Nhưng rồi theo thời gian mình với sông như ngày càng rời xa nhau và những đổi thay cuộc sống, sông cũng đổi thay và mình cũng nhiều thay đổi. Duy nhất một điều vẫn vậy, sông chở những mùa đi và mang những mùa về, sông lặng thầm chảy mãi trong ta một tình yêu bất tận.
“Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà,
con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi…”
(Trở về dòng sông tuổi thơ - nhạc: Hoàng Hiệp)
(VLO) Nhưng rồi theo thời gian mình với sông như ngày càng rời xa nhau và những đổi thay cuộc sống, sông cũng đổi thay và mình cũng nhiều thay đổi. Duy nhất một điều vẫn vậy, sông chở những mùa đi và mang những mùa về, sông lặng thầm chảy mãi trong ta một tình yêu bất tận.
Sông chiều, cò bay về núi. Trong ảnh: Sông Vàm Nao (An Giang). |
Rồi có những lúc ngồi lại với bến sông, chợt nhận ra rằng dường như mình chưa hiểu hết những điều mà dòng nước, con sông xứ sở vẫn còn giấu kín trong lòng.
Hiền hòa, bao dung như lòng mẹ, sông như cho đi vô điều kiện và chúng ta vô tình tưởng chừng đó là sự ban phát như một lẽ đương nhiên và bất tận.
Chiều tháng 7, những ngọn bấc trở mình làm mặt sông chênh chao những con sóng nhỏ, chút lạnh ngon ngót đủ thấm vào lòng như mở cửa cho bao hồi ức ùa về, trộn vào những miên man của hiện tại mà làm thành cảm giác rất lạ lùng, cảm giác về những nhịp đi của mùa màng, những mùa đi, mùa về theo những dòng chảy của sông quê.
Nặng lòng sự mang ơn và cũng nặng lòng tự trách móc đã gắn bó đến bạc tóc đời người mà sao chưa hiểu hết đời sông. Rồi sau mỗi chuyến đi xuôi theo những dòng sông, dọc những kinh rạch đồng bằng, cho tình yêu giữa mình và sông thêm đầy đặn hơn, gắn bó hơn trong sự thấu hiểu lòng nhau.
Mênh mông sông nước đồng bằng. |
Chỉ mong những chiều như thế này ngồi với sông, mình trò chuyện một cách “vô ngôn” mà “đối diện đàm tâm” như thể là tri âm, tri kỷ.
Trước hết, cần nhắc đến mùa nước nổi, để “minh oan” cho sông nước đồng bằng này vốn hiền hòa từ hàng ngàn năm nay.
Dù có ào ạt đổ về nhấn chìm đồng bằng trong biển nước, nhưng chưa hề tạo ra những trận “lũ” bất thình lình cuốn trôi nhà cửa; mà đó chỉ là hiện tượng ngập “lụt” từ tốn, mang lại bao nhiêu nguồn lợi cho xứ này hơn là sự thiệt hại.
Hãy nhìn không khí xóm làng chộn rộn chuẩn bị đón mùa nước về bằng nét mặt hân hoan của người miền Tây thế nào trước khi vô con nước tháng 7 âl thì sẽ hiểu.
Trước đó hàng tháng trời nhà nhà đều o bế lại xuồng ghe, cọ rửa và trét dầu chai kỹ lưỡng đón mùa mưu sinh trên những cánh đồng.
Cá từ sông đổ về, cá “cụ” chém vè từ các lung bàu nổi lên kéo bầy, kéo đám mặc sức mà câu lưới, lọp lờ đủ kiểu, giờ mà kể chuyện cá mắm hồi xưa khác nào như… nói dóc.
Nhớ giác đầu hôm, chịu khó ngâm mình dưới đồng nước lạnh, hai người đi kéo lưới lôi theo chiếc xuồng có treo chiếc đèn bão, những bầy cá linh giựt mình nhảy lên nằm trắng khoang xuồng.
Còn đi giăng lưới trúng con nước, khi cá rô đồng chịu đâm lưới gỡ chảy máu tay, chỉ biết ngồi khóc rồi cuốn lưới đem về.
Mà giăng lưới dù có dính cá nhiều mấy, vẫn chưa đã bằng cảm giác giăng câu, những con cá lóc háu ăn thả chưa xong luồng câu, phía sau đã nghe táp mồi quậy sồn sộn giựt liệt giường câu, rất là đã tay.
Sông đã mang nước về cho xứ này ngoài hai mùa nắng mưa, lại còn có thêm mùa nước nổi, để rồi từ đây dắt dây thêm biết bao mùa, nào là mùa cá linh non, mùa câu lưới, mùa mắm, mùa khô… Một mùa ngập lụt rộn ràng, nhưng xin thưa, đồng bằng chưa hề có lũ! Nói lũ về thì tội nghiệp cho những dòng sông.
Dòng sông chảy phải có nơi đi, nơi đến và sông cũng chở những mùa đi, mang những mùa về. Nên người đồng bằng cứ ngồi nhìn con nước mà ngóng, mà trông mà đếm ngày tháng, canh mùa màng.
Sau con nước rông cuối tháng 9, cỏ nồm trổ bông thì những ngọn bấc thổi thốc sau hè cũng già đi, cái lạnh cũng thấm thía da thịt hơn, nước bắt đầu giựt, cánh đồng như nghiêng chắt nước về sông, cá lại kéo bầy cho xóm làng rộn ràng bội thu đợt cá cuối mùa.
Những ruộng ấu cũng dứt dây, từng nhóm người đi mò ấu, trong gió lạnh buốt thịt da buổi sớm mà nước thì ấm hỉnh, nên cứ trầm mình trong nước mà mò những trái ấu già rụng vùi trong bùn mấy tháng nước ngập.
Miết cho đến khi nắng nóng lưng thì thôi, xúm nhau lên gò giở cơm ra ăn, những bữa cơm đồng chỉ là cá kho, mấy bẹ cải với rau muống hái dưới mương vậy mà ngon phải nói.
Đồng khô ráo phơi bày lớp phù sa láng mịn, thọt chân xuống lún sâu non ống quyển, là tụi nhỏ “lên lịch” canh me mùa tát đìa để đi bắt hôi. Vậy là đã bắt đầu nghe nôn nao không khí Tết sắp ùa về.
Trước khi chuẩn bị tát đìa, thì những nhóm người hú nhau rầm rập vác nơm quậy tưng các lung bàu để bắt những đàn cá lóc, cá trê còn ém lại trên đồng. Mà cũng chẳng ai có thể vét hết cá trên những lung hoang hàng trăm, hàng ngàn mẫu đất.
Sông lại trở về với dáng hình muôn thuở, trả lại không gian cho đồng ruộng, những con đường. Không còn tắm đồng thì tụi nhỏ bắt đầu kéo ra sông.
Chiều chiều, người lớn thường tập trung ra bến sông tắm giặt, tụi nhỏ thì có những khoảng trời riêng, đó có thể là cây bằng lăng, cây cà na, cây cồng gie nhánh ra sông, không có gì lý tưởng hơn leo lên đó mà giậm đà nhào xuống.
“Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà”. |
Không có cây nào, thì trèo ra giữa cầu khỉ, cầu tre mà nhảy. Đứa nhảy thẳng đứng, đứa nhảy cắm đầu, điệu nghệ thì nhảy lộn mèo cho có thằng… lé mắt chơi. Tắm, với tụi nó là trò chơi, là ngẫu hứng bất kỳ lúc nào.
Đi học về dọc đường, thách đố nhau thì cởi đồ ra nhào xuống nước, đá banh đã đời rồi lại cũng kéo ra sông. Bởi vậy nghe những lời hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, không phải nghe từ tai đi vào, mà nghe từ trong sâu thẳm nghe ra, nó thấm thía ruột gan một tình yêu vô cùng tận: “… Bao năm xa quê ấy, trong mơ tôi vẫn thấy hôm nay tôi trở về, lòng chợt vui thấy sông không già”.
Trong mỗi nhịp sống đời người, trong mỗi dòng ký ức nhớ thương, trong mỗi nhịp đi mùa màng, người đồng bằng vẫn luôn có dáng hình gần gũi những dòng sông.
Rồi đến những ngày nắng trong veo, những ngày nước sông đầy cuối Chạp, ra bến sông gánh nước đầy lu, lóng phèn. Dài dài trong xóm, những nồi bánh tét cũng được vớt ra trong chiều cuối năm, xỏ xâu treo trên giàn bếp, mọi thứ đã tươm tất, ngồi chờ thời khắc giao thừa.
Cháu con tụ họp đông đủ, trên bàn thờ vẫn còn đó sự hiện diện của những người đã khuất, cùng đón ba ngày Tết ấm cúng mà thiêng liêng nét đẹp tự tình ngàn năm hồn dân tộc.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin