Nhớ những năm 80 thế kỷ trước, thỉnh thoảng, tôi cùng má đi chợ Cái Bè. Mỗi bận như vậy, phải đi từ nửa đêm. Từ nhà cho đến khi thấy ánh đèn và nghe tiếng lao xao của chợ phải mất hơn một giờ chạy máy.
Miền quê An Bình.Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH |
(VLO) Nhớ những năm 80 thế kỷ trước, thỉnh thoảng, tôi cùng má đi chợ Cái Bè. Mỗi bận như vậy, phải đi từ nửa đêm. Từ nhà cho đến khi thấy ánh đèn và nghe tiếng lao xao của chợ phải mất hơn một giờ chạy máy.
Thời này, nhà có chiếc ghe trọng tải khoảng một tấn, đặt máy BS-6 màu đen do ba tôi tự lắp. Chiếc máy bền bỉ theo má tôi cùng năm tháng đến những phiên chợ nổi. Vào những lúc khó khăn, xăng hiếm, đành phải gắn thêm cặp chèo trước mũi và sau lái.
Có lần, chiếc ghe khẳm lừ với những mận, ổi, cóc, chanh, muồng ngót... từ Cù lao An Bình đổ xuống Vàm Giang, theo Kinh Mương Lộ, ra khỏi Vàm Đồng Phú băng qua con sông rộng nhìn không thấy bờ bên kia.
Trong không gian tối mờ, chi chít sao trời, hai má con định vị vệt đen giữa sông mà tiến, sóng bập bềnh lắc lư, hơi nước từ ngoài tạt vào làm tỉnh cơn ngủ gật. Quá nửa sông, chỉ vào vệt đen rậm rịt, mẹ tôi nói: “Kia là Cồn Tân Phong, quê ngoại má!”
Lúc đó tôi nghĩ, chợ đâu cũng chợ, sao phải đi cho xa, đoạn đường dài gấp đôi so với qua chợ Vĩnh Long. Sau này tôi nhận ra, ngoài lý do tìm chợ để hàng được giá, vì hàng từ Cái Bè đi Sài Gòn dễ hơn, thì mỗi lần như thế má tôi được nhìn thấy nơi mình sống qua thời con gái.
Bà ngoại tôi gốc người làng Tân Phong, xóm Rạch Đình. Thời con gái má tôi gắn bó với quê ngoại, nơi đó có căn nhà xưa mang dấu tích của thời gian với chân nền bằng đá ong còn vững chãi.
Cách đây hai năm, theo má về quê, chị em con nhà cậu, dì còn lại mấy người, tóc pha sương gần hết, lưng còng thêm mấy độ. Câu chuyện tuổi thơ, dòng họ được nhắc lại dưới bóng chôm chôm, trong khuôn viên mộ tổ. Trong câu chuyện, họ nhắc nhiều về Vãng Long hoặc đi chợ Vãng.
Nói về vấn đề này tôi rối mù, người miền Tây khi phát âm không phân biệt rõ V-D-Gi khác nhau như thế nào. Nhưng tôi sợ dính vào sợi dây rối ngôn ngữ nên không dám lạm bàn.
Những chị em của má tôi đều trên dưới tám mươi, ở tuổi này khi ngược về thanh xuân, nhắc về Vãng Long, đối với họ là ký ức đẹp- là nơi đô hội phồn hoa: đi chợ, đi học, lấy chồng… đều hướng về Vãng Long- Vĩnh Long ngày nay.
Có lẽ, thời mới lập Long Hồ dinh, lỵ sở đặt tại Cái Bè thì Tân Phong chỉ là cồn nổi do phù sa bồi đắp với những bần, lác, ô rô ngút ngàn, trên trời chim cò quyện gió…
Theo thời gian, những gò cao hình thành, cư dân đến lập nghiệp trên những gò nổi. Vùng đất mới có tên Cồn Cù.
Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, viết: “Tân Cù Châu (Cù lao Tân Cù)
Ở phía Bắc sông Hàm Luông, cù lao uốn khúc, nổi lên giữa mặt kính hồ, như một vành cong nét vẽ chân mày nằm vắt ngang. Cành trúc rũ la đà quét mặt sóng, ngọn cau dựng đứng khều tầng mây, ở đó có dân cư của 2 thôn Tân Cù và thôn Bình An sinh sống. Cảnh vật khác hẳn nơi chợ búa ồn ào”.
Theo mô tả của Trịnh Hoài Đức, thời bấy giờ Cù lao Tân Cù như một nét mác- chân mày vắt ngang, dưới nước, trên mây… Cảnh đẹp còn hoang sơ, giàu chất lãng mạn của đất Tân Phong trên hai trăm năm trước.
Cù lao hình thành, chia sông Tiền đôi ngã tạo nên sông Hàm Luông ở phía Nam- Bản đồ năm 1963 ghi là Hàm Long và sông Tiền ở phía Bắc. Sách Gia Định Thành Thông Chí, ghi: “Hàm Luông giang (sông
Hàm Luông)
Cách trấn về phía Đông 83 dặm rưỡi. Sông rộng 5 dặm, sâu 49 tầm, như là vực rồng, hang giao, ở đó thường có cá to, sấu lớn trồi lên hụp xuống. Bờ phía Đông là địa giới huyện Tân An, bờ Tây là địa giới huyện Vĩnh Bình.
Nước chia ra 3 ngã: một ngã chảy xuống phía Đông Tiền Giang 59 dặm đổ ra cửa biển Ba Lai; một ngã chảy vào Nam Tiền Giang 84 dặm rưỡi, rồi đổ ra cửa biển Ngao Châu. Nước thường trong ngọt, sóng gió dập dình, có cái hứng nhìn một cái trông rõ mênh mông vạn khoảnh”.
Sông Hàm Luông đóng vai trò như một thủy đạo quan trọng trong vận tải thủy cũng như cung cấp nguồn thủy sản cho dân trong vùng- ốc gạo là một trong những đặc sản xứ này. Còn nhớ, ngày trước, cậu tôi, nhà ở ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, thỉnh thoảng đi xuồng ba lá gắn máy bốn đuôi tôm lên Cù lao An Bình thăm chị, là má tôi.
Cồn Tân Phong nằm giữa lòng sông Tiền. Ảnh: LÊ MINH HÀ |
Quà mang theo thường là măng cụt, sầu riêng, khi thì ốc gạo làm anh em tôi thích thú. Con ốc sáng xanh, ruột điểm ngọc cỡ hạt gạo, thịt ngọt mềm mại ăn đến ghiền không thôi.
Người Tân Phong giỏi về nghề vườn. Một bộ phận dân cố cựu ở đây là di dân có nguồn gốc từ Phú Phụng, Cái Mơn thuộc Chợ Lách- Bến Tre. Họ sang đất mới mang theo nghề làm vườn để cù lao xanh thêm vị ngọt của cây ăn trái.
Trong lịch sử hình thành của mình, Cù lao Tân Phong luôn là đơn vị hành chính thuộc tỉnh Vĩnh Long… Đến năm 1967, do thấy qua lại sông Tiền khó khăn, nên chính quyền kháng chiến miền Nam quyết định cắt chuyển địa giới Tân Phong nhập huyện Cai Lậy, để dễ dàng xây dựng phong trào cách mạng, rồi giữ nguyên hiện trạng đến nay.
Thời còn làm trang trại ở Bình Dương, thỉnh thoảng tôi chạy xe đường tắt ngang vùng đất Tân Phong theo tuyến: Qua phà Phú Phụng- Tân Phong đi xuyên cù lao ra bến phà Tân Phong- Ngũ Hiệp lần theo đường DT868 ra thị xã Cai Lậy. Đi tuyến này có thể rút ngắn khoảng ba mươi cây số, lại thêm được hưởng không gian mát rượi dọc theo tuyến đường rợp cây ăn trái.
Nếu nói Cù lao An Bình là hòn ngọc của tỉnh Vĩnh Long, thì Cù lao Tân Phong là hòn ngọc của tỉnh Tiền Giang. Cù lao chỉ cách Cái Bè một con sông không quá rộng, người đi phà chỉ mất mười phút là đến.
Với diện tích 24,7 kí lô mét vuông, hàng năm Tân Phong cung cấp ra thị trường chiếm khoảng 20% sản lượng cây ăn trái của tỉnh Tiền Giang.
Người Tân Phong thuần phác, tốt bụng, đất đai tươi tốt, điều kiện khí hậu ôn hòa, nước ngọt bao quanh nên con gái vùng này đẹp có tiếng. Bà ngoại tôi thời xuân sắc cũng là mỹ nhân xứ này.
Từ khi có điện lưới quốc gia, Tân Phong phát triển về mọi mặt, nếp sống đô thị dần thâm nhập vào một bộ phận dân cư, tạo nên làn sóng mới trong lớp trẻ.
Sự biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn làm thay đổi nếp nghĩ người Tân Phong. Trước, lấy thuần nông làm sinh kế, bây giờ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái tạo nên nét văn hóa xứ cù lao. Với mật độ dân số trên 510 người/km2, cù lao bây giờ có vẻ chật chội hơn trong suy nghĩ của một số người.
Họ đi tìm vùng đất mới ở xứ miền Đông, Tây Nguyên… để trồng cây ăn trái. Những đứa em con cậu tôi không đi xa như vậy, chúng tìm về đất Vãng Long ngày trước và dừng chân ở xã Long Phước, huyện Long Hồ lập nên trang trại non 10 héc ta với mít, sầu riêng… Ai ngang qua cũng đưa mắt nhìn.
Cơn đại dịch COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống, rồi sẽ dần đi qua. Người Tân Phong tiếp tục lao động, phóng tầm nhìn… và ước mơ.
Họ mơ thấy một cây cầu: Cây cầu nối bến bờ Cái Bè- Tân Phong. Dự án cầu chỉ mới khảo sát thôi đã làm tăng nhiệt trong lòng người. Mai đây chiếc cầu thành hiện thực, chắc chắn Tân Phong sẽ thay đổi rất nhiều…
3/2022
LÊ MINH HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin