Trà có nhiều loại và được chế biến nhiều cách khác nhau. Chẳng biết tự bao giờ, loại thức uống có mùi thơm và vị hơi đắng, chát đã trở thành thức uống phổ biến và uống trà đã trở thành thói quen trong cuộc sống, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống (ảnh).
(VLO) Trà có nhiều loại và được chế biến nhiều cách khác nhau. Chẳng biết tự bao giờ, loại thức uống có mùi thơm và vị hơi đắng, chát đã trở thành thức uống phổ biến và uống trà đã trở thành thói quen trong cuộc sống, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống (ảnh).
Ở đây tui không dám mạn đàm về chuyện pha trà hay thưởng trà, tui chỉ nói trà với vẻ đẹp truyền thống trong thói quen của người dân quê tui. Với một loại thức uống giải khát, nhưng mang thân tình.
Thói quen uống trà gắn liền với cuộc sống… Ở quê tui, ly trà là thức uống mời khách. Hễ nhà có khách, chủ nhà liền châm bình trà nóng để tiếp nên từ xưa đã nghe câu “Khách đến nhà không trà cũng bánh”. Mời trà đã trở thành nét văn hóa truyền thống. Nét văn hóa giản dị gần gũi nhưng toát lên vẻ tinh tế.
Uống trà còn thể hiện khía cạnh văn hóa ứng xử của con người. Khi rót trà mời khách bao giờ cũng vậy “trên trước, dưới sau” và không thể quên “rượu đầy, trà vơi”. Uống trà và mời trà như một nghi thức giao tiếp, sự giao tiếp tình cảm trong đời sống thường nhật.
Các loại trà quý hiếm có giá cao ngất ngưởng. Với những ly trà với giá đắc đỏ hàng trăm đô. Với những loại trà bình dân “bán như cho”, bán ly cà phê, tặng cả bình trà. Để thấy được rằng, trà là thức uống được ưa chuộng và có mặt ở mọi nơi, từ gia đình, công sở, nhà hàng, quán cóc vỉa hè... Từ thượng hạng xa xỉ đến bình dân.
Nhắc đến công sở, đa phần các cơ quan lúc nào cũng có hộp trà, bình trà, bộ tách và bình thủy. Pha trà để mời khách đến làm việc, uống vào buổi sáng trước khi bắt đầu công việc của ngày mới, uống trong lúc họp giao ban, uống lúc giải lao,…
Anh hàng xóm thường đi làm khá sớm, tôi hỏi, anh nói: “Đi sớm, vô cơ quan pha bình trà nóng ngồi uống “thời sự” với đồng nghiệp.
Quen rồi, ngày nào không uống thấy thiếu thiếu”. Anh hàng xóm của tui tranh thủ đi làm sớm để vào cơ quan uống trà sáng “nắm thông tin thời sự”. Uống trà vừa giúp thanh nhiệt cơ thể, vừa sảng khoái tâm hồn là vậy.
Hay trong lúc làm việc, người muốn uống trà chỉ việc pha vào một ly cho mình rồi thưởng thức hương thơm, vị ngọt đắng của trà. Chỉ mất vài phút nhưng vài phút ấy giúp người pha trà, thưởng thức trà tập trung hơn khi quay lại với công việc.
Ông anh đồng nghiệp của tui, hôm nay đăng trên Zalo tấm ảnh với bình trà, những chiếc ly và dĩa bánh được đặt giữa chiếc chiếu đã được trải thẳng thớm.
Kèm dòng chữ “Tùy duyên. Có phải duyên nhau thì thắm lại”. Tấm ảnh, nhắc nhớ một thời với tục “đi hỏi vợ”. Bên đàng gái chuẩn bị tiếp những người phụ nữ bên đàng trai với ly trà nóng và miếng bánh được đặt trên chiếc chiếu thẳng thớm trên bộ ván gỗ.
Những người phụ nữ có tuổi bên đàng trai và đàng gái ngồi vừa dùng trà bánh, vừa nói chuyện “kết duyên của tụi nhỏ”.
Ly trà được chọn làm thức uống đãi khách trong dịp cưới hỏi. Chắc nhà anh đồng nghiệp tui có em gái, cháu gái sắp hỏi cưới gì đây. Mong đám cưới đầu xuân, để hạnh phúc được nhân đôi.
Uống trà không chỉ đơn thuần là thói quen hàng ngày mà uống trà còn là nét đẹp truyền thống trong những ngày lễ, hội, Tết. Ngày Tết, nhấp ngụm trà đầu xuân ăn miếng mứt dừa, mứt sen, miếng bánh in… chia sẻ chuyện một năm đã qua và chúc năm mới với bao điều vạn sự.
Vì thế ngày Tết thường các bà, các chị rất kỹ trong cách chọn trà trước khi mua. Để bình trà thêm thơm ngon, tách trà thơm mang không khí ấm áp, thân tình.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin