Gánh hát xưa...

03:01, 29/01/2023

Cách đây 20 năm, những đoàn hát thường ghé qua quê tôi và ở lại lưu diễn. Khi ấy, đời sống vật chất khó khăn, thú vui giải trí tinh thần khan hiếm vô cùng.

(VLO) Cách đây 20 năm, những đoàn hát thường ghé qua quê tôi và ở lại lưu diễn. Khi ấy, đời sống vật chất khó khăn, thú vui giải trí tinh thần khan hiếm vô cùng.

Quê tôi lại xa thị trấn, cả ấp chỉ có vài gia đình khá giả mới có chiếc ti vi đen - trắng. Cuối tuần, cả xóm xúm lại xem cải lương. Vì vậy, mỗi lần đoàn hát ghé qua lưu diễn, cả ấp rộn ràng vui như hội.

Một đoàn hát thường ghé qua quê tôi diễn và ở lại khoảng mười bữa nửa tháng. Nghệ sĩ đa phần là cấp tỉnh, tuy vậy người dân quê thấy nghệ sĩ, trong lòng thương mến vô cùng.

Buổi chiều trước giờ diễn vài tiếng đồng hồ, chiếc loa của đoàn hát bắt đầu phát lời giới thiệu về tuồng hát của buổi tối đêm đó. Lời giới thiệu làm ai nghe cũng nôn nao, mong trời mau tối để đi coi hát.

Bọn trẻ con chúng tôi lăng xăng chạy tới chạy lui, chuẩn bị bao hoặc chiếc chiếu nhỏ để lót chỗ ngồi.

Các anh chị thập thò hỏi xin cha mẹ đi xem hát. Nhóm phụ nữ lớn tuổi ngồi bàn tán các nghệ sĩ đóng tuồng và các tình tiết trong tuồng hát. Một không khí tươi vui, quên đi những khó khăn vật chất hàng ngày mà họ đang đối diện.

Khi trời vừa sụp tối, cả xóm lần lượt kéo nhau đi, người này gọi người kia í ới. Ai nhà xa ở tận trong đồng, chuẩn bị thêm “ông cúi” bằng rơm hoặc bó lá dừa để khi về rọi đường mà đi.

Đến sân vận động hoặc một khoảng đất trống mà đoàn hát thuê để lưu diễn, nếu chưa tới giờ diễn người ta còn nấn ná ngoài rạp, gặp người quen réo gọi tán dóc. Khi cận giờ diễn mới vô rạp chọn chỗ ưng ý “đóng quân”.

Trước khi tuồng hát kéo màn đầu tiên, đoàn hát cho bà con “khai vị” bằng vài bài tân nhạc xôm tụ. Bọn con nít chúng tôi thì chỉ trông chờ cảnh có anh hề đóng để cười “no bụng” chứ tình tiết trong tuồng cải lương chẳng nhớ được bao nhiêu.

Có hôm “chờ hề” lâu quá, lăn ra ngủ quên, khi anh hề xuất hiện người thân gọi dậy xem, xong lại ngủ tiếp. Ấy vậy mà khoái chí vô cùng!

Rạp hát thời ấy, bao bọc xung quanh chủ yếu bằng bao bố. Chỗ “xung yếu” được dựng vài tấm tôn cho chắc chắn. Vì vậy, việc không có tiền vào rạp xem hát, phải “coi cọp” cũng thường xuyên diễn ra.

Khi đến giờ diễn, có vài người làm công tác hậu đài, ra phía ngoài đi lòng vòng xem chừng, nếu không, một số thanh niên nghịch phá “xé lỗ” bao bố… coi cọp!

Đâu đó trên các thân cây, có một vài chàng trai leo lên cao “ngồi xem hát từ xa”! Chuyện mà ngày nay kể ra, bọn trẻ bây giờ cứ tưởng là trong cổ tích.

Có khi, đoàn hát đến lưu diễn vào mùa mưa. Đặc biệt rơi vào những tháng “mưa dầm” thì khổ… trần ai. Mưa ba bốn hôm liên tục hoặc cả tuần mưa vào lúc chiều, không diễn được suất nào. Bà con ghiền cải lương than trời, trách đất. Bầu sô và nghệ sĩ còn khổ hơn.

Cánh làm hậu đài “thất nghiệp”, trưa trưa kéo ra đồng bắt cua, bắt ốc về lo bữa ăn. Bà con thấy vậy thương tình, “cây nhà lá vườn” có gì cho nấy. Ấm áp tình người!

Hồi ấy, thiếu phương tiện giải trí, giá vé coi hát cũng rẻ, bà con ủng hộ nhiều nên nghệ sĩ sống được. Giờ đây, cải lương qua thời vàng son, gánh hát cấp tỉnh cũng “rã đám” hết vì lý do kinh tế.

Bọn trẻ chúng tôi giờ đã lớn, có dịp ngồi “trà dư, tửu hậu”, nghe người lớn tuổi nhắc về những đoàn hát ngày xưa. Bất chợt, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh của mình ở trong đó…

TRẦN THÀNH NGHĨA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh