Hội thảo khoa học quốc tế "Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia" vừa được tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất lấy ngày 24/3 - ngày từ "bánh mì" được thêm vào từ điển Oxford là ngày Bánh mì Việt Nam và sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm. Cách đây hơn 100 năm, bánh mì du nhập vào Việt Nam và ngày nay đã trở thành thương hiệu và niềm tự hào của ẩm thực Việt.
Hội thảo khoa học quốc tế “Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” vừa được tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất lấy ngày 24/3 - ngày từ “bánh mì” được thêm vào từ điển Oxford là ngày Bánh mì Việt Nam và sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm. Cách đây hơn 100 năm, bánh mì du nhập vào Việt Nam và ngày nay đã trở thành thương hiệu và niềm tự hào của ẩm thực Việt.
Bánh mì Madam Khánh (Hội An) từng được báo chí nước ngoài ca ngợi. |
Hành trình trăm năm
Hơn 100 năm trước, trên những chiếc tàu viễn chinh của người Pháp có cả những đầu bếp và bột mì, bơ sữa để nấu những bữa ăn Pháp... Bánh mì đến xứ Đông Dương theo chân người Pháp khi tiến chiếm thuộc địa. Họ ăn bánh mì hàng ngày như người Việt ăn cơm. Cũng có một số giả thuyết cho rằng bánh mì đã xuất hiện theo chân các cha cố truyền đạo.
Người Việt đầu tiên ghi lại về bánh mì chính là Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của đất Gia Định - xứ Nam Kỳ. Năm 1861, hai năm sau khi thành Gia Định thất thủ, ông viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, có câu: “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”. Tuyên ngôn này của cụ Đồ Chiểu đã phát động phong trào đối kháng cả tinh thần lẫn vật chất với những tân thời phương Tây. Nhiều người đã theo cụ Đồ Chiểu tẩy chay rượu chát, giặt quần áo bằng tro chứ không dùng xà bông... Bánh mì cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, lâu dần, bánh mì đã gắn bó với đời sống sinh hoạt thường nhật của người Việt Nam từ lúc nào không biết. Những khách hàng đầu tiên mua bánh mì là học sinh trường Tây thời cũ, thông ngôn, bồi bàn, công chức tân trào… Sau này bánh mì dần phổ biến khắp cả nước từ thành thị đến nông thôn.
Theo nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Thúy Phượng - quyền Viện trưởng Viện Mekong, lò bánh mì gạch đầu tiên ở nước ta đặt tại phố Tràng Tiền (Hà Nội) bây giờ, trước là phố Paul Bert. Ban đầu, người miền Bắc gọi baguette là bánh tây, miền Nam thì gọi là bánh mì. Năm 1958 là cột mốc quan trọng đánh dấu bước định hình chính thức của bánh mì Việt khi xuất hiện tiệm bánh Hòa Mã kẹp thịt nguội của ông Hòa - bà Tịnh tại Sài Gòn. Lúc này, sự biến tấu của món ăn này càng nhiều hơn, từ chấm bơ, sữa, nước xốt…; sau được biến tấu kẹp thịt, chả lụa, patê vào giữa ổ bánh để người mua tiện mang đi.
Niềm tự hào của ẩm thực Việt
Bánh mì từ một món ăn của nước ngoài đến Việt Nam rồi sau đó nó lại theo chân người Việt đi khắp thế giới và trở thành một trong những biểu tượng của ẩm thực đường phố Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Bánh mì được quảng bá trên nhiều kênh truyền thông quốc tế như: BBC, The Guardian, đầu bếp Anthony Bourdain…
Theo TS Vũ Thế Long - Nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực và môi trường, sự ra đời và phát triển của bánh mì mang sắc thái Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời cho thấy sự gặp gỡ, giao thoa và phát triển đầy thú vị của hai nền văn minh lúa gạo và lúa nước. Quá trình tìm hiểu về các loại bánh mì và nguyên liệu để làm nhân bánh, quá trình thao tác chế biến, pha trộn một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng chứng minh vì sao loại hình bánh mì Việt nam lại trở nên nổi tiếng, không chỉ ngon, lạ mà còn lành tính. Sự biến đổi từ hình thức cũng như chất lượng đến cách chế biến phong phú cho bánh mì đã nói lên nhu cầu ẩm thực cầu kỳ của người dân. Đặc biệt, sự thay đổi trong phương thức làm bánh, nhất là giai đoạn từ lò nướng bánh mì bằng củi chuyển thành lò gạch và các phương thức về sau tạo nên những chiếc bánh mì ngon hơn với lớp ruột rỗng hơn trong khi lớp vỏ ngoài thì giòn rụm.
Ngay trong cách chế biến bánh mì đã thể hiện sự sáng tạo của ẩm thực Việt. Chúng ta có đủ các loại nhân bánh như bánh mì chảo Hà Nội, bánh mì que với patê ở Hải Phòng, bánh mì bột lọc ở miền Trung, bánh mì chả cá, bánh mì ép của Huế, bánh mì gà xé, bánh mì đầu nhọn Hội An, rồi bánh mì kẹp xá xíu, phá lấu, bì heo; hay mới nhất là bánh mì thanh long, bánh mì bóng đêm từ than tre…
Bánh mì gần gũi và gắn bó với mỗi bữa ăn của người Việt Nam. |
Dù có trăm ngàn món sơn hào, hải vị thì bánh mì có một sức hút riêng và tình yêu thích rất riêng trong lòng người Việt. Ngay tại Vĩnh Long, hơn 4 giờ chiều sẽ thấy một hàng dài người chờ xếp hàng đến cả 30 - 45 phút chỉ để chờ mua ổ “bánh mì Sài Gòn” nướng bằng củi ở Phường 8. Ổ bánh thơm nức, giòn tan, nóng hổi trên đầu ngón tay vừa làm thức ăn cho gia đình, vừa có thể làm quà biếu mỗi khi ghé ngang Vĩnh Long. Trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát, ổ bánh mì trở thành món ăn mà người ta sẻ chia yêu thương. Đằng sau chiếc bánh mì thanh long là nỗ lực giải cứu cho nhà nông Việt. Hay nghe tiếng í ới của hàng xóm, giữa những ngày cách ly, thấy ổ bánh mì treo lủng lẳng trước cửa rào mà ấm lòng đến lạ…
Việc tôn vinh văn hóa bánh mì có ý nghĩa quan trọng nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực và phát triển ngành du lịch Việt Nam nói chung. Món ăn thường nhật nhưng có sức hút kỳ diệu, mang nhiều ý nghĩa, ghi đậm dấu ấn văn hóa, tình cảm của người Việt Nam.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin