nát. Bây giờ, hai đứa con đã có việc làm ổn định, là công nhân như bao người dân bình thường khác nhưng chú Ba lại thấy rất vui và hãnh diện.

Tưởng tượng đến cái ngày thằng Nhí lấy vợ rồi sau đó gả đứa con gái út trong căn nhà ở xóm Mới này, chú mừng muốn rơi nước mắt.

Năm Quắn từ nhỏ đã là dân thương hồ. Ngày mới lên bờ, ở xóm Mới, chú thấy không quen. Chú nhớ những chiếc ghe bồng bềnh trên sóng nước, có chút chòng chành nhưng dễ ngủ, nhớ những chuyến đi dài ngày chở hàng hóa đi miệt Thứ hay xuống tận đất mũi Cà Mau.

Năm mươi tám tuổi là bấy nhiêu thời gian chú, thím lênh đênh theo con nước, thấm thía nỗi khổ cực của dân thương hồ.

Những tháng mưa dầm, buôn bán ế ẩm, ghe thì cũ kỹ, chấp vá, chú nghĩ dân thương hồ từ trong bụng mẹ và khổ như vợ chồng chú chẳng qua là vì không nhà, không ruộng, không vườn mà thôi. Gia tài, mọi sinh hoạt của vợ chồng và hai đứa con chỉ gói gọn trên một chiếc ghe rộng chừng tám mét vuông.

Có người nói, sông thì rộng lại có đến trăm ngàn ngã rẽ, song đời thương hồ lắm khi lại lẩn quẩn vì ghe chật hẹp và phần lớn con cái của họ là không biết chữ.

Riêng chú, thím dù rất cố gắng nhưng cũng chỉ cho hai con được học hết cấp một. Lý do thì nhiều nhưng ngoài việc do hoàn cảnh khó khăn, dân sông nước rày đây mai đó thì biết học ở chỗ nào, còn bám trụ hoài một chỗ để con đi học thì lấy gì mà ăn.

Thậm chí chú và đa số dân thương hồ thường nghĩ, nếu con mình có ăn học đến nơi đến chốn rồi cũng sẽ quay về lại với ghe, với xuồng.

Phải, làm sao có đất để sống trên bờ? Làm dành dụm, chắt mót cả đời họa chăng chỉ có thể sắm thêm một chiếc ghe nhỏ làm gia tài khi con cưới vợ, ra riêng, làm gì có tiền mua đất, mua nhà để lên bờ để thoát kiếp long đong, mờ mịt.

Nhưng ở xóm Mới này thì tương lai của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ đã sáng rõ. Họ có được nhà, có công việc ổn định, có được những chòm xóm không ruột rà mà thân nhau như bà con ruột thịt.

Tiếng chúc Tết râm ran “năm mới mần ăn mau giàu nghe chú Hai”, “năm mới mạnh khỏe nghe chú Năm”…, những người đàn ông xóm Mới trở về nhà chuẩn bị đón giao thừa, đêm giao thừa tựa một giấc chiêm bao nhưng rất thật.

Đêm nay, xóm Mới đón một đêm giao thừa không có sóng chòng chành và lòng người nghe bình yên đến lạ. 

NGUYỄN LINH