Công nhận 27 bảo vật quốc gia

02:01, 31/01/2023

Ngày 30/1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).

 

Ngày 30/1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).

Bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim được công nhận bảo vật quốc gia - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim được công nhận bảo vật quốc gia - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được nữ điêu khắc gia đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946 vừa được công nhận bảo vật quốc gia cùng 26 hiện vật khác.

Bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946 được coi là bức tượng Bác Hồ đầu tiên. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.Tháng 5-1946, bà Nguyễn Thị Kim mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vài tháng.

Để chuẩn bị cho cuộc Triển lãm Mỹ thuật ra mắt công chúng nhâ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, Ban lãnh đạo Hội Văn hóa Cứu quốc đã cử họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim đến Phủ Chủ tịch để vẽ và nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khoảng 10 ngày trực tiếp nặn tượng Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, bức tượng bán thân Bác Hồ hoàn thành. Bà Kim đã đổ thạch cao để làm khuôn đúc đồng. Một nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của làng Mọc ở ngoại thành Hà Nội hồi đó đã được giao đúc bức tượng này.

Tượng cao 45cm, nặng 17kg, mô tả Bác đang ngồi tập trung cao độ vào công việc, dáng vẻ ưu tư trên khuông mặt gầy. Bức tượng Chân dung Bác Hồ đã được trưng bày trang trọng trong Triển lãm mỹ thuật Mùa thu năm 1946.

Nhưng không lâu sau đó, tháng 12-1946, kháng chiến bùng nổ. Nhà in báo Sự thật hồi đó đang đóng ở nhà bà Kim, được lệnh phải khẩn trương rút khỏi Hà Nội. Trước khi rời Hà Nội theo kháng chiến, để bức tượng không lọt vào tay kẻ thù, chồng bà Kim đã đào hầm ngay dưới gầm bàn thờ nhà thợ họ của gia đình để chôn dấu bức tượng.

Sau ngày Giải phóng Thủ đô, bà Kim lại đang đi công tác ở nước ngoài nên chồng bà khi vừa về đến nhà đã lập tức cùng với người anh trai đào bới căn hầm khi xưa và đã vui mừng khôn xiết khi thấy bức tượng sau 8 năm nằm trong lòng đất vẫn còn vẹn nguyên màu đồng.

Sau khi Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được thành lập năm 1959, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Kim đã quyết định đem tặng bảo tàng bức tượng quý giá mang dấu ấn một thời kỳ lịch sử vàng son của đất nước.

Trong đợt công nhận bảo vật quốc gia này là có tới bảy bảo vật quốc gia thuộc bộ sưu tập tư nhân, trong đó có bốn bảo vật quốc gia (ba bảo vật gốm và một bảo vật bằng đồng) thuộc bộ sưu tập tư nhân An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng).

Ba bảo vật quốc gia thuộc bộ sưu tập tư nhân khác là trống đồng Kinh Hoa II thế kỷ II-I trước Công nguyên, thạp đồng Kính Hoa thế kỷ III-II trước Công nguyên thuộc sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính (Hà Nội); và thạp đồng Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2200-2300 năm hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (thuộc một công ty tư nhân) ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh.

Bảo vật quốc gia lâu đời nhất được công nhận đợt này là sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê có niên đại cách nay khoảng 800.000 năm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn ở tỉnh Bình Định được công nhận bảo vật quốc gia.
Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn ở tỉnh Bình Định được công nhận bảo vật quốc gia.

Cụ thể, 27 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm:

1- Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê, niên đại: 800.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

2- Trống đồng Tiên Nội I, niên đại: Văn hóa Đông Sơn (khoảng thế kỷ IV - III trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

3- Trống đồng Kính Hoa II, niên đại: Thế kỷ II - I trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội.

4- Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn, niên đại: Cách ngày nay 2.200 - 2.300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

5- Thạp đồng Kính Hoa, niên đại: Thế kỷ III - II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội.

6- Sưu tập đàn đá Bình Đa, niên đại: Từ 3.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.

7- Mukhalinga Ba Thê, niên đại: Thế kỷ VI; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang.

8- Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn, niên đại: Nửa sau thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Khu di tích thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

9- Hai chiếc đĩa gốm men ngọc, niên đại: Thời Lý, thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

10- Đĩa gốm men lam tím; niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

11- Đầu rồng thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

12- Bia chùa Giàu (Ngô gia thị bi), niên đại: Năm Bính Ngọ (1366), niên hiệu Đại Trị thứ 9; hiện lưu giữ tại chùa Giàu, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

13- Bia đá chùa Tĩnh Lự, niên đại: Ngày 28 tháng 8 năm Mậu Tý (1648), niên hiệu Phúc Thái thứ 6; hiện lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

14- Chuông chùa Rối, niên đại: Nửa cuối thế kỷ XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.

15- Lư hương gốm hoa lam, niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

16- Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm, niên đại: Năm Kỷ Tỵ (1449), niên hiệu Thái Hòa thứ 7; hiện được thờ tại chùa Cung Kiệm - Thượng Phúc tự, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

17- Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, niên đại: Thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

18- Sưu tập vũ khí Trường Giảng Võ, niên đại: Thế kỷ XV - XVIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.

19- Bệ thờ đất nung đền An Xá, niên đại: Khoảng thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

20- Hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê, niên đại: Thế kỷ XVI - XVII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

21- Bộ thành bậc điện Kính Thiên, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

22- Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ chùa Phổ Minh, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện được thờ tại chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

23- Súng thần công thời Lê Trung hưng, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

24- Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi, niên đại: Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 57 (1796), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

25- Tượng An Dương Vương, niên đại: Ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1897); hiện được thờ tại Khu di tích Cổ Loa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

26- Tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh", niên đại: Năm 1946; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

27- Xe tăng T59 số hiệu 377, niên đại: Năm 1972; hiện lưu giữ tại UBND huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

Theo THIÊN ĐIỂU/TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh