Ba mươi tháng tư năm ấy

05:05, 15/05/2022

Năm một chín bảy mươi, sau trận chống càn của Mỹ ngụy ở Ba Càng, ngay trong đêm, cả Tiểu đoàn được lệnh cơ động hỏa tốc về vùng giải phóng ở Vũng Liêm, giáp ranh Càng Long, để tránh viện binh trả đũa của địch.

 

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

 

- Ông Hai lên kìa nội ơi!

Nghe tiếng kêu của thằng Mẫn, bà Năm vội ra cổng đón ông Hai.

- Anh Hai, anh lên sớm?

- Ừ, ngủ không được, hửng sáng, tao kêu thằng Tâm, thằng này nè, cháu ngoại tao đó bây, chở đi. Vì mấy ngày nay nó nghỉ lễ ba mươi tháng tư, một tháng năm mà. Sẵn tiện, lên đây để biết nhà bây, sau này nó thay tao lên cúng thằng Năm Bình luôn thể.

- Mẫn, con đỡ ông Hai, lẹ lên con!

- Cho ông vịn vai con, bên phải nè con, tay trái của ông mấy hôm nay vết thương cũ nó “hành” quá bây à!

- Vậy hả anh! Mấy miểng đạn vẫn còn nằm đó mà- bà Năm nhỏ giọng- Anh Năm nay tám mươi lăm rồi hả anh?

- Ừ, lớn hơn thằng Bình mười sáu tuổi.

Sau khi thằng Mẫn đỡ chân ông Hai bước khỏi yên xe, thằng Tâm cũng dựng xe, vịn một bên dìu ông Hai.

- Thằng Minh đâu bây?- Ông Hai hỏi.

- Dạ, hôm qua nó điện về, giỗ ba nó năm nay nó không về được. Vì hai tháng nay, quân khu điều nó cùng anh em tăng cường chốt biên giới, kiểm tra người dân qua lại, thực hiện quy định phòng, chống dịch bệnh cô vít đó anh Hai.

- Năm nay thằng Minh bốn bảy rồi hả bây?

- Dạ! Em sinh nó gần tám tháng thì anh Bình hy sinh- giọng bà Năm chùng xuống- Tuổi của nó theo năm giỗ của ba nó đó anh.

- Mời ông Hai ngồi ghế đi hai đứa!

- Khỏi, để tao vô thắp nhang cho thằng Bình luôn!- Ông Hai ngước nhìn di ảnh của ông Năm Bình. Bức ảnh chụp Năm Bình năm hai mươi mốt tuổi, năm ông cưới bà Năm.

Để ông Hai cho Tâm dìu, Mẫn rút vội ba cây nhang, kề vô ngọn đèn “trứng vịt” rồi quạt tay cho tắt lửa, đưa ông Hai. Tâm và Mẫn đứng tụt lại phía sau, bà Năm bước lên đứng ngang bàn thờ, chấp tay.

Ông Hai, cầm ba nén nhang, thành kính:

- Bình!!! Vậy là mày đã an nghỉ bốn mươi bảy năm rồi. Sống khôn, thác thiêng phù hộ vợ, con mày có sức khỏe. Vậy thôi! Đất nước mình an bình, mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc, quê mình giờ đẹp giàu, nông thôn mới gần hết rồi! Lần này tao lên đây thắp nhang cho mày, chắc năm sau tao sẽ không lên nữa, có thể tao xuống gặp lại mày… Năm nay, tao yếu, thấy trong người không còn ổn nữa…

Đưa ba nén nhang cho thằng Mẫn cấm trên lư hương, ông Hai xá ba xá rồi lấy khăn chặm mắt…

Đã bốn mươi bảy năm, năm nào cũng vậy, sáng sớm ngày ba mươi tháng tư thì ông Hai lên nhà giỗ ông Năm Bình, mặc trời mưa hay trời nắng, kể cả những khi sức khỏe không được tốt, ông đều sắp xếp mọi việc để đi, để được thắp ba nén nhang cho ông Năm. Ông nói, cuộc sống của ông từ ngày ba mươi, tháng tư, năm một chín bảy lăm tới nay là do Năm Bình cho ông.

*

Năm một chín bảy mươi, sau trận chống càn của Mỹ ngụy ở Ba Càng, ngay trong đêm, cả Tiểu đoàn được lệnh cơ động hỏa tốc về vùng giải phóng ở Vũng Liêm, giáp ranh Càng Long, để tránh viện binh trả đũa của địch.

Ở đây, ông Hai được bố trí cùng với năm anh em khác ở nhà thím Ba Thọ. Chú Ba hy sinh năm 1968. Được thông tin trước, thím Ba đã chuẩn bị cơm cho mấy anh em.

Đang ngồi ăn, thấy thằng nhỏ cứ ngắm nghía mấy khẩu AK, ông Hai mới để ý. Thằng nhỏ cũng đã ra dáng thanh niên. Tuy ốm, đen đúa nhưng mắt sáng, trông nhanh nhẹn, khá đẹp trai…

- Sao, khoái súng lắm hả em trai?- Ông Hai lên tiếng.

Thằng nhỏ giật thót người, rồi cười bẽn lẽn.

- Trời, chú khỏi phải hỏi, nó mê súng quá trời. Mỗi khi gặp thằng Bảnh xã đội là đòi đi theo để được bắn.- Thím Ba Thọ đỡ lời- tui còn có mình nó đó chú. Hai chị nó lấy chồng, thằng anh nó hy sinh.

- Em tên gì, có muốn theo tụi anh đi đánh giặc không?

Hai mắt anh thanh niên mới lớn sáng trưng, miệng há hóc.

- Chú hỏi trúng tim đen của nó rồi. Tui thấy nó còn nhỏ, còn khờ quá, sợ theo không nổi với anh em. Súng đạn ác liệt quá, tui cũng lo… Nó tên Bình đó mấy chú.

- Má, con gần mười tám tuổi rồi, mà má cứ nói còn nhỏ hoài. - Thằng Bình “cải” thím Ba, mặt cúi gằm, giận dỗi.

- Cha mày, mới chưa đầy mười bảy mà đi đâu. Mày thấy mấy anh đây hông? Phải mạnh mẽ, phải hùng dũng như vậy mới đánh giặc được, mới ăn thua đủ với tụi nó chứ. Cực khổ lắm, mày chịu nổi hông?…

- Được rồi, hồi anh đi bộ đội cũng khoảng tuổi em. Còn “gầy nhom” hơn em nữa mà. Nếu được, thím Ba cho em Bình đi với tụi con đi thím!

Ông Hai vừa dứt lời, thằng Bình nhảy qua ngồi ôm tay ông Hai khít rịt, mắt sáng rực.

- Má! Vậy nghen má!!!

Vậy là thằng Bình theo bộ đội.

*

Từ những năm một chín bảy mươi, bọn Mỹ ngụy tăng cường hành quân càn quét, biệt kích cả ngày lẫn đêm, xây đồn, lập bốt,… chiến tranh ngày càng ác liệt. Để đáp ứng cho các hoạt động và bảo tồn lực lượng, bộ đội ta phải cơ động vừa chiến đấu vừa di chuyển liên tục.

Có đêm phải hành quân ba, bốn mươi cây số. Quần áo chưa khô, ba lô chưa rời vai là có lệnh phải hành quân tiếp. Ăn trên đường, uống trên đường. Có ngày phải đối mặt với giặc hai, ba trận. Nhiều anh em bị thương, hy sinh.

Thằng Bình theo bộ đội, theo ông Hai trong những ngày khó khăn, gian khổ đó. Ông Hai là người đã “tuyển mộ” thằng Bình và có lời hứa với thím Ba Thọ, nên phải có trách nhiệm dìu dắt nó. Thằng Bình có bản tính hiền lành, ít nói, nhưng khi đánh giặc lại lanh lẹ, mưu trí. Ông Hai rất quý tính nết của nó. Ông coi nó như là đứa em ruột thịt của mình.

Một lần, cuối năm một chín bảy ba, sau khi đánh chống càn của địch ở Hậu Lộc, Tam Bình, lực lượng di chuyển nhanh về vùng an toàn ở Vĩnh Xuân để tránh pháo binh và máy bay địch. Ông Hai, thằng Bình và mấy anh em được bố trí ở nhà chú Sáu Thế.

Chú Sáu có ba người con, con trai lớn theo chủ lực miền, con trai thứ ba là cán bộ xã, ở nhà với chú thím là cô con gái út, Út Hồng. Út Hồng đã hơn mười tám, có khuôn mặt trái xoan, da trắng, tóc dài, đặc biệt là có nụ cười thường trực trên môi, sáng rỡ.

Theo kế hoạch, sáng sớm hôm sau, lực lượng phải hành quân về miệt Càng Long, Trà Vinh, nhưng bọn ngụy ở yếu khu Thầy Phó tăng cường lực lượng tuần tra suốt tuyến đường Cầu Kè - Thầy Phó. Theo chỉ đạo, lực lượng phải ở lại một ngày để đến tối hành quân về phục kích trận càn của địch ở vùng kháng chiến Tam Bình vào sáng hôm sau.

Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” của anh bộ đội Cụ Hồ, nên khi đến đâu anh em đều xắn tay vào làm bất cứ việc gì của gia đình, nơi bộ đội tới. Thằng Bình tính ít nói nhưng hay làm. Vừa tới, chào hỏi gia đình là nó tọt ra nhà bếp để phụ giúp gia đình làm cơm… Thằng Bình bây giờ không còn “còm nhom”, đen đúa nữa, mà là một chàng trai vạm vỡ, rắn rỏi. Tới đâu cũng “bị” con gái trêu chọc.

Sáng hôm sau, chuyển quân, thấy nó với Út Hồng cứ len lén nhìn nhau. Ra khỏi nhà một đoạn, Út Hồng chạy theo dúi vô tay thằng Bình gói gì đó. Và cũng từ hôm ghé lại Vĩnh Xuân, thằng Bình hay ngẩn ngơ rồi cười một mình. Một lần, ông Hai bắt gặp nó lấy tấm hình Út Hồng ra coi.

Đầu năm một chín bảy bốn, tình hình đã có chuyển biến có lợi cho ta. Địch bị ta bao vây, tiêu diệt liên tục, giải phóng nhiều xã, ấp. Một lần ghé qua nhà thằng Bình, gặp thím Ba Thọ, ông Hai đề cập chuyện hôn nhân, thím Ba nhất trí, thằng Bình mừng rơn. Vậy là tháng sau, với vai “ông mai”, ông Hai đồng thời cũng là người chủ trì “lễ tuyên bố” cho thằng Bình với Út Hồng.

*

Nhận thấy tình hình miền Nam có chuyển biến lớn và có nhiều thuận lợi cho cách mạng, Trung ương chủ trương mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận đánh quyết định nhằm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Để thực hiện thắng lợi quyết tâm đề ra, Trung ương yêu cầu phải thực hiện tiến công và nổi dậy trên quy mô lớn, tiêu diệt chi khu, quận lỵ, đánh bại kế hoạch bình định, giành phần lớn vùng đồng bằng nông thôn miền Nam.

Thực hiện quyết tâm của Trung ương, đầu tháng tư, năm một chính bảy lăm, quân và dân của tỉnh xây dựng kế hoạch chuẩn bị tấn công nổi dậy theo phương hướng “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”.

Tỉnh xác định nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này là nhanh chóng củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang mạnh cùng lực lượng chính trị, binh vận hùng hậu, cả nông thôn và thành thị, bao vây, chia cắt và tiến công địch trên địa bàn toàn tỉnh, giành thắng lợi cuối cùng.

Tỉnh chỉ đạo gấp rút xây dựng thêm lực lượng bộ đội. Ông Hai, được điều động tăng cường cho lực lượng bộ đội mới thành lập. Khi được điều động, ông Hai đề nghị cấp trên cho thằng Bình cùng về lực lượng mới với ông.

Đêm hai chín, tháng tư, năm một chín bảy lăm, ta đưa một bộ phận biệt động, thông tin và một số cán bộ vào ém trong nội ô để thực hiện phương án tiến công từ ngoài vào kết hợp với nổi dậy bên trong. Ông Hai cùng đồng đội được giao nhiệm vụ áp sát tỉnh lỵ từ hướng Đông Nam.

Gần ba giờ sáng, ngày ba mươi tháng tư, năm một chín bảy lăm, anh em tiếp cận Quốc lộ. Thằng Bình đi trước, kế ông Hai và anh em phía sau. Bổng nghe tiếng “cách” khô khốc, nhưng sắc lạnh, rợn người.

Chưa kịp phản ứng, thằng Bình đã xô ông Hai ngã xuống, nó nằm đè lên trên. Một tiếng nổ chát chúa, hai tai ong ong, tê buốt cánh tay trái, trên người ông Hai cảm giác có dòng nước âm ấm…

Năm Bình bất động trên người ông Hai. Bình hứng trọn quả lựu đạn của địch, hy sinh.

Chiều hôm đó, bọn địch đầu hàng, đoàn quân chiến thắng- trên mình còn đầy bụi đất và khói đạn, hùng dũng tiến vào trung tâm tỉnh lỵ. Đi giữa tiếng reo hò, giữa rừng cờ nửa xanh nửa đỏ, đi giữa những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của đồng bào trong ngày vui chiến thắng.

Trong giờ phút huy hoàng của lịch sử, trong niềm hạnh phúc lớn lao của dân tộc, trong mỗi người không khỏi bồi hồi nhớ đến những đồng chí, đồng đội đã không có được niềm hạnh phúc đi đến được đích cuối cùng của cuộc kháng chiến, trong đó có ông Năm Bình. Tổ quốc và dân tộc sẽ mãi nhớ đến họ.

*

Khi mọi người dọn mâm bàn lên cúng, cũng là lúc ba nén nhang của ông Hai đã sắp tàn. Một làn gió thoảng qua, những tàn nhang cuối cùng còn vương vấn rồi thanh thản bay vào không trung…

TRẦN BẠCH 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh