Hiện tượng một bài thơ vài ba thi sĩ cùng sáng tác không phải là chuyện hiếm bởi những lúc các nhà thơ cao hứng thường tổ chức chơi chữ thả thơ, xướng, họa, nối vần… Nhưng một bài thơ mà đến… tám thi sĩ cùng làm có lẽ là một trường hợp độc nhất vô nhị trong làng văn thơ Việt Nam.
Hiện tượng một bài thơ vài ba thi sĩ cùng sáng tác không phải là chuyện hiếm bởi những lúc các nhà thơ cao hứng thường tổ chức chơi chữ thả thơ, xướng, họa, nối vần… Nhưng một bài thơ mà đến… tám thi sĩ cùng làm có lẽ là một trường hợp độc nhất vô nhị trong làng văn thơ Việt Nam.
Nhà thơ Thế Lữ- một người trong cuộc, vào năm 1940 đã đăng trên báo Ngày Nay, kể lại chuyện này. Câu chuyện xảy ra vào dịp nhà thơ Xuân Diệu thi đỗ Tham tá thương chính thời Pháp thuộc được bổ nhiệm vào Sở Đoan tỉnh Mỹ Tho. Trước ngày lên đường, Xuân Diệu tổ chức bữa cơm thân mật và mời các bạn văn chương tới dự. Khái Hưng, Tú Mỡ, Hoàng Đạo, Nhất Linh, Thạch Lam, Huy Cận. Thế Lữ đã đến tham dự cùng Xuân Diệu cả thảy tám người. Khi tiệc rượu đã gần tàn, tất cả đều trở nên hào hứng vì thấm hơi men. Một người đã đề xuất làm một bài thơ tập thể để tiễn bạn. Thể thơ được ấn định là thể thất ngôn bát cú đường luật. Thi sĩ Hoàng Đạo lĩnh ấn tiên phong xuất trận, ngâm:
Bỗng dưng thi sĩ hóa Tây Đoan
Các thi sĩ khác tâm đắc với câu đề của Hoàng Đạo, liền nối tiếp nhau mỗi người một câu thành một bài thơ hoàn chỉnh. Khi đọc lại cả bài rất khó phát hiện ra sự ghép nối, chứng tỏ là họ rất hiểu nhau, đặc biệt đều có chung cái tính vui vẻ hài hước, đều muốn góp phần làm cho buổi tiễn bạn thêm vui. Bài thơ đó hoàn chỉnh như sau:
Bỗng dưng thi sĩ hóa Tây Đoan
Nửa mặt nhà thơ nửa mặt quan
Chén rượu tiễn đưa thơ khó nghĩ
Mối tình khôn biệt ý khôn toan.
***
Giờ đây xin nhớ phen bùi ngọt
Chốc nữa đừng quên cảnh tóp… chan
Ví thử anh em đều xuất cả
Còn tuôn ra lắm mạch thơ gàn.
Thế Lữ không nhớ hết cụ thể câu nào là của ai cả trừ câu thứ nhất của Hoàng Đạo và câu thứ sáu của Tú Mỡ vì nhà thơ trào phúng đã chọn âm thanh “tom- chát” đệm cho kép, ả đào để đưa vào bài thơ làm tăng thêm tính chất hài hước, thi vị của toàn bài. Vì chính ý đồ đó đã dẫn đến câu kết rất thoải mái có tính tự trào của các nhà thơ, nhà văn khi tự nhận là đã viết “thơ gàn”. Tiếng cười vui xuyên suốt bài thơ chứng tỏ tình bạn giữa các thi sĩ này thật gần gũi, chân tình.
PHƯƠNG NGHI (theo baodaklak.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin