Thế là chúng tôi đã rời xa xóm cũ. Ở khu tái định cư mới, chẳng biết có ai giống như tôi, thấy ngỡ ngàng trước một môi trường sống hoàn toàn xa lạ. Lạ từ ngôi nhà tường còn thơm mùi vôi mới, lạ ở con đường tráng nhựa trước cửa cho đến hàng cây xanh thẳng lối mới vừa được trồng trên vỉa hè,…
(VLO) Thế là chúng tôi đã rời xa xóm cũ. Ở khu tái định cư mới, chẳng biết có ai giống như tôi, thấy ngỡ ngàng trước một môi trường sống hoàn toàn xa lạ. Lạ từ ngôi nhà tường còn thơm mùi vôi mới, lạ ở con đường tráng nhựa trước cửa cho đến hàng cây xanh thẳng lối mới vừa được trồng trên vỉa hè,…
Xóm cũ của tôi giờ là công trình xây dựng đang ngổn ngang xe ủi đất, cần cẩu, xi măng, cốt thép,… Một khu công nghiệp mới trong tương lai sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn công nhân, mở ra một diện mạo mới cho địa phương. Nhưng… không hiểu sao tôi cứ nghe buồn và nhớ một điều gì đó.
Tôi nhớ tiếng gọi đò qua sông, tiếng mái chèo khua nước và cây còng già dưới bến đã trải qua bao mùa mưa nắng.
Tôi nhớ cô lái đò, à không, dì Chín đưa đò tóc điểm sương bên chiếc ghe cũ đã sờn be. Nhớ câu vọng cổ của dì dìu dặt trên sông trong những buổi trưa vắng khách gợi nỗi hoài cảm, xa vắng, nhớ thương.
Tôi nhớ những mùa gió, không biết lục bình từ đâu kéo nhau dạt về dày ken cả khúc sông, tụi con nít tha hồ cắt lục bình bày trò chơi bán hàng. Và cũng không biết tự bao giờ con nít xóm tôi thường chỉ biết bày những trò chơi về những con sông, con rạch, chiếc ghe và chiếc xuồng ba lá.
Đúng là con nít nhà quê! Chúng bày trò dì Chín đưa đò, bắt chước hệt cái dáng còm còm của dì và nói những câu xởi lởi với khách: “Cháu tìm nhà ai, để Chín chỉ cho?”, “À, nhà bà Năm Ghe Hàng thì lạ gì, gần cây dừa nghiêng đằng trước”…
Tôi nhớ mùa gió chướng, khi bông so đũa chớm nở là lúc những con cá linh mập ú nhảy xoi xói trong khoang xuồng. Thậm chí tôi còn nhớ dai dẳng một bữa cơm đạm bạc chỉ có rau sống, chuối chát ăn cặp với mắm cá linh do chính tay nội làm.
Hèn gì, tôi có người bà con định cư ở nước ngoài, nói mỗi lần nhớ món mắm cá linh là muốn rớt nước mắt.
Tôi nhớ ông Bảy Câu Tôm. Có lần ông nói với tôi khi sinh ra là ông đã nằm trong xuồng rồi. Sau này đến trường, đi chơi, đi đám cưới, đám giỗ, thăm viếng nhau,… tất cả đều bằng xuồng ghe.
Và cái nghề câu tôm, thả lưới của ông “Một mình thong thả làm ăn / Khỏe quơ chài kéo mệt quăng câu dầm” thật giống như ông Ngư trong truyện Lục Vân Tiên.
Tôi nhớ những cây cầu dừa đẽo thành bậc thang bắt gie ra sông. Vào những buổi chiều, bến sông vui như nhóm chợ, là nơi giặt giũ, tắm gội, rửa chén của bà con trong xóm.
Con nít xóm tôi, sáu bảy tuổi là biết làm quen với cây dầm, mái chèo, lặn hụp đùa giỡn trên sông hay mò tôm, mò tép ở gốc gừa. Nên bây giờ… tôi chợt nghe rưng rức nhớ dòng sông nơi xóm cũ.
Tôi có thằng bạn thân hay gọi đùa tôi là “ông già âm lịch”. Tôi cười. Ừ! Đúng rồi! Sao mình luôn có những suy nghĩ thiệt kỳ, hổng giống ai? Trước bao điều mới mẻ, tốt đẹp ở hiện tại và tương lai thì mắc gì chỉ hoài niệm những điều cũ rích!
Nhưng hoài niệm ấy chắc không chỉ mình tôi. Chiều nay, tôi thấy dì Chín ngồi buồn so trước cửa nhìn xe cộ đang xuôi ngược trên đường. Chắc dì đang nhớ dòng sông và chiếc đò đưa khách. Không sông, thiếu đò, lâu rồi, tôi chưa hề nghe dì ca vọng cổ.
Và cũng chiều nay, ông Bảy Câu Tôm ngồi trên sân thượng, cạnh mấy chậu hành, chậu ớt dõi mắt về xóm cũ, chắc đang lẩm bẩm cái câu quen thuộc “Tôm đi chạng vạng. Cá đi rạng đông”.
Chiều nay, tôi nghe thèm mùi khói đốt đồng thơm lựng khoai lang nướng, nhớ tiếng cá quẫy, tiếng tôm búng càng cặp mé,... Tôi mơ màng thấy xóm cũ đang tràn về trong mắt.
NGUYỄN LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin