Thư xuân từ hải đảo

07:01, 29/01/2023

Đối với Nam, điều vui nhất trong cuộc đời người lính đảo là nhận thư và quà từ đất liền. Mặc dù những cuộc gọi từ đất liền ra hải đảo vẫn liên tục sớm chiều nhưng Nam vẫn mong chờ những cánh thư vượt trùng dương, những món quà - cũng chỉ là mấy thứ lưu niệm bé nhỏ, móc khóa hay bức chân dung người lính hải quân, phía trên có mấy chú hải âu sải cánh bay chấp chới - khiến Nam vô cùng sung sướng.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

(VLO) Đối với Nam, điều vui nhất trong cuộc đời người lính đảo là nhận thư và quà từ đất liền. Mặc dù những cuộc gọi từ đất liền ra hải đảo vẫn liên tục sớm chiều nhưng Nam vẫn mong chờ những cánh thư vượt trùng dương, những món quà - cũng chỉ là mấy thứ lưu niệm bé nhỏ, móc khóa hay bức chân dung người lính hải quân, phía trên có mấy chú hải âu sải cánh bay chấp chới - khiến Nam vô cùng sung sướng.

Thời điểm này đảo xa cũng không khác bao nhiêu so với những mùa còn lại trong năm. Trong khi đó ở đất liền, miền Bắc đang đón chào mùa xuân bằng những cánh đào thắm sắc, còn miền Nam đang rực rỡ một trời mai vàng, không khí đầm đầm ấm ấm, lạnh lạnh se se.

Ở đây, thi thoảng Nam cảm nhận được ngọn gió mùa xuân từ đất liền nỗ lực tiến về phía đảo xa. Nhưng hương xuân trong gió cũng nhạt nhòa đi ít nhiều.

Nam chắc chiu từng chút, gom tất cả nỗi nhớ niềm thương, những khát vọng của người trai trẻ hiên ngang giữa biển trời Tổ quốc gửi vào trong cánh thư. Cánh thư theo tàu về thành phố miền Nam giữa những ngày xuân đến. Lá thư đến tay người cần đến.

Một nụ cười tươi tắn trên đôi môi thiếu nữ ngồi hong tóc bên hiên cuối chiều 29, 30, nâng niu chút thư tình trên bàn tay năm ngón thon thon.

“Tết này nữa là bao Tết rồi anh không được đón xuân trên đất liền, với em và với mẹ. Em thân yêu! Em có thấy thiệt thòi khi yêu chàng lính đảo như anh hay không?”.

Áp lá thư sát vào khuôn ngực trái. Mắt nhắm hờ. Vài sợi tóc lòa xòa trước trán Nhiên. Gió mùa xuân khiến Nhiên khẽ rung lên, se sắt.

Nhiên tự nhủ: “Làm sao thiệt thòi được hả anh, khi em yêu một chàng trai đã vượt qua giới hạn cá nhân, một chàng trai đầy trách nhiệm, lúc nào cũng lo nghĩ cho Tổ quốc…”. Giọt nước mắt ứa ra, chảy dài trên gò má của Nhiên, âm ấm.

Trong thư là tất cả những tình cảm, tâm sự của Nam gửi về Nhiên. Những lời lẽ đó, qua điện thoại, Nam không tài nào nói được. Có lần Nhiên vờ dỗi Nam chẳng nói được với nàng một lời yêu thương tha thiết, Nam ngượng nghịu và chống chế lại:

- Em chẳng nghe người ta nói lính đảo khô khan lắm hay sao? Lính đảo khô như gió biển, như đá sỏi vậy!

Nhiên cười, muốn giận cũng không thể giận được. Khô khan ở trong lời nói nhưng trong thư thì lãng mạn, ngọt ngào, những dòng viết chất chứa tâm tình, những câu thơ Nam viết vội vã khi cảm xúc bất chợt ngoi lên, khi niềm nhớ thương đất liền và những người thân yêu cuộn trào như từng đợt sóng.

Mặc dù có chút buồn vì Nam đã hẹn Tết này Nam về với Nhiên, cả hai cùng đón mùa xuân đáng nhớ nhất giữa lòng thành phố phương Nam, vậy mà Nam đành lỗi hẹn.

Nhưng cũng như Nam, nàng là người trẻ biết nghĩ cho những điều lớn lao, cho đất nước. Nàng không thể sống ích kỷ, cũng không thể nào bắt Nam - một chàng trai đầy nhiệt huyết, khát vọng - chỉ sống vì hai chúng mình.

Mỗi khi dạy đến những bài thơ về đất nước, về người lính và chiến tranh, Nhiên thường hay đọc cho đám học trò nghe bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mĩ, trong đó có câu: Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào/ “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…”.

“Chúng mình ‘biết sống xa nhau’ khi biển trời quê hương cần anh canh giữ” - Nhiên viết vậy.

*

Một mùa xuân nữa lại xa nhau. Kể từ ngày Nam báo tin sẽ ra đảo xa nhận nhiệm vụ đến giờ, Nhiên gặp Nam đúng một lần.

Đó là khi Nhiên may mắn được đi cùng Đoàn công tác số 07 ra đảo, vào mùa hè năm ấy, khi những cánh chim hải âu bay rợp trời.

Vì hải đảo là tiền tiêu Tổ quốc nên việc ra đảo không mấy dễ dàng đối với Nhiên. Nàng trân trọng điều đó, trân quý từng bước chân trên đảo đá xa xôi.

Càng hạnh phúc hơn khi nàng được gặp Nam, được sờ tay lên khuôn mặt rám nắng của chàng lính đảo, hôn lên mái tóc xơ cứng và khắc ghi vào tim nụ cười hiền lành mặn mòi vị biển của Nam.

Những đêm trăng hiền từ trên đảo, Nhiên ngồi cạnh Nam, tay nắm chặt tay Nam, tựa đầu vào vai Nam, xem người đảo xa biểu diễn văn nghệ đón khách đất liền và Đoàn công tác số 07 cao hứng cũng hát tặng lính đảo những bài hát ngợi ca biển đảo quê hương, tôn vinh hình ảnh người lính hải quân giữa biển trời thân yêu của Tổ quốc.

Đêm đó, Nhiên trao nụ hôn đầu đời cho Nam, bên bờ biển sóng oải oạp vỗ vào bờ cát, vào ghềnh đá. Khoảnh khắc đó, giữa đất trời mênh mông dường như chỉ còn lại mỗi Nam và Nhiên.

Hạnh phúc của cô giáo cấp ba ở một trường nhỏ giữa thành phố phương Nam và chàng lính hải quân đầy trách nhiệm chỉ đơn giản như thế.

Từ ấy, Nhiên không được gặp Nam, trừ những lần nhìn Nam qua màn hình điện thoại. Những cuộc gọi cũng vội vã, đủ để nàng thấy mặt Nam, biết da Nam đã rám nắng nhiều hay chưa, cười để nàng biết Nam vẫn lạc quan dù đời sống của lính đảo vô cùng khắc nghiệt.

Vậy rồi Nam tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Nhiên vẫn thường ghé qua nhà Nam trong những chiều tan lớp, thăm hai bác, nói chuyện đảo xa, nói chuyện của Nam. Lần nào nhắc đến Nam, đôi mắt của người mẹ cũng rơm rớm nước.

Ngày Nam nhận nhiệm vụ ra đảo xa công tác, mẹ Nam không cản. Xưa nay bà vẫn tôn trọng quyết định của các con, bởi Nam đã đủ trưởng thành để đưa ra những quyết định lớn lao trong đời.

Tuy vậy lòng mẹ buồn man mác. Bà sợ Nam sẽ cô độc giữa biển trời, sẽ vất vả, nhọc nhằn, nhất là những khi đau ốm.

- Con đi giữ gìn biển đảo Tổ quốc mình! Rồi con sẽ về với ba mẹ, với Nhiên. Tuổi trẻ thì không ngại xông pha đâu, mẹ ạ! Tuổi trẻ con cần phải cống hiến hết mình cho đất nước.

Người mẹ hạnh phúc vô ngần khi con mình biết nghĩ cho đất nước. Nam đã thực sự trưởng thành trong đôi mắt hằn in những vết chân chim của bà.

Người đàn bà nhìn lên tấm ảnh treo trên tường, trong ảnh là Nam mặc quân phục, đứng dưới tán cây bàng vuông, cây phong ba, bên bờ biển dài một chiều nắng gắt. Nam nở nụ cười trên môi. Nụ cười ấy khiến bà yên tâm hơn. Trong tim bà vẫn khát khao một ngày có chàng lính hải quân về với thành phố ồn ào, đông đúc.

*

Câu chuyện tình yêu giữa Nam và Nhiên đẹp đến độ đồng đội anh vờ ghen tỵ, nhất là khi thấy Nam ngồi dưới gốc cây phong ba, sau giờ canh gác, đọc thư Nhiên viết.

Ở đảo xa thiếu thốn nhiều thứ, nhất là những món quà tinh thần. Nhận được thư từ đất liền là cả một niềm vui lớn lao. Nam đọc thư rồi xếp lại, cẩn thận để vào bao thư, đặt trong túi.

Nam hạnh phúc khi ở quê nhà có những người thân yêu, có Nhiên đợi trông. Họ đã tiếp thêm tinh thần, động lực cho Nam tiếp tục bồng súng canh giữ vùng biển trời bình yên cho quê hương, đất nước.

Nhiên nhớ có lần Nam hỏi nàng:

- Nhiên này, em có thấy thiệt thòi khi yêu lính đảo hay không?

Nàng sững sờ:

- Sao anh hỏi vậy?

- Vì anh thấy người ta chiều nào cũng nắm tay hoặc ngồi sau lưng người yêu đi dạo trên phố. Còn em phải một mình, cô đơn, yêu anh chỉ qua điện thoại đường dài, qua lá thư tay.

Nàng im lặng trong phút chốc, bằng một giọng trầm ấm, nàng nói:

- Em không thấy thiệt thòi. Ngược lại, em thấy mình thật hạnh phúc! Nhất là mỗi lần dạy xong ra bưu điện, chị bưu tá quen mặt, hay gọi: “Nhiên, có thư của lính đảo này”. Bỗng dưng em thấy thật tự hào.

Nam trìu mến đáp:

- Anh chỉ sợ em đợi hoài sẽ chán. Em là con gái, thanh xuân có bao lâu…

- Anh à! Trong tình yêu, miễn yêu nhau thiết tha thì đợi bao lâu cũng được, xa bao nhiêu mà tim hướng về nhau thì cũng giống như chúng mình ở cạnh nhau thôi!

Vậy nên Nhiên cứ đợi thư từ Nam, và Nam cũng mong ngóng tin nàng từ đất liền. Mong ngày gặp mặt. Những chuyến tàu đêm ngày từ đất liền xé sóng mang tin vui về đảo xa. Những cánh chim di cứ rộn rã bay trên mặt biển quê hương, bay vào bờ, bay ra đảo.

Cây bàng vuông sống giữa đảo đá khô cằn vẫn xanh mướt, đầy sức sống, như thể nắng gió chỉ làm cho nó thêm tươi tốt.

Và tình yêu của Nam với Nhiên vẫn đẹp dẫu khoảng cách giữa đất liền và hải đảo không hề ngắn. Tình yêu của họ đã trải qua sự thử thách của thời gian, không gian, ngày càng thắm thiết hơn.

*

Mùa xuân ở đảo xa có những cánh chim bay về đậu trên mỏm đá. Gió hơi lạnh mỗi độ chiều buông và nắng cũng hiền lành hơn mỗi buổi trưa biển vắng.

Nam ngồi trên bậc tam cấp trước đơn vị nghĩ về đất liền, về Nhiên, về ba mẹ. Trong vùng suy nghĩ của Nam có những ngày Tết thời ấu thơ, Nam theo mẹ đi chợ hoa, theo ba ra bến xe đón những người họ hàng từ xa về sum vầy ba ngày Tết.

Có những mùa xuân thuở còn học cấp ba, Nam đèo Nhiên trên chiếc xe đạp cũ đi rong ruổi khắp thành phố nhìn người ta tay trong tay mà ước hẹn mai này mình cũng sẽ hạnh phúc như thế.

Có mùa xuân đầu tiên nơi đảo xa, cách đây ba năm về trước, Nam đã khóc ròng dưới tán cây bàng vuông bên bờ biển khi nhớ Tết đất liền, nhớ mẹ, nhớ người yêu.

Giờ thì Nam đã quen với đảo xa, với nỗi cô đơn, với biển. Nam đã chững chạc, trưởng thành, vững chân và đầy trách nhiệm.

Nắng gió khiến Nam cứng cáp hơn, làm người lính đảo bồng súng canh giữ vùng biển máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc giúp Nam nhận ra: thế hệ mình phải sống vì Tổ quốc.

Dẫu thế, trong tim Nam vẫn khao khát được trở về đất liền vài ngày, ít ra là còn kịp mùa xuân để ôm mẹ vào lòng, nhìn những sợi tóc bạc trên mái đầu của ba mà xót xa, nắm tay Nhiên và hôn lên má nàng cho thỏa lòng mong nhớ. Nhưng khát vọng ấy, với Nam, thật xa xôi biết bao.

Nhất là khi biển cả quê mình vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của những thế lực thù địch. Bao thế hệ cha anh ngã xuống trên biển là nền tảng để thế hệ Nam đứng dậy, quyết tâm bảo vệ biển trời thân yêu.

Một buổi tối Thủ trưởng đơn vị gọi Nam vào phòng làm việc. Bao giờ gặp Nam, điều đầu tiên thủ trưởng thấy là nụ cười tươi rói trên khuôn mặt rám nắng của anh. Thủ trưởng hỏi:

- Sao rồi, công việc vẫn tốt chứ, đồng chí?

- Thưa thủ trưởng, mọi thứ vẫn ổn, em vẫn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của một người lính đảo.

- Tốt lắm! - Thủ trưởng bỗng hạ giọng, thân mật và ấm áp hơn - Nam này, em ra đảo đã gần bốn năm rồi, phải vậy không?

Nam gật đầu. Thủ trưởng nói tiếp:

- Bốn năm, em chưa một lần về đất liền. Em là một người lính đầy trách nhiệm. Tôi nhận ra em yêu say mê công việc em đang làm, vì thế nên em đã từ chối những cơ hội trở về, để tiếp tục công tác ở đảo xa, rất đáng khen! Năm nay em có muốn về quê đón Tết không?

- Thưa Thủ trưởng… - Nam bất chợt nhìn Thủ trưởng hơn Nam độ bốn, năm tuổi, bỗng dưng mắt Nam cay xè.

- Năm nay em có thể về đất liền đón Tết. Qua Tết lại theo tàu hải quân trở ra công tác. Tôi biết em có một gia đình, một người yêu vẫn mong đợi ở đất liền. Về đi em! Tết là để đoàn viên mà.

Nam gật đầu thay lời cảm ơn, mắt Nam ướt đẫm. Khoảnh khắc ấy Nam thấy mình sung sướng tột độ. Thế là anh lính đảo xa được trở về đất liền đón Tết rồi, sẽ được nhìn ngắm sắc mai nở rộ ở phương Nam, sắc đào phương Bắc.

Nam sẽ về với nguồn cội yêu thương, ngồi trong căn nhà nhỏ đã cũ của ba mẹ, nơi ấy Nam đã lớn lên và rồi có một trời ký ức đẹp đẽ. Nam sẽ nắm tay Nhiên đi dọc Việt Nam, theo bánh con tàu, để ngắm đất nước mình đâu đâu cũng đẹp, để càng yêu đất nước mình hơn.

Khi con tàu rời bến cảng, Nam gỡ mũ vẫy về phía đảo xa. Tàu rẽ sóng hướng về đất liền. Không lâu sau đảo đã mờ dần trong tầm mắt. Tàu hải quân đang lênh đênh giữa biển khơi.

Tiếng sóng nước réo gào. Tiếng còi rít trong gió. Ngồi bên trong khoang tàu, Nam nhắm mắt, mơ màng. Nam biết rằng khi mình mở mắt ra là đất liền, là quê hương, là thành phố, là ba mẹ và Nhiên trong sắc áo dài trắng tinh khôi đang đón Nam ở bến cảng.

Nam thiếp đi. Bên tai Nam chợt văng vẳng những giai điệu và ca từ ngọt ngào trong bài hát “Chút thư tình người lính biển” (Thơ: Trần Đăng Khoa, Nhạc: Phan Huỳnh Điểu):

Biển một bên và em một bên

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người

Anh đứng gác trời khuya đảo vắng

Biển một bên và em một bên…

HOÀNG KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh