Tản mạn kiến trúc Nam Bộ

Người trẻ say mê giữ gìn di sản của cha ông

Cập nhật, 06:07, Thứ Bảy, 26/11/2022 (GMT+7)

 

Anh Nguyễn Duy Linh (xã Tân Bình, huyện Bình Tân) đã đến thăm hàng trăm ngôi nhà cổ ở ĐBSCL.
Anh Nguyễn Duy Linh (xã Tân Bình, huyện Bình Tân) đã đến thăm hàng trăm ngôi nhà cổ ở ĐBSCL.

“Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” là quyển sách mang đến một hình dung tổng thể về kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX, do nhóm tác giả Tản Mạn Kiến Trúc biên soạn. Theo Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, quyển sách là một trường hợp “vô tiền khoáng hậu” khi sách mẫu vừa về trên tay, còn chưa chính thức phát hành nhưng trong 20 tiếng đã có người đặt trước hết lượt in đầu và cuốn sách ngay lập tức được tái bản.

Nhóm Tản Mạn Kiến Trúc được thành lập vào năm 2019 bởi 7 thành viên thuộc các chuyên ngành khác nhau (kiến trúc, nhân học, văn học, mỹ học, lịch sử, du lịch…). Quyển sách “Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” ra đời sau 3 năm đầu tiên trong dự án dài hạn của nhóm nghiên cứu Tản Mạn Kiến Trúc, dựa trên khối dữ liệu nghiên cứu thực địa trên hàng trăm ngôi nhà cổ thuộc khu vực Nam Bộ, từ thông tin thu thập được trong quá trình phỏng vấn nhân vật và phân tích tài liệu lưu trữ.

Chủ biên của quyển sách, anh Trương Trần Trung Hiếu chia sẻ, trong một lần rong ruổi ở Vũng Liêm - Vĩnh Long, chúng tôi đã thắng gấp bên một ngôi mộ đột ngột hiện ra trên triền cỏ. Trên cấu trúc vốn đổ sụp một nửa, ngôi mộ ám đen phơi ra sương gió... Trên cột vòm trồng một giàn thanh long, ẩn trong tầng rễ là đôi ba chữ Hán sứt mẻ.

Không còn thông tin nào về chủ nhân còn sót lại, duy chỉ có đôi câu đối là đọc được: “Cao chẩm hoành môn vong tuế nguyệt - Duy thiên tịch địa ngạo xuân thu” (Dịch là: “Gối kê cao, cổng tuềnh toàng, lãng quên năm tháng - Trời làm màn, đất làm chiếu, khinh ngạo xuân thu”). Đây có thể xem như một trải nghiệm làm thay đổi cách nhìn của nhóm Tản Mạn Kiến Trúc rằng kiến trúc không chỉ là gạch ngói, là vật liệu, sự che chắn hay sự phô bày, mà kiến trúc còn như một cách thức để hiện diện và lưu giữ sự hiện diện.

Quyển sách như một khởi đầu để lần dò vào những tàn tích chưa được biết đến của phương Nam, như một khởi đầu cho những mong mỏi vẫn còn sẽ tiếp tục được triển khai trong tương lai...

Ở đâu có “nhà cổ” là Duy Linh tới.
Ở đâu có “nhà cổ” là Duy Linh tới.

Trong chương đầu tiên, nhóm tác giả cung cấp góc nhìn khái quát về vận động lịch sử và đặc trưng sinh thái đã tác động đến thị hiếu kiến trúc của cư dân miền Nam. Chương 2 dẫn người đọc đến thăm những công trình kiến trúc truyền thống bằng gỗ được xây dựng trong khoảng cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, cẩn trọng bóc tách những biểu hiện tinh tế trong lựa chọn vật liệu, trang trí và bố trí không gian sinh hoạt cũng như thưởng thức và thẩm mỹ.

Trong chương 3, sự tương tác giữa kiến trúc truyền thống với ảnh hưởng phương Tây trong thời thuộc Pháp đã được phân tích để phác họa lựa chọn của con người trong một giai đoạn lịch sử nhiều xáo động.

Phần phụ lục cung cấp một khảo lược về thế giới họa tiết phong phú trong không gian sống của người miền Nam. Đặc biệt, người đọc có thể tìm thấy các bản đồ di sản ở cuối sách, một nguồn dữ liệu phong phú thể hiện sự phân bố của hàng trăm công trình kiến trúc mà dự án Tản Mạn Kiến Trúc đã tiếp cận trong 3 năm thực hiện nghiên cứu thực địa.

Nghiên cứu thực địa là phương pháp chính của Tản Mạn Kiến Trúc, đó là một cuộc dấn thân và trải nghiệm sự đa dạng của di sản để tất cả giác quan chìm đắm trong kiến trúc rồi nhặt lấy những rung cảm đời sống. Đi thực tế là quá trình di chuyển trong không gian để thấy kiến trúc không phải là những vết chấm rời rạc. Chúng tồn tại trong những môi trường xuyên suốt, trong tổng thể cỏ cây, sông ngòi, đường sá, cầu tạ, xóm làng,...

Không chỉ dừng lại ở khía cạnh hiện vật, nhóm tác giả còn gặp gỡ những người chủ và cộng đồng xung quanh để lắng nghe câu chuyện của họ nhằm kết nối các chiều kích không gian - con người - hiện vật, để khảo sát kiến trúc ở một tầm nhìn rộng mở.

Anh Nguyễn Duy Linh (xã Tân Bình, huyện Bình Tân) là một trong những thành viên của nhóm Tản Mạn Kiến Trúc. Anh chia sẻ: “Để tìm hiểu điều gì đó phải bắt nguồn từ sự tò mò, yêu thích, đi từ chi tiết nhỏ nhất đến những điều lớn hơn. Đặc biệt là người trẻ cần có tư tưởng mở, dù bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải đón nhận điều mới. Văn hóa miền Nam vô cùng đa dạng, so sánh những điều xưa và nay, tái hiện lại để mọi người hiểu được những giá trị và ra sức giữ gìn”.

Trong làn sóng hiện đại hóa, nhiều di sản của đất nước đang dần biến mất, nhường chỗ cho những tiện nghi của thời đại… Cuốn sách Tản mạn kiến trúc Nam Bộ mang đến một hình dung tổng thể về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX, đồng thời cung cấp những tri thức cơ bản làm hành trang khám phá các công trình kiến trúc.

“Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” mang đến hình dung tổng thể về kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX.
“Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” mang đến hình dung tổng thể về kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX.

Không chỉ vậy, cuốn sách còn hé cánh cửa dẫn bạn đọc vào bên trong các công trình, để cùng lắng nghe những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng của gia chủ in dấu trên từng đường nét của ngôi nhà. Với vốn tư liệu phong phú, cách diễn giải giàu tính kể chuyện, cùng những hình ảnh, bản vẽ được đầu tư kỹ lưỡng, cuốn sách sẽ khơi gợi sự quan tâm và hiểu biết của cộng động về vốn di sản kiến trúc nước nhà.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ