Bài hát "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của cố nhạc sĩ Bắc Sơn làm ta chợt nhớ về miền Tây có khói đốt đồng, có lũy tre, có canh rau đắng và cả một khung trời đầy ắp kỷ niệm. Người miền Tây chất phác, sông nước miền Tây hiền hòa chở nặng phù sa, đất miền Tây màu mỡ bạt ngàn rau, lá.
“Nắng hạ đi
Mây trôi lang thang cho hạ buồn
Coi khói đốt đồng để ngậm ngùi
Chim nhớ lá rừng…
… Xin nắng hạ thôi buồn một mình ngồi
Nhớ lũy tre xanh dạo quanh
Khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh”.
Bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của cố nhạc sĩ Bắc Sơn làm ta chợt nhớ về miền Tây có khói đốt đồng, có lũy tre, có canh rau đắng và cả một khung trời đầy ắp kỷ niệm. Người miền Tây chất phác, sông nước miền Tây hiền hòa chở nặng phù sa, đất miền Tây màu mỡ bạt ngàn rau, lá.
Rau lá chợ quê.Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Rau, lá miền Tây một thời chở che, nuôi nấng bộ đội ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Không ít những căn cứ cách mạng ẩn dưới tán bần, tán gừa, lung dừa nước. Đói thì sẵn có rau vườn, rau dại vậy mà đã làm nên kỳ tích trong cuộc chiến tranh thần thánh.
Rau, lá miền Tây là miền ký ức mãi đẹp của tuổi thơ. Cái chong chóng, con cào cào bằng lá dừa; đồng hồ, cà rá bằng lá chuối chơi hoài không chán. Nhà chòi lợp lá chuối, trang hoàng đủng đỉnh, bòng bong,… chơi trò đám cưới có cô dâu, chú rể.
Từ cái thuở chưa có nhiều nhà ngói hay sau này là lợp tôn, thì dân miền Tây đã tận dụng hết chức năng của lá dừa nước. Người ta có thể lựa những chiếc lá to, đẹp để chằm thành từng tấm hoặc để nguyên tàu xé đôi, còn gọi lá xé- để lợp nhà, dừng vách.
Nhà trước, nhà sau, chái bếp, chòi giữ vườn hay chuồng trại đều phải cần đến lá. Một thời ở miền Tây, đâu đâu cũng có “xóm lá” nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền. Giờ lá lợp nhà, dừng vách không còn thông dụng, các xóm nghề đã mai một nhưng tên gọi vẫn còn, nhắc nhở một thời “vàng son” của lá dừa nước.
“Cây nhà lá vườn”, cái thời bọc nilon chưa thông dụng thì vai trò của những chiếc lá là không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Ở chợ, từ ký thịt heo cho đến mớ cá tép, gói xôi,… đều gói lá chuối hoặc lá môn. Vì lá chuối còn sử dụng nhiều vào việc gói bánh nên dân quê tôi chuộng lá môn.
Riêng ở Đồng Tháp có nhiều sen, nên người dân “xài sang” gói bằng lá sen. Nhiều gia đình xóm tôi kiếm sống bằng nghề cắt lá môn mang ra chợ bán.
Đồ nghề chỉ là chiếc xuồng gọn nhẹ, dễ luồn sâu vô các con rạch, mương nhỏ vừa cạn nước vừa mọc nhiều cỏ dại. Tiếp theo là một cây dao nhỏ thiệt bén, một cái nón lá và một bộ quần áo “nghề” ám phèn, lốm đốm mủ môn ngứa.
Lá dừa non dùng gói bánh lá dừa; lá chuối gói bánh tét, bánh ít, bánh cúng, bánh cấp, bánh ú... Riêng bánh ít phải có tới hai lớp, lá chuối bên ngoài bao bọc bên trong là lá lùn.
Bây giờ lá lùn khan hiếm, người ta hay thay thế bằng lớp bọc nilon trắng. Nhưng những người lớn tuổi, sành ăn thì luôn nhớ hoài cái mùi thơm thơm của những chiếc lá lùn, bông trắng, thân có thể chẻ ra, phơi cho dẻo làm dây, làm lạt chằm lá.
Lá lục bình được lau sạch đẹp để bán từng trăm, dùng lót vú sữa.Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Không biết món chuối nướng nếp mùi vị có còn ngon khi thiếu lớp vỏ lá chuối bọc bên ngoài. Khi nướng, lá chuối từ xanh chuyển sang vàng rồi rám sạm lại. Khi đó, mùi nếp chín, chuối chín cộng với mùi lá chuối nướng khiến dân nghiện ăn vặt không sao quên được.
Lá dứa chắc không xa lạ với dân miền Tây khi làm bánh, nấu sữa đậu nành. Thường nhà nào cũng trồng vài bụi lá dứa cặp mé mương hay những nơi đất trũng. Lá dứa vừa cho màu xanh tự nhiên, đẹp mắt vừa có mùi thơm rất dễ chịu.
Lá cẩm - màu tím thiên nhiên - tựa cô gái miệt vườn dịu dàng, e ấp mà thoáng chút kiêu sa. Các bà, các chị cầu kỳ khi làm chè trôi nước ngũ sắc chắc rằng sẽ không thể thiếu lá cẩm.
Màu tím lá cẩm còn dùng để nấu rau câu, xôi, bánh bò, bánh da lợn,… Riêng bánh tét lá cẩm là đặc sản nổi tiếng xứ Tây Đô. Ở Cần Thơ có khá nhiều lò bánh tét lá cẩm lâu đời được nhiều người biết đến…
Canh rau thì vô tận, gỏi sẵn trong vườn, kể hoài kể hủy cũng chưa chắc hết. Nhưng có lẽ người xa quê khó quên được một món ăn rất dân dã: bắp chuối mới bẻ từ buồng còn tươi rói đập giập, chẻ đôi, cắt chanh nặn vào, bên trên để ít rau răm.
Đơn giản quá nên không biết có được gọi là gỏi hay không, chứ đây là món mà bà con đi làm đồng ăn cơm ngoài ruộng rất ưa.
Càng không thể quên nồi canh hay dĩa rau luộc tập tàng ăn với ơ kho quẹt chánh hiệu miền Tây. Tập tàng gồm nhiều loại rau, đa số là mọc tự nhiên, đủ mùi, nhiều vị đã tạo nên một món rất bình dị, rất miền Tây.
Ăn mắm kho hay lẩu chua, lẩu ngọt thì ôi thôi, cái rổ rau miền Tây đầy ắp nào là rau nhút, bông súng, tai tượng, rau muống,…
Lại thêm bánh xèo cuốn rau chấm nước mắm dưa chua, ớt cay cay. Ngoài các loại rau thơm, xà lách, cải ngọt,… thì còn biết bao loại lá nhà quê: lá cách vị nhân nhẫn; lá cát lồi chát chát chua chua; đọt lụa, đọt cóc, bằng lăng, đọt xoài non,… Tất cả đã làm nên vị bánh xèo đậm chất miền Tây không lẫn vào đâu được.
Rau, lá miền Tây còn là kho thuốc vô tận. Loại nào trị bệnh ra sao các bác sĩ Đông y là rành nhất. Riêng để trị các bệnh thông thường thì hầu như nhà nào cũng biết.
Đời ông bà truyền qua đời cha mẹ, rồi đến đời con, đời cháu những kinh nghiệm dân gian quý báu. Bệnh cảm thông thường thì có ngay bên hè, lá bưởi, lá tre, lá sả, cầu kỳ hơn thì thêm tía tô, bạc hà nấu nồi xông giải cảm là khỏe ngay.
Bị đứt chân, tay nhẹ, muốn cầm máu thì có lá thuốc hàn, đọt lục bình non hay lá sống đời. Nhai vài ba đọt ổi, nuốt cái nước chát chát là trị đau bụng tiêu chảy đại tài…
Rau, lá miền Tây như nết người dung dị, đơn giản, dễ thương. Hiền như lá, lành như rau, người miền Tây như rau, như lá: một chút chân quê mà chân tình, mến khách.
NGUYỄN LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin