Tấm lòng của bác Sáu

06:11, 03/11/2022

Trong mỗi chúng ta, đều "không ai chọn cửa mà sinh ra!". Đó là nội dung trong bài phát biểu của bác Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, khi bác là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh(1): "... Lẽ tất nhiên hoàn cảnh gia đình, xã hội không thể không ảnh hưởng ít hay nhiều đến tư tưởng và tình cảm mỗi con người chúng ta.

Bác Sáu Dân với bà con quê hương Vĩnh Long.Ảnh tư liệu
Bác Sáu Dân với bà con quê hương Vĩnh Long.Ảnh tư liệu

(VLO) Trong mỗi chúng ta, đều “không ai chọn cửa mà sinh ra!”. Đó là nội dung trong bài phát biểu của bác Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, khi bác là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh(1): “... Lẽ tất nhiên hoàn cảnh gia đình, xã hội không thể không ảnh hưởng ít hay nhiều đến tư tưởng và tình cảm mỗi con người chúng ta.

Nhưng ta phải thấy rằng: khi tuổi trẻ đã đi vào cách mạng là bước đầu vượt qua mọi níu kéo, ràng buộc của quá khứ. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy số đông bạn trẻ chúng ta dễ tiếp thu cái mới và khi tìm ra lẽ sống, họ dám sống đến cùng.

Thế hệ trẻ đang lớn lên ở thành phố ta, ra đời từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau, chịu ảnh hưởng tinh thần và tín ngưỡng khác nhau. Không ai chọn cửa mà sinh ra.

Đối với mỗi người trẻ tuổi đang bước vào đời, chúng ta nhìn họ như nhau, cùng là những người chủ tương lai của thành phố. Xã hội muốn tuổi thanh xuân không mặc cảm và rất thanh thản trong tâm hồn. Không phân biệt đối xử trên con đường đi tới;...

Xã hội phải đối xử công bằng với tất cả lớp người trẻ đi lên với xã hội này, ai ai cũng có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau. Vì lợi ích của toàn xã hội, chúng ta lấy thực tâm, thực học, thực tài làm tiêu chuẩn, không để quá khứ ràng buộc tương lai mà hạn chế chí tiến thủ và hoài bão cống hiến của mỗi người trẻ tuổi”.

Tấm lòng của bác Sáu là thế, quan tâm không phân biệt, đó chính là động lực cho thế hệ trẻ của TP Hồ Chí Minh giai đoạn những năm 1977 vượt qua mọi định kiến, rào cản, “không để quá khứ ràng buộc tương lai”. Và những lời tâm huyết ấy cũng là động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay tiếp tục phấn đấu vươn lên và cống hiến.

Tấm lòng của bác Sáu - nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt cũng thể hiện rõ trong thư gửi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần VI, nhiệm kỳ 1996 - 2000(2): “Tôi rất mong có nhiều đồng chí cán bộ trẻ được bầu vào cấp ủy trong Đại hội Đảng bộ tỉnh kỳ này, mong các đồng chí sẽ xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh.

Tôi khẩn thiết mong các đồng chí lão thành và các đồng chí thế hệ đàn anh có sự nhất trí cao về lòng tin vào lớp trẻ, cổ vũ lớp trẻ đem hết nhiệt tình cách mạng, sự năng động và khả năng sáng tạo của mình tận tụy phục vụ những trọng trách đảm nhiệm sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà…”

Trên mọi cương vị, bác Sáu luôn đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Suy nghĩ và việc làm của bác luôn thể hiện sự trăn trở của một công dân, của một nhà lãnh đạo, người đứng đầu Chính phủ đau đáu vì sự phát triển của đất nước. Bác Sáu luôn tìm tòi theo cách nghĩ đột phá, sáng tạo.

Mỗi khi nhắc tới cuộc đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ để giành độc lập, tự do của Tổ quốc, bác luôn trăn trở Đảng phải làm gì cho dân để đáp ứng lại sự hy sinh to lớn và vô giá đó.

Luôn xuất phát từ tấm lòng yêu nước, trọng dân, thương dân, lòng tự hào dân tộc sâu sắc, bác Sáu đã chủ động đến với nhân dân để hiểu dân, học dân, hỏi dân, bàn bạc với dân và tìm ra cách làm có hiệu quả nhất.

Mỗi chuyến về thăm quê hương Vĩnh Long, bác Sáu đều đề nghị đi cơ sở, như thăm một nông dân sản xuất giỏi xã Chánh An, huyện Mang Thít; thăm hỏi bà con lao động TT Vũng Liêm; đến tận nơi khảo sát việc phòng chống lũ, bảo vệ vườn cây ăn trái các xã cù lao Minh; nghe chuyện cặp bờ sông Cổ Chiên phát triển lò gạch, gốm, đóng tàu…

Dù chiều tối, mưa rúc rắc nhưng bác Sáu vẫn xuống tận lò gốm xem doanh nghiệp còn vướng mắc ở đâu trên đường xuất khẩu?...

Trong dịp về dự Đại hội Đảng bộ huyện Vũng Liêm lần thứ IX, nhiệm kỳ 2005 - 2010, bác Sáu đã có những dặn dò vô cùng tâm huyết(3). Bác nói: “So với yêu cầu cuộc sống về mọi mặt của người dân nói chung thì Vũng Liêm chúng ta vẫn còn là huyện nghèo.

Đòi hỏi đại hội các đồng chí lãnh đạo của nhiệm kỳ này dứt khoát phải đưa Vũng Liêm thoát khỏi cái nghèo, phải trở thành huyện khá, giàu, đó là nhiệm vụ của 3.000 đảng viên, lực lượng tiên phong gương mẫu đi đầu trong nhiệm vụ...

Hễ dân không nghèo thì đảng viên không ai nghèo, nó gắn liền với nhau như là một. Như vậy, đảng bộ của từng xã phải cùng với dân phấn đấu cùng vượt lên không còn xã nghèo, người nghèo, đó cũng là mục tiêu và lý tưởng của người cộng sản đối với đồng bào mình, đối với dân mình, đối với những người đã hy sinh vì lý tưởng này”…“Phải bám sát dân để kịp thời giải quyết những khó khăn mà dân không tự giải quyết được...”.

Không chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, bác Sáu còn hết sức quan tâm đến đời sống văn hóa của người dân. Bác Sáu nói(4): “...Thời hiện đại là văn hóa chính trị chứ không phải chính trị văn hóa đâu nhé!

Cụ thể là những ngày lễ lớn như Quốc khánh, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày Nam Kỳ khởi nghĩa chẳng hạn... nên tổ chức cho dân vui chơi… Làm sao nghe tới ngày lễ người ta trông. Chơi cái gì?

Dân gian mình nhiều trò chơi phong phú lắm nhưng hiện nay gần như mai một. Tôi ví dụ như chơi đánh trổng, đá gà (nhảy lò cò), nắn tu na, bắn cu li, thả diều, đánh lửa,... kể cả đá gà không trồng cựa, đừng để dân tự phát mà nên tổ chức cho dân chơi nghệ thuật. Tranh thủ sưu tầm trò chơi dân gian để phục hồi”.

Tấm lòng của bác Sáu thật cao quý, cuộc đời hoạt động cách mạng của bác là những tháng ngày trăn trở tìm tòi các giải pháp để đem lại ấm no cho người dân, sự phát triển của đất nước.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bác Sáu Dân, chúng ta nguyện nêu cao ý chí cách mạng, đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đưa công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu mới to lớn, toàn diện hơn, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Để kính dâng bác Sáu Dân- vị Thủ tướng trọn đời vì dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(1) Võ Văn Kiệt vị Thủ tướng trọn đời vì dân, NXB Lao động, 2008, tr.368

(2) Văn kiện Đại hội VI tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 1996 - 2000, tập 1

(3) Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Vũng Liêm lần IX, nhiệm kỳ 2005 - 2010.

(4) Võ Văn Kiệt vị Thủ tướng trọn đời vì dân, NXB Lao động, 2008, tr.358

QUYÊN TRẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh