Ngày ấy ở vào tuổi của một học sinh cuối lớp 4, tôi là đứa trẻ lười học môn Tập làm văn, hay nói đúng hơn là tôi không phải học gì cả. Bởi tôi có một phép lạ, đó là quyển tập làm văn mẫu của cậu tôi tặng, trong đó bao gồm tất cả các bài cần phải làm và cậu đã đóng lại thành tập cẩn thận.
(VLO) Ngày ấy ở vào tuổi của một học sinh cuối lớp 4, tôi là đứa trẻ lười học môn Tập làm văn, hay nói đúng hơn là tôi không phải học gì cả. Bởi tôi có một phép lạ, đó là quyển tập làm văn mẫu của cậu tôi tặng, trong đó bao gồm tất cả các bài cần phải làm và cậu đã đóng lại thành tập cẩn thận.
Tôi mừng vô cùng, như là đã gặp được “Bụt” trong các chuyện cổ tích. Thế là từ sau ngày ấy trở đi, tôi không phải lo lắng gì hết. Mỗi lần cô giáo ra đề bài Tập làm văn là tôi chỉ cần mở quyển “cẩm nang” ra rồi cứ thế mà chép vào vở, nếu như đề bài không có gì khác.
Còn nếu đề ra có điều gì thay đổi thì tôi chỉ cần điều chỉnh một ít. Chẳng hạn, như với bài tập là hãy tả ông của em thì tôi sửa lại từ bài tả bà của em, khi yêu cầu tả quang cảnh nhà trường buổi sáng thì điều chỉnh từ bài có sẵn là quang cảnh nhà trường buổi chiều…
Cứ như thế, tôi đương nhiên trở thành học sinh giỏi Văn của lớp. Cho đến một hôm, tôi quá sơ ý khi chép cả bài “Hãy tả người ăn mày mà em đã gặp”.
Như thường lệ, khi trả bài tập làm văn là cô giáo tôi gọi các bạn có số điểm nhỏ nhất trước tiên, nêu nhận xét rồi sau cùng mới đến người có điểm cao nhất. Cô giáo tôi chưa bao giờ cho ai điểm bài tập làm văn đến 8,5 điểm. Chỉ từ 8 điểm trở xuống mà thôi.
Lúc bấy giờ ngồi trong lớp, tôi cứ yên tâm mà chờ đợi đến lượt điểm 7 trở lên thì mới lắng nghe tên mình. Bỗng, cô gọi tên tôi nhưng không cho biết điểm. Cô hỏi:
- Hôm nay bài làm văn của em hay lắm. Nhưng em giải thích được cho cô 2 từ thôi thì bài làm của em sẽ là điểm 10, còn nếu như em không giải thích được thì em sẽ được điểm 2 và quỳ gối cho đến hết giờ học.
Trời ơi, tôi kêu thầm và toát cả mồ hôi! Trong khi tất cả các cặp mắt đều dồn về phía tôi. Cô hỏi:
- Bữa cơm thịnh soạn là gì hả em?
Tôi đứng như trời trồng và cảm giác đất trời như sụp đổ quanh mình. Tôi làm sao mà biết được bữa cơm thịnh soạn là gì. Bởi vì tôi chỉ biết chép mà không hề biết suy nghĩ. Cậu tôi là một trong bốn học sinh giỏi Văn nhất tỉnh lúc bấy giờ. Tôi sợ quá vì đây là bài văn “ăn cắp” mà.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in phần mở đầu của bài văn: Sau bữa cơm thịnh soạn, gia đình tôi quây quần bên gian nhà giữa. Bỗng từ ngoài có tiếng vọng vào: lạy ông lạy bà làm ơn làm phước, bố thí cho kẻ nghèo hèn bát cơm chén gạo. Tôi ngẩng mặt nhìn lên thì ra, một ông lão ăn mày đã đến cửa nhà tôi tự bao giờ.
Thế là tôi phải bị quỳ gối mất nửa buổi học. Nỗi buồn trong lòng tôi là tự xấu hổ với các bạn, là sự sợ hãi mất đi vị trí người hùng, trong khi phải nhận thêm sự khinh thường của cô giáo cũng như các bạn trong lớp. Rồi tiếng “không lành” này mà bay về đến tận tai mẹ tôi ở nhà thì không hiểu rồi hậu quả sẽ ra sao, vân vân và vân vân.
Tuần lễ sau đó, tôi bị cảm giác xấu hổ vây quanh, không dám nhìn thẳng vào cô giáo, không dám đến gần bất cứ bạn nào của lớp.
Ngay cả giờ “Toán chạy” là môn sở trường mà tôi cũng chẳng tham gia. Khi về nhà thì cũng không biết nói gì với mọi người. Và nếu như tình trạng này mà xảy ra vào thời điểm bây giờ thì có lẽ tôi được xem là bị bệnh tự kỷ mất rồi.
Hai tuần trôi qua nặng nề với tôi, một đứa bé chỉ 10 tuổi đầu thì làm sao mà tìm ra lối thoát cho được. Tuy nhiên, đến giờ Tập làm văn của tuần học ấy, cô giáo tôi lại cho một bài tập làm văn mới là: Hãy viết suy nghĩ của em về mẹ hoặc cha hay ông bà, người mà em thương nhất.
Có lẽ đây là một đề tài rất gần gũi với tôi. Bởi vì, tôi luôn cho rằng trên đời này, không ai tuyệt vời như mẹ của tôi, một người phụ nữ đẹp, một mình nuôi con sống với bà nội và em gái của ba tôi, về sống với mẹ chồng và em chồng mà như là hai chị em ruột thịt, nuôi con, làm cơ sở cách mạng và chờ ba tôi đi tập kết ở miền Bắc. Lúc này thì tập bài mẫu của cậu tôi trở thành vô nghĩa.
Vả lại, làm sao mà tôi còn mặt mũi nào để chép nữa. Thế là tôi phải tự viết cho mình vậy. Đến ngày trả bài tập, tôi hoàn toàn lơ đễnh. Cô giáo đã đọc tên các bạn có bài từ điểm 2 đến điểm 8 hết rồi, nhưng không thấy tên tôi.
Tôi hoảng quá, hay là cô giận và không thèm đọc đến bài của tôi, giọt nước mắt bắt đầu lăn trên má tôi… thì bỗng… cô gọi tôi đứng dậy và dõng dạc nói trước lớp:
- Bài văn này hôm nay cô cho 10 điểm vì nó thật sự là của em. Em viết về mẹ mình hay lắm, cô đọc cho cả lớp nghe này.
Sau đó, cô nói tiếp:
- Cuối giờ, lớp trưởng hãy đọc bài này cho cả lớp chép làm bài mẫu.
Tôi đã đứng như trời trồng rất lâu. Niềm kiêu hãnh trong tôi bất ngờ sống lại. Và, tôi đã khóc trước lớp lần đó… rồi dần dần, tôi trở thành học sinh giỏi Văn thật sự. Có lẽ chính vì thế mà khi tôi thi vào lớp Đệ Thất (lớp 6 ngày nay với đề thi là Hãy bình luận câu: “Dùng hàng nội hóa là yêu nước” tôi đã giành lấy điểm môn Văn, gần như tuyệt đối là 19/20.
Trong suốt cuộc đời đi học và làm việc, tôi luôn nhớ và thầm mang ơn cô giáo tôi. Nếu như cô xem tôi là kẻ “ăn cắp”, kẻ “đạo văn” hay dù chỉ với một lời phê phán trên lớp thôi nhưng nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần thì tôi có lẽ đã trở thành người “tự kỷ” thật sự.
Thế đấy, cuộc đời học trò luôn bị ảnh hưởng bởi sự đánh giá của thầy cô, chỉ một việc làm nhỏ mà mang tính động viên, khích lệ của thầy cô thì cũng có thể chắp thêm đôi cánh cho học sinh của mình. Nhưng cũng chính từ những việc tưởng chừng như là nhỏ bé mà cứ chê trách, rồi nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì cũng dễ làm hỏng cả cuộc đời của trẻ.
Cô giáo tôi thường bảo là văn mẫu không có tội, văn mẫu mà biết cách hướng dẫn học sinh sử dụng đúng mực sẽ giúp ích cho trẻ khá nhiều trong việc học tốt môn Văn.
Xin được kính gửi đến cô giáo tôi lòng biết ơn sâu sắc và mãi mãi.
(*) Cô giáo Bằng dạy Trường Tiểu học An Tịnh, Sa Đéc trước kia, nay là An Hiệp, Châu Thành, Đồng Tháp.
ĐẶNG HUỲNH MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin