Người thợ móc len nơi góc phố

10:12, 25/12/2022

Giữa những dòng xe tấp nập như đan vào nhau tại nơi ngã tư đường, thời gian bỗng chốc ngưng đọng trong từng mũi kim của người thợ móc len, chút hơi thở se se của mùa xuân cũng dần ấm lên nhờ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ ấy.

 

 

Dù đã lớn tuổi nhưng có hôm cô Điệp vẫn phải thức trắng đêm để móc cho xong những món hàng theo yêu cầu.
Dù đã lớn tuổi nhưng có hôm cô Điệp vẫn phải thức trắng đêm để móc cho xong những món hàng theo yêu cầu.

Giữa những dòng xe tấp nập như đan vào nhau tại nơi ngã tư đường, thời gian bỗng chốc ngưng đọng trong từng mũi kim của người thợ móc len, chút hơi thở se se của mùa xuân cũng dần ấm lên nhờ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ ấy.

Một sở thích hơn 50 năm

Công nghệ hiện đại đã giúp tối ưu hóa mọi trải nghiệm mua sắm, chỉ cần vài thao tác đơn giản là người mua sẽ có ngay những món hàng thời trang ưng ý. Nhưng dẫu thói quen mua sắm có thay đổi ra sao thì vẫn còn người nhớ nhung những sản phẩm thủ công và vẫn còn những người thợ cặm cụi với từng cây kim, cuộn chỉ.

Người phụ nữ Việt Nam luôn được ngợi khen nhờ đôi bàn tay khéo léo, thạo việc thêu thùa may vá. Trông dáng vẻ điềm đạm của một người phụ nữ với đôi tay thoăn thoắt theo từng đường kim mũi chỉ chính là cảnh đẹp ý vui. Đó cũng hình ảnh quen thuộc của cô Mai Thị Huỳnh Điệp sống tại Hẻm 16, khóm Hưng Đạo Vương (Phường 1, TP Vĩnh Long), người vừa bước sang tuổi 70, sống “độc thân vui tính” và đã gắn bó với nghề móc len hơn 50 năm. Cô Điệp không khỏi bồi hồi khi nhớ về những ngày thanh xuân cô đã đem lòng say mê môn học móc len trong tiết học nữ công gia chánh ở trường: “Hồi còn nhỏ thì thích ngồi nhìn mẹ thêu khăn mùi soa, rồi nhờ có những khóa học nữ công ở trường mà về sau cô biết tự làm thành những đồ dùng cá nhân, vừa để tự mình xài vừa có thể bán kiếm tiền” - cô Điệp chia sẻ.

Theo cô Điệp, người ta thường nhầm lẫn giữa hai phương pháp đan len và móc len mặc dù cả hai đều dùng sợi len để tạo ra sản phẩm, nhưng đan len yêu cầu nhiều kỹ thuật phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Lúc ban đầu, cô Điệp chỉ học móc len những mũi cơ bản để làm đồ dùng “... cho nhà mình xài trước coi như quảng cáo”, lâu dần người thợ thành thạo hơn với những mũi nâng cao, sáng tạo nhiều họa tiết phức tạp, nhiều sản phẩm khác như túi xách, thú bông, quai xách bình nước, móc khóa... thậm chí là nhận móc thuê theo yêu cầu.

Cô Điệp nhớ lại thời điểm đồ len “lên ngôi”, nhiều phụ nữ tranh thủ lúc rảnh rỗi để đan, móc đồ len kiếm thêm thu nhập. Cho đến tận bây giờ, cô Điệp vẫn còn dành phần lớn thời gian trong ngày để móc len như bị nghiện, “... vừa xong món đồ này thì móc tiếp món đồ khác, miễn rảnh là cô lôi đồ nghề ra móc, không ai đặt mà vẫn móc, trong đầu luôn nghĩ đến mũi kim tiếp theo, kỹ thuật móc mới, cách phối màu hợp mốt”- cô Điệp tủm tỉm cười nói.

Lấy công làm lời

Thị trường đồ len hẹp dần bởi khách hàng ngày nay đã có thêm nhiều sự lựa chọn khác, đa dạng mẫu mã và hình thức mua sắm. Hàng len của cô Điệp vắng khách, những món đồ len nằm im lìm bên trong những chiếc rổ nhỏ, lâu lâu mới có vài khách đi đường thích thú dừng chân trước góc hàng của cô để hỏi giá rồi... thôi. Dường như việc kinh doanh của cô Điệp cũng chỉ khởi sắc vào những chiều cuối năm se lạnh, nhưng nếu trời bất chợt đổ mưa thì gian hàng “lộ thiên” này cũng rất chật vật. Dù vậy, mỗi buổi chiều cô Điệp vẫn đều đặn bày hàng tại một góc ngã tư đường dẫn vào khu chợ đêm Phường 1.

Dòng xe tấp nập và âm thanh ồn ào nơi phố thị cũng chẳng giấu được vẻ bình yên toát ra từ người thợ móc len.
Dòng xe tấp nập và âm thanh ồn ào nơi phố thị cũng chẳng giấu được vẻ bình yên toát ra từ người thợ móc len.

Theo cô Điệp, việc tạo ra sản phẩm thủ công vốn đã khó thì việc kinh doanh chúng càng không dễ dàng, đây không chỉ đơn thuần là một sở thích mà còn là công việc mang đến nguồn thu nhập ổn định, đủ để người phụ nữ trung niên vun vén cho cuộc sống của chính mình. Những món hàng bằng len của cô Điệp có giá 90.000 - 135.000 đ/món, trong đó lợi nhuận mà cô kiếm được là 20.000 đ/món và phải mất ít nhất từ một buổi đến 2 ngày để hoàn thiện một sản phẩm. Thắt một nút cuối cùng cho chiếc nón Noel, cô Điệp vừa ngắm nghía vừa lạc quan nói: “Từ lâu cô đã không còn nghĩ nhiều đến việc lời lỗ như hồi mới ra bán vì khó mà đo được giá trị của một món đồ thủ công, chủ yếu là làm vì đam mê nên phải lấy công làm lời”.

Cô Điệp tin rằng chỉ cần có đam mê và kiên nhẫn thì chắc chắn ai cũng có thể gắn bó được với nghề, nhưng đừng quá coi trọng lợi nhuận vì ngoài giá trị kinh tế thì một món đồ thủ công còn mang đến cho người thợ nhiều giá trị khác về mặt tinh thần. Vừa loay hoay với chiếc thùng giấy cũ chứa đầy những món đồ len tí hon, cô Điệp vừa nói: “Cô làm mấy món đồ nhỏ nhỏ như vầy chủ yếu là để dành cho mấy đứa cháu chơi, tụi nhỏ khoái lắm mà mình cũng vui lây”.

Chỉ khi nào trời bắt đầu se lạnh thì người ta mới chợt nhớ đến cảm giác ấm áp khi khoác lên mình những chiếc áo len.
Chỉ khi nào trời bắt đầu se lạnh thì người ta mới chợt nhớ đến cảm giác ấm áp khi khoác lên mình những chiếc áo len.

Chỉ cần một cặp mắt kính, một chiếc ghế nhựa, một cuộn len và một cây kim móc, thì cô Điệp đã có thể ngồi cặm cụi hàng giờ để tạo ra những sản phẩm thủ công bắt mắt. Đôi tay cô thoăn thoắt không ngừng, chốc lát cô lại lơ đãng ngước nhìn dòng xe vội vã trên ngã tư đường mà mũi kim vẫn cứ nhịp nhàng, những đường nét uyển chuyển dần hiện lên. Nụ cười của người phụ nữ móc len nơi góc phố luôn rạng rỡ bởi niềm vui sướng khi được tự tay tạo ra những sản phẩm có giá trị, vừa gìn giữ niềm đam mê đã ngần ấy năm vừa là hạnh phúc bình dị ở tuổi xế chiều.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh