Những kỷ niệm không phai về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và chiến trường K

11:09, 18/09/2022

Sau đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nhân dân ta bắt tay vào việc xây dựng quê hương, khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhưng nào ngờ chiến tranh bắt đầu nổ ra ở biên giới Tây Nam.

 

Đường phố Phnom Penh. Ảnh: TRẦN THẮNG
Đường phố Phnom Penh. Ảnh: TRẦN THẮNG

Sau đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nhân dân ta bắt tay vào việc xây dựng quê hương, khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhưng nào ngờ chiến tranh bắt đầu nổ ra ở biên giới Tây Nam.

Bọn diệt chủng Pol Pot đã đưa đất nước Campuchia vào thảm họa diệt chủng và gây nhiều tội ác dã man đối với đồng bào ta ở các tỉnh biên giới. Trước tình hình trên tỉnh Cửu Long đã thành lập 5 tiểu đoàn, gồm 3 tiểu đoàn chủ lực (Cửu Long 1, Cửu Long 2, Cửu Long 3) và 2 tiểu đoàn du kích, 1 trung đoàn Thanh niên xung phong tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.

Tiền phương Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cửu Long được Trung ương giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới dài 45km thuộc địa bàn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp giáp ranh tỉnh Prâyveng Campuchia.

Sau khi cùng các lực lượng phối hợp mở chiến dịch tổng phản công, đánh tan quân xâm lược Pol Pot giúp bạn giải phóng Campuchia vào ngày 7/1/1979, Bộ Chỉ huy Quân sự tiền phương tỉnh Cửu Long tiếp tục được giao nhiệm vụ giúp bạn ổn định lâu dài, nhận nhiệm vụ giúp bạn ở tỉnh Kampong Speu.

Với 2 nhiệm vụ chính, một là truy quét tàn quân Pol Pot, đưa dân về nơi ở cũ, cứu đói, cứu đau, ổn định đời sống. Hai là giúp bạn xây dựng chính quyền, đoàn thể để nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả diệt chủng, xây dựng lại đất nước Campuchia (đến ngày 27/7/1981 Bộ Chỉ huy tiền phương đổi tên là Đoàn quân sự 9901).

Tỉnh Cửu Long cũng đã thành lập Ban chỉ đạo giúp K, gồm lãnh đạo các ngành quân sự, y tế, thủy lợi, thương nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa- thông tin, bưu điện, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, có nhiệm vụ nghiên cứu tình hình của tỉnh bạn, dựa trên đề xuất của Đoàn chuyên gia đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện vấn đề chi viện giúp tỉnh Kampong Speu.

Ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhớ lại: Năm 1980 ông là Trưởng Ty Văn hóa- Thông tin tỉnh Cửu Long. Khi tỉnh thành lập Đoàn chuyên gia, đồng chí Tư Kôl- Phó ty được cử sang công tác giúp bạn tại tỉnh Kampong Speu. Việc động viên tinh thần cho bộ đội đóng quân trên đất bạn luôn được quan tâm. Các đồng chí lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà, phát động phong trào viết thư gửi bộ đội vào dịp lễ tết. Đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí, quay phim, nhiếp ảnh, sang nắm tư liệu sáng tác, viết bài, phục vụ văn nghệ, tặng sách báo,…

Ông khẳng định vũ khí tinh thần vô cùng quan trọng, giúp cổ vũ động viên cán bộ, bộ đội vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả. Riêng ông khi quân tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ rút về nước vào ngày 26/9/1989, ông đã đến tỉnh Kampong Speu đón các anh em trở về nước trong không khí chia tay quyến luyến và sự biết ơn của chính quyền, quân đội và nhân dân Campuchia.

Ông Huỳnh Anh Kiệt- nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết đã cử họa sĩ Liêu Tử Phong (Phong Ba), lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch hội và một số họa sĩ sang Kampong Speu giúp bạn xây dựng Tượng đài Hữu nghị Việt Nam- Campuchia. Ông nhớ đã duyệt phác thảo tượng đài với hình ảnh 2 người phụ nữ.

Người phụ nữ Campuchia với cái cà om đựng nước trên vai, còn người phụ nữ Việt Nam quảy chiếc đòn gánh. Tượng đài thi công với kinh phí của ta và bạn chung lo. Khi hoàn thành nhận được sự trân trọng và thích thú của bạn về ý nghĩa của tượng đài, góp phần ca ngợi tình đoàn kết, chiến đấu giữa hai dân tộc, chung tay xây dựng và bảo vệ cuộc sống hòa bình cho hai đất nước.

Ngoài ra ông Huỳnh Anh Kiệt còn nhận nhiệm vụ đưa hơn 100 thanh niên xung phong sang nước bạn để phục vụ chiến đấu, ông đã tham gia nói chuyện, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng đã góp phần cổ vũ, động viên anh em an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Anh lính tình nguyện trên chiến trường K

Nhà thơ Lê Thị Tố Lan (Song Hảo) vào năm 1980 đã đi cùng đoàn công tác của tỉnh Cửu Long gồm các đồng chí lãnh đạo và một số văn nghệ sĩ sang thăm các đơn vị quân tình nguyện đóng quân tại tỉnh Kampong Speu. Nhà thơ nữ nhớ lại: Thời ấy không khí chiến tranh chết chóc của nạn diệt chủng vừa mới đi qua, bộ đội đóng quân trên đất bạn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trên đường đưa đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế xuống các đơn vị phải luôn có lực lượng bảo vệ đi kèm.

Chị nhớ có lần đi ngang một ngôi nhà bỏ hoang, các anh bộ đội chỉ cho chị thấy một bộ xương người nằm trong góc nhà! Hơn chục ngày trên đất bạn, đến thực tế tại các đơn vị quân tình nguyện đã để lại nhiều kỷ niệm, những ấn tượng khó phai trong lòng nhà thơ nữ và sau đó bài thơ “Mai xa rừng em biết nói gì đây?” ra đời vào ngày 14/7/1980 tại Kampong Speu.

Nhà thơ Song Hảo.
Nhà thơ Song Hảo.

Mai xa rừng em có nhớ gì không?

Câu hỏi đơn sơ làm em bối rối

Cánh hoa trắng dọc đường chiều biên giới

Tội tình chi hoa cũng nát trong tay

Mai xa rừng…

em biết nói gì đây

Nếu không đi cùng anh

trong mùa mưa biên giới

Không để gai vướng chân

và cỏ may đan áo

Em đâu hay rừng nhiều hoa thơm…

Cảm xúc về hình ảnh những anh bộ đội trong đoàn quân tình nguyện trên đất bạn Campuchia, phải trải qua những tháng ngày gian lao, khó nhọc. Mùa khô, khô khốc. Mùa mưa, mưa trắng rừng, dai dẳng nhiều ngày, nhưng các anh đã chấp nhận mọi gian khổ kể cả hy sinh, trở thành chỗ dựa vững chắc để giúp đất nước bạn hồi sinh.

Có phải anh là bóng mát của rừng?

Bao cuộc đời trú mưa trú nắng

Như mái nhà yêu thương thầm lặng

Che chở và bao dung…

Khi bài thơ “Mai xa rừng em biết nói gì đây?” công bố, được nhạc sĩ Vũ Loan phổ nhạc, soạn giả Lê Sơn viết lời vọng cổ phát trên sóng phát thanh và đài truyền hình đã được nhiều người yêu thích.

Bài vọng cổ với ca từ trau chuốt, phù hợp với chất giọng nữ, như lời tâm sự và hình ảnh của hậu phương luôn sát cánh với người lính chốn biên thùy: Nếu không đi cùng anh trong chiều mưa biên giới, không để gai vướng chân và cỏ may đan áo em đâu hay rừng lắm hoa thơm ngào ngạt lưng… đồi.

Câu hỏi đơn sơ sao làm em xúc động bồi hồi, nhớ đoàn quân đi trong đêm ba lô nặng trĩu nghe xôn xao lá rừng chào đón tiễn đưa. Những giọt mưa thành nốt nhạc trên lưng người chiến sĩ hát bài ca đi giữ nước, cho cuộc đời mát dịu xanh trong cho tình yêu lứa đôi hồng tươi sắc thắm…

Ngoài ra trong chuyến đi này nhà thơ Song Hảo còn có các bài thơ khác viết về chiến trường K.

Thôi giã từ nhau nhé!

Một góc nhỏ quê hương

Xé bụi mờ tung gió

Xe lao ra chiến trường

Dọc đường mùa xuân đến

Tiền phương ơi tiền phương!

(Bài Tiền phương ơi!)

Dẫu ngọt ngào thốt nốt

Vẫn nhớ dừa Cửu Long

Trắng muốt cánh phong lan

Nhớ dịu dàng bông bưởi…

(Bài Đồng hương, Kampong Speu, tháng 6/1980).

 

Hát bên chiến hào

Nhạc sĩ Hải Minh, sinh năm 1949, Hội viên Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long nhớ lại: Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, anh là ca sĩ của Đoàn Văn công Cửu Long.

Tình cảm của nhân dân Campuchia dành cho quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh: TL
Tình cảm của nhân dân Campuchia dành cho quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh: TL


Vào một buổi sáng năm 1978, khi vừa vào đến cơ quan, lãnh đạo Đoàn Văn công Cửu Long gặp anh liền nói: Hải Minh, đi phục vụ văn nghệ ở biên giới không? Anh liền trả lời: Sợ gì mà không dám đi!

Thế là sau đó một đội văn nghệ gồm lãnh đạo và 5 diễn viên, nhạc công của Đoàn Văn công Cửu Long nhận lệnh lên đường trực chỉ biên giới. Anh nhớ lại sau đi xe hơn trăm cây số, anh em xuống đò để đến phục vụ một đơn vị đóng quân bảo vệ biên giới ở một xã biên giới thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Đường đi vào chốt giữa mùa nước nổi, bông điên điển rực vàng, đẹp như một bức tranh, nhưng âm vang tiếng pháo, tiếng súng xa xa dội về đã đưa anh trở về thực tại của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam vô cùng ác liệt.

Đơn vị bộ đội đóng quân cạnh một con sông nhỏ, nhưng nước sông bị ô nhiễm vì tội ác của bọn Pol Pot man rợ- chúng giết người thả trôi sông, nên anh em không dám dùng nước để sinh hoạt, tắm giặt. Anh còn nghe kể về thảm sát ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn- An Giang. Vào tháng 4/1978, bọn Pol Pot đã tràn qua biên giới, giết 3.157 người dân vô tội.

Tối hôm đó, khoảng 19 giờ đội bắt đầu biểu diễn. Không có sân khấu, nơi diễn chỉ là bãi đất trống có tấm bạt làm phong để che ánh sáng đề phòng địch phát hiện dùng pháo bắn sang. Khán giả toàn là bộ đội, các anh ngồi xung quanh, sát bên chiến hào, súng đạn thủ sẵn bên người.

Nhạc sĩ Hải Minh.
Nhạc sĩ Hải Minh.

Nhạc sĩ Hải Minh đã cùng với nữ ca sĩ Hồng Ảnh hát các bài quen thuộc như: Ngày mai anh lên đường, Nổi lửa lên em, Nhịp cầu nối những bờ vui,… Buổi diễn kết thúc, các anh bộ đội quay về vị trí chiến đấu. Anh em diễn viên dọn dẹp phong màn, nhạc cụ, bộ đội nấu nồi cháo khuya bồi dưỡng cho đoàn làm ai cũng cảm động.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng trang sử hào hùng của dân tộc còn ghi nhớ mãi những chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Đất nước vô cùng biết ơn những gia đình đã tiễn người thân ra mặt trận, trong số này có những người nằm lại ngoài đất mẹ, những cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện, lực lượng thanh niên xung phong… đã chẳng ngại gian khổ, hy sinh xương máu, cùng những đóng góp của hậu phương gửi ra tiền tuyến như tiền, lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu, những lá thư thăm hỏi động viên… để chung tay bảo vệ hòa bình cho Tổ quốc và giúp nước bạn hồi sinh, góp phần vun bồi cho tình hữu nghị Việt Nam- Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

TRẦN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh